Bánh tráng nướng nhúng nước

24/05/2025 - 12:57

PNO - Bà nội tôi thích ăn bánh tráng nướng theo một kiểu rất lạ: bánh được nhúng nước cho mềm, xé nhỏ ra chấm với xì dầu dằm ớt xiêm cay xè. Món ăn rất đỗi bình dân ấy vẫn nằm trong ký ức tôi đến tận bây giờ.

Cuộc sống nhanh chóng thay đổi nhưng hàng tạp hóa trong xóm vẫn tồn tại dẫu nay ở phố có rất nhiều cửa hàng tiện lợi với đồ đạc xếp ngăn nắp, máy lạnh mở mát rượi.

Những gian hàng tạp hóa bình dân vẫn là nơi lui tới của người dân quê  dẫu siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên ở nhiều nơi - Ảnh: K.V.T.
Những gian hàng tạp hóa bình dân vẫn là nơi lui tới của người dân quê dẫu siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên ở nhiều nơi - Ảnh: K.V.T.

Không thể nào quên những năm xa lắc đó, xóm tôi có hàng tạp hóa của bà Kiểng bán đủ thứ từ ly rượu đến cây kim may đồ. Tiệm tạp hóa bà Kiểng có thể nói là tiệm bán cho cả khu dân cư. Nhà bà khá rộng, có cái chái bằng mái tôn che ra ngoài tránh nắng mưa. Người đi mua thường là những đứa trẻ, cha mẹ ông bà dặn mua gì thì tới hàng mà nói, tay cầm chặt tiền hoặc mua nợ thì ghi lên mảnh giấy để… làm bằng chứng.

Tôi thường đi mua hàng cho bà nội và thỉnh thoảng cũng mua bánh kẹo ở đây để ăn. Ấn tượng của tôi nơi hàng tạp hóa là chiếc bàn gỗ đã cũ nhưng là gỗ tốt nên rất vững.

Bà chủ bày trên đó mấy thẩu thủy tinh, mỗi thẩu đựng mỗi loại bánh: bánh xốp, bánh quy, bánh tai heo, bánh men…; có loại bánh bây giờ người ta không còn bán nữa. Một số thẩu thủy tinh khác thì đựng kẹo, gồm kẹo mềm và kẹo cứng.

Ngày đó chưa có snack, chẳng có bánh đóng bịch, chỉ các loại bánh kẹo bán theo kiểu đựng trong thùng thiếc, mỗi thùng 5kg, chủ tiệm mua về bỏ vào thẩu thủy tinh bán lẻ. Những thẩu thủy tinh đựng bánh kẹo luôn có sức hấp dẫn với lũ trẻ xóm tôi. Cứ có đồng nào, chúng tôi lại tới mua. Tùy theo số tiền chúng tôi có, bà chủ giở thẩu để lấy bánh. Bánh cũng chẳng cần bỏ vào bọc cho mất công vì mua xong chúng tôi liền ăn ngay tại chỗ.

Bánh trái hồi xưa nào có hạn sử dụng vì hàng hóa chẳng rõ bao bì, xuất xứ. Đường, muối cũng không bỏ bọc nửa ký hay 1 ký mà để trong thúng nhỏ hoặc chia thành từng gói nhỏ treo lủng lẳng, ai mua thì bứt xuống. Cách đong nước mắm rất vui, nghĩa là mang chén đi mua chứ cửa hàng không có đồ đựng.

Tôi thường ghé hàng tạp hóa vào lúc xế chiều để mua bánh tráng cho nội ăn xế. Bánh tránh bỏ trong bọc ni lông lớn. Hàng có một bọc bánh tráng nướng và một bọc bánh tráng nhúng. Tôi cầm tiền sang mua vài cái bánh tráng nướng. Nội xối nước lên mấy cái bánh tráng, để một lát cho mềm rồi cuốn gọn, chấm xì dầu dằm ớt. Tôi cũng theo thói quen ngồi ăn ké. Bà cháu tôi ngồi ăn bánh tráng mà như thưởng thức món ngon vật lạ.

Bà Kiểng có một cuốn sổ ghi nợ. Cả xóm cứ mua nợ bà ghi vào. Mỗi lần mua nợ, tôi chỉ cần nói: “Bán nợ cho nội con 2 cái bánh tráng”. Bây giờ khó tìm thấy chỗ nào bán bánh tráng nướng sẵn, bỏ vào bịch ni lông cột lại, treo toòng teng. Người ta làm ra bánh tráng đóng gói cho tiện lợi. Cũng ít thấy ai còn chịu bán thiếu. Mua hàng ở siêu thị càng không tồn tại khái niệm mua thiếu.

Tôi - đứa nhỏ ngày nào - giờ đây mái tóc pha sương, ngồi nhớ những chiều đi qua nhà bà Kiểng. Gió chiều len qua ô cửa, bà cháu tôi ăn bánh tráng nướng nhúng nước chấm xì dầu dằm ớt, miệng xuýt xoa cay mà lòng ấm sực yêu thương.

Khuê Việt Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI