Chỉ tuyên truyền cho học sinh là chưa đủ

22/05/2025 - 06:48

PNO - Đi giảng dạy và làm các chương trình tuyên truyền ở nhiều tỉnh trong nước, tôi thấy hệ thống đài truyền thanh phủ khắp các xã nhưng ít có nơi nào tận dụng chúng để truyền thông về phòng, chống đuối nước. Tôi nghĩ, chỉ cần ngày nào cũng dành vài phút nhắc đi nhắc lại việc phòng, chống đuối nước, mọi người sẽ in trí. Nếu chỉ thỉnh thoảng tuyên truyền, mọi người sẽ dễ quên.

Phải thừa nhận rằng, hiện nay, công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước chưa sâu rộng. Do đó, cần tuyên truyền đồng bộ từ trường học đến khu dân cư, đến các ban, ngành, đoàn thể và tất cả các tổ chức xã hội. Nếu chỉ tuyên truyền trong trường học là chưa đủ bởi người lớn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Phụ huynh phải là người hiểu rõ và thực hành nghiêm việc phòng, chống đuối nước từ các hành động nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, như đi đường thủy thì mặc áo phao; biết người ta cắm cờ xanh ở bãi biển là cảnh báo nguy cơ ở mức nào, cờ đỏ là ở mức nào, để còn chỉ dẫn con mình. Việc chỉ dẫn này cần được lặp đi lặp lại để hình thành ý thức, phản xạ tự nhiên chứ không phải trông chờ vào 1-2 tiết học ở trường.

Việc phổ cập bơi cho trẻ em có tầm quan trọng sống còn. Bơi không chỉ là một kỹ năng giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn là một kỹ năng sinh tồn quan trọng, giúp trẻ tự bảo vệ mình trong những tình huống nguy hiểm dưới nước. Một đứa trẻ biết bơi sẽ có khả năng tự cứu mình và thậm chí cứu giúp người khác khi gặp nạn. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu đưa môn bơi vào giảng dạy ngoài giờ. Tuy nhiên, hoạt động dạy bơi ngoài giờ còn nhiều vướng mắc. Quản lý 30 học sinh trên bờ thì dễ, dưới nước thì rất khó. Do đó, tôi kiến nghị, khi dạy bơi cho khoảng 30 học sinh thì cần ít nhất 3 giáo viên và 1 người giám sát để việc dạy và học thực chất, hiệu quả.

Một vấn đề mà nhiều trường đang gặp phải là thiếu hồ bơi để dạy bơi cho trẻ. Giải pháp cho vấn đề này là làm hồ bơi lắp ghép. Ưu điểm của loại hồ bơi này là giá thành chỉ bằng 1/10 hồ xây, lại cực kỳ an toàn, dễ quản lý, quan sát. Dạy bơi cho trẻ chưa biết bơi ở trong hồ lắp ghép dễ hơn trong hồ xây vì hồ xây với mực nước sâu trong hồ sẽ gây cảm giác ngộp.

Ngoài biện pháp tuyên truyền và phổ cập kỹ năng bơi an toàn, kỹ năng phòng, chống đuối nước ở trường, rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội. Có những việc làm nhỏ nhưng mang lại hiệu quả rất lớn. Chẳng hạn, ở các hồ chứa nước tưới tiêu vùng Tây Nguyên hoặc các kênh thủy lợi ở tỉnh Quảng Ngãi, đoàn thanh niên hoặc các tổ chức xã hội đi nhặt các lốp xe cũ về nối với nhau và đóng vào cọc, nếu ai lỡ rơi xuống thì có chỗ bám vào để thoát nạn. Hoặc có nơi, người dân tự trang bị áo phao, phao cứu sinh để phục vụ miễn phí cho người tắm biển và cứu hộ khi có tình huống xấu.

Để giảm thiểu những vụ đuối nước thương tâm, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và trách nhiệm cao của tất cả các bên liên quan. Cần có những giải pháp căn cơ, thiết thực và lâu dài, từ việc nâng cao nhận thức, tăng cường giám sát, đầu tư cơ sở vật chất đến việc đổi mới phương pháp dạy bơi, đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội được học bơi và trang bị kỹ năng an toàn dưới nước.

Thạc sĩ Lê Chí Hùng - Phó trưởng khoa Giáo dục thể chất, Trường đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng
Đ.Dũng (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI