Để AI thực sự là bạn đồng hành của học sinh

14/05/2025 - 06:35

PNO - Việc đưa AI vào trường học vẫn là bài toán phức tạp, nhiều thách thức, nguy cơ nếu thực hiện vội vã, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nền tảng.

AI đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống. Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào “bình dân học vụ số”, Bộ GD-ĐT đã ban hành khung năng lực số đối với người học - trong đó có AI. Tuy vậy, việc đưa AI vào trường học vẫn là bài toán phức tạp, nhiều thách thức, nguy cơ nếu thực hiện vội vã, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nền tảng.

Học sinh lớp Mười hai A16 Trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) học môn địa lý với sự hỗ trợ của các ứng dụng số - Ảnh: Trang Thư
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) học môn địa lý với sự hỗ trợ của các ứng dụng số - Ảnh: Trang Thư

Học sinh (HS) tiếp cận AI là tất yếu. Không ít HS thường xuyên dùng ChatGPT, Copilot, Gemini trong việc học, làm bài tập, tạo hình ảnh. Nhưng, nếu chỉ dạy cho HS cách dùng công cụ như gõ lệnh, tạo nội dung, sửa lỗi thì đó không phải là giáo dục AI mà chỉ là dạy HS “làm quen máy móc”.

Giáo dục AI trước hết là giúp HS hiểu được bản chất, nhìn ra giới hạn, biết phản biện trước các câu trả lời của AI và biết tự chủ với công nghệ mà mình sử dụng. Nếu không, HS rất dễ trở thành người bị công nghệ dẫn dắt, không phân biệt được đúng sai, thật giả.

Phần lớn giáo viên hiện nay chưa được trang bị năng lực số đủ vững để dạy về AI một cách có chiều sâu. Nhiều người còn loay hoay giữa việc sử dụng công cụ dạy học cơ bản với việc ứng dụng AI vào bài giảng. Trong các lớp học thực tế, không hiếm những tiết học “trải nghiệm AI” chỉ giúp HS dùng thử phần mềm hoặc giáo viên giới thiệu sơ lược về khái niệm mà chính mình cũng còn rất mơ hồ. Rất nhiều phụ huynh cũng chưa hiểu rõ về AI - thứ mà con em họ tiếp xúc hằng ngày. Khi cha mẹ chưa đủ năng lực đồng hành, AI dễ trở thành chiếc cửa sổ mở ra những vùng mù nguy hiểm.

Ở chiều ngược lại, nhiều HS - nhất là HS ở các thành phố lớn - đã làm quen với AI trước cả giáo viên và có thể dùng AI để viết văn, tra cứu, làm đề thi thử, nhưng hầu hết theo kiểu “bản năng”. Khi HS quen với việc hỏi để có đáp án mà không đào sâu suy nghĩ, AI vô tình trở thành một chiếc nạng tri thức khiến khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề của HS bị thui chột từng ngày. Đây chính là nghịch lý của giáo dục thời công nghệ.

Chúng ta cần một điểm khởi đầu đúng. Điểm khởi đầu đó không phải là chương trình mà chính là con người. Trước khi nghĩ đến chuyện dạy AI cho HS, cần bắt đầu bằng việc nâng cao năng lực số và tư duy công nghệ cho giáo viên, phụ huynh - những người giữ vai trò dẫn dắt, định hướng và giám sát.

Điều này không thể làm qua loa bằng vài buổi tập huấn kiểu phong trào hay những bản powerpoint chiếu lệ mà phải là quá trình học thật, làm thật với cơ chế “học đi đôi với trách nhiệm”. Chẳng hạn, có thể áp dụng mô hình đồng tài trợ đào tạo: giáo viên tự bỏ tiền học, nếu hoàn thành tốt thì được hoàn phí.

HS cần được dạy cách nhìn công nghệ bằng con mắt tỉnh táo, biết giữ vững những giá trị của con người trong thế giới máy móc ngày càng tinh vi. Chúng ta không cần biến tất cả HS thành kỹ sư AI tương lai mà cần có trách nhiệm giúp HS trở thành những công dân có hiểu biết, có đạo đức và biết sử dụng công nghệ để phụng sự cuộc sống chứ không bị cuốn theo nó.

Dạy AI trong trường phổ thông là cần thiết, nhưng nếu không làm từ gốc, không bắt đầu từ con người thì rất dễ tạo ra lớp vỏ hiện đại ảo. Trường học có thể được trang bị máy tính, phần mềm, mô hình, nhưng nếu thiếu tư duy, thiếu hiểu biết sâu sắc thì tất cả chỉ là cái vỏ. Công nghệ có thể thay đổi từng ngày, nhưng điều mà nhà trường cần bồi đắp cho HS vẫn là tư duy độc lập, nhân cách vững vàng và năng lực học tập suốt đời. Chỉ khi nền tảng con người đủ vững, công nghệ mới trở thành bạn đồng hành.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI