Những bóng mờ trong bức tranh xuất khẩu dừa

25/05/2025 - 06:12

PNO - Cần thay đổi tư duy từ xuất khẩu nông sản thô sang xuất khẩu sản phẩm, từ chuỗi cung ứng thô sơ sang chuỗi giá trị gia tăng.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỉ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. Trái dừa Việt Nam tự hào gia nhập “câu lạc bộ ngành hàng xuất khẩu tỉ đô”, khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu nông sản quốc gia và thế giới.

Trong vòng 2 tháng gần đây, giá dừa trong nước liên tục lập đỉnh, chạm mốc 210.000 rồi 230.000 đồng/chục (12 trái), cao gấp nhiều lần so với những năm trước. Một trong những yếu tố nền tảng đẩy giá dừa lên cao chính là cơ hội thị trường từ Trung Quốc.

Theo các nghiên cứu thị trường gần đây, mỗi năm, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 4 tỉ trái dừa, trong đó có tới 2,6 tỉ trái dừa tươi. Tuy nhiên, năng lực sản xuất nội địa của họ còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng từ giới tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm tự nhiên, sạch và hữu cơ. Đây chính là “khoảng trống thị trường” mà Việt Nam có thể tận dụng.

Cùng với Trung Quốc, các thị trường khác như Mỹ, EU, Nhật Bản cũng đang tăng tốc nhập khẩu các sản phẩm từ dừa, từ nước dừa, dầu dừa. Đây là kết quả của quá trình định vị lại giá trị của dừa trong chuỗi nông sản xuất khẩu, nơi người trồng và doanh nghiệp đã biết cách đưa sản phẩm truyền thống bước ra thế giới với vị thế mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh điểm sáng, vẫn còn những bóng mờ trong bức tranh xuất khẩu dừa. Phần lớn dừa được xuất khẩu ở dạng thô, tỉ lệ sản phẩm chế biến sâu còn quá ít. Đây là điểm nghẽn khiến ngành dừa chưa thực sự cất cánh. Một trái dừa tươi được bán với giá hơn chục ngàn đồng, nếu chế biến thành nước dừa đóng lon, dầu dừa ép lạnh hoặc than hoạt tính từ gáo dừa thì giá trị có thể tăng gấp nhiều lần.

Một số doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre đã tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại như sấy lạnh, cô đặc, ly tâm, tách nước và tách dầu, tạo ra sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, nhiều tỉnh khác như Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang và các tỉnh duyên hải miền Trung có diện tích dừa lớn vẫn thiếu hạ tầng chế biến và đầu tư công nghệ, dẫn tới tình trạng thừa nguyên liệu, thiếu sản phẩm tinh.

Muốn dừa trở thành mặt hàng nông nghiệp có giá trị cao, Việt Nam không thể dừng lại ở việc xuất khẩu nguyên liệu thô và chủ yếu cung cho thị trường Trung Quốc. Cần có một chiến lược bài bản cho chế biến sâu, từ khâu giống cây trồng đến phát triển sản phẩm mới như sữa dừa, protein từ dừa, tấm xơ dừa xây dựng, vật liệu sinh học hay mỹ phẩm thiên nhiên từ dừa.

Không dừng lại ở sản phẩm ăn uống, chuỗi giá trị dừa hoàn toàn có thể mở rộng sang ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm, y dược và xây dựng sinh thái - những lĩnh vực đang có nhu cầu tiêu dùng bền vững tăng nhanh trên toàn cầu.

Để làm được điều đó, rất cần sự đồng hành từ chính sách công, trong đó có chính sách phát huy vai trò kinh tế tư nhân; các chính sách hỗ trợ ngành dừa phải mang tính dài hạn và toàn diện. Trước hết là việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm theo nghị định thư mà Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết.

Cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp chế biến, khuyến khích đổi mới công nghệ, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn và phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm dừa. Nhà nước cũng cần khẩn trương quy hoạch và phát triển các cụm công nghiệp chế biến dừa ở các tỉnh trọng điểm, từ đó hình thành chuỗi giá trị khép kín, giúp nông dân và doanh nghiệp kết nối bền vững với thị trường.

Cần thay đổi tư duy từ xuất khẩu nông sản thô sang xuất khẩu sản phẩm, từ chuỗi cung ứng thô sơ sang chuỗi giá trị gia tăng.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI