Cần xem lại mức thuế xuất khẩu dừa thô 0%

24/05/2025 - 12:32

PNO - Trước tình trạng xuất khẩu dừa thô tràn lan như hiện nay, hiệp hội cho rằng, mức thuế 0% đã gây những hệ lụy cho ngành dừa trong nước.

Ông Cao Bá Đăng Khoa - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam - cho hay, nguyên liệu dừa trên thế giới có nhiều biến động; một số nước đang thực hành chính sách cấm xuất khẩu dừa nguyên liệu nhằm ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước sản xuất ổn định và duy trì xuất khẩu dừa tươi.

Indonesia là quốc gia có diện tích dừa lớn nhất trên thế giới. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu dừa nguyên liệu từ Indonesia để chế biến. Hiện nay, Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu áp mức thuế 80% đối với dừa nguyên liệu xuất khẩu thô nhằm ưu tiên nguồn hàng cho các nhà máy trong nước. Trong một số hội nghị quốc tế, Chính phủ Indonesia nêu định hướng sẽ cấm xuất khẩu dừa nguyên liệu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp chế biến dừa ở Ấn Độ, Israel, Pakistan nhập khẩu nguyên liệu từ Indonesia đang so sánh lợi thế về giá nhằm chuyển sang nhập dừa nguyên liệu của Việt Nam. Các nhà máy ở Thái Lan cũng đang tích cực nhập khẩu dừa nguyên liệu thô của Việt Nam.

Khi đi khảo sát một số tỉnh tiếp giáp với Campuchia như Đồng Tháp, Long An, Hiệp hội Dừa Việt Nam ghi nhận, mỗi ngày, có khoảng 70-80 xe nhỏ chở dừa khô nguyên liệu đưa sang Campuchia với thuế suất 0%, sau đó chuyển dừa sang xe tải lớn để chở sang Thái Lan chế biến, xuất khẩu.

Từ năm 2023, dừa tươi Việt Nam xuất khẩu được vào thị trường Mỹ. Năm 2024, trái dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Những sự kiện này tạo nên làn sóng đầu tư lớn từ các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Israel, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu những sản phẩm từ dừa, đáp ứng nhu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Trung Đông.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã xây dựng kế hoạch trung và dài hạn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn quốc tế, bền vững về tuần hoàn và môi trường để quảng bá sản phẩm trên các diễn đàn thương mại quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa sản phẩm từ dừa và liên quan đến dừa của Việt Nam lên tầm cao mới.

Trước tình trạng xuất khẩu dừa thô tràn lan như hiện nay, hiệp hội cho rằng, mức thuế 0% đã gây những hệ lụy cho ngành dừa trong nước. Do đó, hiệp hội đang tính đến giải pháp kiến nghị các cấp thẩm quyền áp thuế suất xuất khẩu 5% trở lên đối với dừa thô nguyên liệu gồm dừa đã qua công đoạn làm khô và dừa còn nguyên sọ nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị thấp. Riêng dừa tươi (dừa non) vẫn được khuyến khích xuất khẩu và giữ mức thuế 0%.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, hiện nay, giá thành sản xuất ra trái dừa nguyên liệu (bao gồm cây giống, đất, công chăm sóc, khấu hao máy móc, thiết bị) khoảng 3.200 đồng/trái. Trong 6 tháng gần dây, giá dừa nguyên liệu tăng 150% so với giá trung bình trong 3 năm qua.

Cụ thể, giá thu mua dừa tại vườn trong quý I/2025 là 13.500 đồng/trái, sau khi trừ đi giá thành thì lợi nhuận của nông dân rất cao. Trong khi đó, doanh nghiệp lại khó thu mua để chế biến sâu. Việc đề xuất mức thuế như trên còn nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách từ dừa nguyên liệu và ổn định giá dừa ở mức 8.000-10.000 đồng/trái. Với mức này, lợi nhuận của nông dân vẫn cao.

Áp mức thuế 5% trở lên cũng là giải pháp giúp ổn định giá dừa nguyên liệu, ưu tiên cho các nhà máy trong nước sản xuất những sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao, hạn chế xuất khẩu dừa nguyên liệu giá trị thấp, còn thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành dừa, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI