Hạ nhiệt cuộc đua vào trường điểm

07/05/2025 - 07:14

PNO - Một số phụ huynh vẫn bằng mọi giá chạy chọt cho con vào, khiến việc vào lớp Một, lớp Sáu của HS thêm phần căng thẳng.

Ở khối lớp Mười, chỗ học trong các trường THPT công lập chỉ đủ tiếp nhận khoảng 70% số học sinh (HS) tốt nghiệp THCS nhưng ở khối lớp Một, lớp Sáu, chỗ học ở trường công lập đủ để tiếp nhận 100% HS.

Tuy vậy, nhu cầu của người học lại muôn hình vạn trạng. Nghe nói trường này tốt, trường kia là trường điểm, một số phụ huynh vẫn bằng mọi giá chạy chọt cho con vào, khiến việc vào lớp Một, lớp Sáu của HS thêm phần căng thẳng. Năm ngoái, nhiều phụ huynh phải chầu chực từ 5g sáng 17/6 để mua hồ sơ xét tuyển vào lớp Một của Trường tiểu học Thực hành thuộc Đại học Sài Gòn (quận 3, TPHCM). Một số phụ huynh còn “xí chỗ” từ tối hôm trước. Trường tuyển 150 chỉ tiêu nhưng có khoảng 200 phụ huynh chờ sẵn từ sáng sớm.

Công bằng mà nói, những năm gần đây, các quận, huyện đã nâng cấp cơ sở vật chất trường học và trình độ giáo viên khiến sự chênh lệch chất lượng giữa trường này với trường kia được thu hẹp dần. Tuy nhiên, một số trường ở khu vực có dân số cơ học tăng nhanh, sĩ số có khi lên tới 50 HS/lớp, nhiều em không được học 2 buổi/ngày, còn ở quận 1, quận 10, quận 3, quận 11, sĩ số HS mỗi lớp đều đạt chuẩn của Bộ GD-ĐT, thậm chí có trường chỉ 25 HS/lớp.

Bên cạnh đó, trường công lập cũng có nhiều loại hình để phụ huynh lựa chọn, như trường tiên tiến hội nhập quốc tế, chương trình tiếng Anh tích hợp (theo đề án 5695). Đồng thời, sự ra đời của nhiều trường tư thục chất lượng cao và trường quốc tế cũng đem đến sự đa dạng trong chọn lựa chỗ học cho HS, góp phần hạ nhiệt cuộc đua vào một số ít trường điểm.

Thêm vào đó, cách đây 3 năm, ngành giáo dục TPHCM bắt đầu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) trong tuyển sinh đầu cấp, thí điểm ở quận 8, Tân Bình và TP Thủ Đức. Trên cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục và tham khảo bản đồ GIS, ban tuyển sinh các địa phương phân bổ HS học gần nhà nhất có thể, không phân tuyến như trước. Theo đánh giá chung, ứng dụng GIS rất hiệu quả, minh bạch.

Trong năm 2023, Sở GD-ĐT TPHCM áp dụng việc tuyển sinh đầu cấp trực tuyến bằng mã định danh của HS qua cổng thông tin https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn. Sau 2 năm, sở đánh giá, việc tuyển sinh diễn ra thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. Qua khảo sát, có 62,7% phụ huynh hoàn toàn hài lòng và 23,8% tạm hài lòng với sự hướng dẫn tuyển sinh của nhà trường, chỉ có 1,6% không hài lòng.

Năm nay, ngành giáo dục TPHCM tiếp tục thực hiện theo cách thức trên để đón hơn 109.000 HS vào lớp Một và hơn 124.000 HS vào lớp Sáu. Ban chỉ đạo tuyển sinh ở mỗi địa phương xây dựng phương án phù hợp, giúp HS được học ở trường gần nhà nhất. Giải pháp kỹ thuật để việc tuyển sinh đầu cấp minh bạch, công bằng đã có, nhưng điều căn cơ vẫn là tạo môi trường học tập đồng đều hơn giữa các trường, các khu vực.

Tin vui trong năm học này là hàng chục trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi đã được đưa vào sử dụng ở các quận có đông HS, như 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, TP Thủ Đức. Đến cuối năm 2025, sẽ có thêm 2.700 phòng học mới được hoàn thiện, đưa vào sử dụng, giúp hàng chục ngàn học sinh có môi trường học tập tốt.

Mới đây, theo định hướng sắp xếp bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp quận khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất trực tiếp tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Bên cạnh việc chủ động tuyển dụng này, sở cũng áp dụng việc đào tạo giáo viên đạt chuẩn, bồi dưỡng thường xuyên, luân chuyển giáo viên giỏi đến trường khó khăn và cải thiện chế độ đãi ngộ.

Khi cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên đồng đều ở mọi trường, chắc chắn việc tuyển sinh đầu cấp sẽ “êm” hơn, không còn căng thẳng và dù học ở đâu, HS cũng được thụ hưởng trọn vẹn môi trường học tập hạnh phúc để phát huy năng lực của mình.

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI