Xây hạnh phúc gia đình bằng tấm lòng rộng mở

01/07/2023 - 06:34

PNO - Nhâm Thị Kim Phượng - Thái Hoàng Vũ và Phạm Thị Thùy Trang - Lê Xuân Thành là 2 trong 50 gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu được Hội LHPN TPHCM tuyên dương tại lễ kỷ niệm 22 năm ngày Gia đình Việt Nam, diễn ra ở công viên 23/9 (quận 1) sáng 28/6.

 

Dù mưu sinh vất vả, 23 năm qua, vợ chồng anh chị Vũ - Phượng vẫn luôn đồng hành cùng nhau và luôn nghĩ đến cộng đồng
Dù mưu sinh vất vả, 23 năm qua, vợ chồng anh chị Vũ - Phượng vẫn luôn đồng hành cùng nhau và luôn nghĩ đến cộng đồng 

Yêu thương gia đình và cộng đồng

Sáng sớm, vợ chồng anh chị Thái Hoàng Vũ - Nhâm Thị Kim Phượng ghé chợ Từ Đức (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức) kiểm tra số dép, giày mới nhận, lựa những đôi phù hợp để gom tặng cho Gian hàng 0 đồng của Hội LHPN phường Bình Thọ. 

Gian hàng 0 đồng mở cửa cuối tháng 4/2023, nay đã tặng được 500 đôi giày, dép cho người lao động nghèo. Số giày, dép này đều do vợ chồng chị Phượng tài trợ. Hễ giày, dép trên kệ vơi bớt, cán bộ hội phụ nữ gọi là vợ chồng chị vui vẻ tặng thêm. Đó là chưa kể, anh chị thường xuyên soạn sẵn các bao giày, dép cho những chuyến từ thiện của hội phụ nữ phường đến các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, khi Bến Tre. 

Chị Phượng kể: “Tôi bán giày dép trong chợ hơn 20 năm nay. Giá mỗi đôi dép nhựa cỡ vài chục ngàn đồng, nhưng có những người phải đắn đo lắm mới dám mua. Tôi thấy nhiều cô, chú mang dép mòn gót, đứt quai, phải cột bằng dây kẽm. Thành ra, nghe hội mở kệ giày, dép để tặng người nghèo, vợ chồng tôi rất tâm đắc, hỗ trợ theo khả năng, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu”. 

Nên duyên vợ chồng vào năm 2000 khi cùng làm công nhân công ty may, chị Phượng và anh Vũ đã cùng trải qua hành trình mưu sinh nhọc nhằn. Hồi đó, anh chị làm theo ca, vừa rời nhà xưởng đã vội chở lỉnh kỉnh giày, dép, mũ, túi xách, dây nịt đến cổng khu chế xuất Linh Trung bán. Nghe có người quen mở sạp giày, dép ở chợ Từ Đức, anh chị xin ké một góc để bán thêm mũ, túi xách vào buổi tối. Khi người quen nghỉ bán, anh chị quyết định sang lại sạp, nghỉ làm công nhân may. Gần đây, ngoài giày, dép, sạp còn bán thêm đồ gia dụng. 

Chị Phượng hiện là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ chợ Từ Đức. Trước khi làm cán bộ hội phụ nữ, chị đã để ý từng sạp hàng, từng cảnh đời trong chợ và cả người hay ghé chợ, ai khó khăn thì giúp đỡ. Thấy cụ bà bán rau Nguyễn Thị Hai không có ai thân thích, ở nhà trọ, nhiều buổi tan chợ mà rổ rau vẫn còn nhiều, chị mua hết rau rồi mang về chia cho lối xóm. Khi bà Hai bị tai biến, đi đứng khó khăn, chị cho tiền, dặn bà mua đồ ăn bồi bổ. Thấy bà cụ đẩy xe rùa bán rau muống nuôi cháu nhỏ, chị Phượng tặng dép, xoong chảo, ca múc nước. 

Dù đau cột sống và giãn tĩnh mạch chân, anh Vũ vẫn tất bật buôn bán và luôn đồng hành với vợ trong các hoạt động của hội phụ nữ. Để vận động tiểu thương hạn chế dùng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, anh chị thường mua ống hút giấy phát cho các tiệm bán đồ giải khát và kêu gọi bà con xách giỏ đi chợ. Cùng các dì, các chị trong chi hội, anh chị gom góp, hỗ trợ 5 tiểu thương đặc biệt khó khăn, mỗi người 300.000 đồng/tháng. 

Hằng năm, vợ chồng chị Phượng còn ủng hộ chi hội 5 triệu đồng để tặng học bổng cho con em tiểu thương. Căn nhà của anh chị là nơi tập dượt của đội văn nghệ khu phố. Trong khi vợ tập văn nghệ cùng mọi người, anh Vũ lo hậu cần. Nhiều buổi chiều, họ đóng cửa sạp, chở nhau tới làng đại học thả diều, ăn uống.

Anh chị Vũ - Phượng có 1 cô con gái 21 tuổi, đang theo học nghề phun xăm. Hỏi bí quyết giữ “lửa” hạnh phúc, anh Vũ cười: “Tôi nóng tính. Lần nào tôi hơi lớn tiếng thì bả nhịn, chờ êm êm mới nói lại chuyện vừa xảy ra, xong là hòa nhau. Bây giờ buôn bán chậm, tôi hay đóng cửa sạp, chở vợ đi chơi. Bởi vậy, mấy người quen hay quở ngoài 50 tuổi rồi mà còn lãng mạn dữ. Tôi nghĩ, dù ở tuổi nào, vợ chồng cũng cần cùng nhau trải qua những giây phút vui vẻ, thảnh thơi. Bán ế mà ngồi rầu rĩ hoài cũng đâu giải quyết được gì”. 

Chồng bước chậm lại để vợ song hành

Khoảnh khắc sum vầy ấm áp của chị Trang bên gia đình sau một ngày bận rộn  với việc học hành, kinh doanh
Khoảnh khắc sum vầy ấm áp của chị Trang bên gia đình sau một ngày bận rộn với việc học hành, kinh doanh

Đón lấy miếng trái cây do con trai vừa gọt đưa cho, rồi nhìn sang 2 cháu nhỏ đang cùng mẹ chúng đọc quyển sách mới, bà Ngô Thị Quang (ấp 3, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) cười mãn nguyện. Bà nói: “Con nó vất vả nhiều, Chủ nhật mà vẫn phải đi học. Tụi nó vừa mới về, ăn cơm xong”. 

Nghe mẹ chồng nói, chị Phạm Thị Thùy Trang cười biết ơn: “Có mẹ ở nhà coi ngó tụi nhỏ để con yên tâm đi học là may mắn lắm rồi. Có ai được như con đâu, lấy chồng 13 năm thì hết 10 năm được chồng với mẹ nuôi ăn học”. 

Với chị Trang, 10 năm đi học, có 3 bằng đại học sau khi lập gia đình, làm mẹ của 2 đứa con là thành tựu quá lớn mà chị không thể có được nếu không có sự hỗ trợ của chồng và mẹ chồng. 

Là con thứ chín trong gia đình khó khăn nên học hết lớp Mười hai, chị Trang không theo học ngành sư phạm như ước mơ trước đó mà quyết định đi làm, rồi kết hôn ở tuổi 22. Thời điểm đó, chồng chị - anh Lê Xuân Thành - bắt đầu mở công ty chuyên về pháp lý nhà đất. Năm 2011, để phục vụ công việc, anh Thành đăng ký học thêm đại học ngành luật và rủ vợ học chung. Thế là, ban ngày, chị Trang phụ chồng làm công ty gia đình, buổi tối ngồi sau xe chồng từ huyện Nhà Bè sang quận Bình Thạnh để làm sinh viên. 

Chị kể: “Mới học được 1 năm thì mình ốm nghén, mệt mỏi. Lúc bụng bầu vượt mặt, mình vẫn ngồi sau xe anh, mở sách đọc to để cả 2 cùng ôn bài. Năm 2012, mình sinh con đầu lòng chưa được bao nhiêu ngày thì phải vào trường thi học kỳ, để con ở nhà đói sữa khóc tím môi”.

Năm 2014, chị Trang tốt nghiệp Trường đại học Luật TPHCM khi đứa con thứ hai vừa chào đời. 2 con còn nhỏ nên chị ở nhà làm nội trợ và phụ giúp chồng giải quyết một số giấy tờ, sổ sách đơn giản của công ty và không nghĩ đến chuyện sẽ đi học thêm. Lúc này, chị đề nghị đón cha mẹ chồng ở quê vào ở cùng để tiện chăm sóc.

Vào với con chưa được bao lâu, thấy cháu bắt đầu dứt sữa, bà Quang động viên con dâu đi học tiếp. Nhắc chuyện này, bà giải thích: “Thời của tôi, phụ nữ chỉ cần có tri thức là có việc làm ổn định cho đến khi về hưu. Còn xã hội bây giờ văn minh, đòi hỏi nhiều hơn nên phụ nữ đối mặt với nhiều áp lực hơn. Phụ nữ bây giờ phải ra ngoài làm việc để có quan hệ xã hội. Tôi thấy con dâu mình còn trẻ mà cứ quanh quẩn trong nhà chăm lo chồng con thì thiệt thòi cho nó”. 

Bà Quang động viên con trai hỗ trợ vợ, chăm sóc con cái để vợ có thời gian học hành, phát triển bản thân. Đồng ý với mẹ, anh Thành tự điều chỉnh công việc. Anh nói: “Trước đây, mỗi tuần thì hết 6 ngày tôi ra ngoài giao tiếp, mở rộng mối quan hệ. Nhưng từ khi Trang đi học tới nay, tôi đi làm muộn, về sớm, giảm tối đa số cuộc nhậu để thay vợ lo cho con ăn uống, học hành”.

Được sự hỗ trợ của mẹ chồng và chồng, chị Trang tiếp tục học cao học kinh tế, cao học luật và hiện tại đang học thêm chứng chỉ hành nghề luật sư. Song song đó, năm 2020, chị mạnh dạn khởi nghiệp với thương hiệu Trà sữa Béo, kinh doanh các loại nước uống và thức ăn nhanh với mặt bằng rộng 200m2 ở xã Phú Xuân. Chị trích một phần lợi nhuận của cửa hàng để hỗ trợ phụ nữ nghèo trong xã làm kinh tế, như cho vay vốn không lãi suất hoặc chia sẻ mặt bằng với những hộ đang buôn bán nhỏ. Chị cũng sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho phụ nữ.

Khi được hỏi điều gì khiến anh chấp nhận lùi về làm hậu phương cho vợ trong khoảng thời gian dài như vậy, anh Thành khẳng định, đó không hẳn là “lùi về” mà là bước chậm lại để vợ bước tới: “Lúc mình xem như đã có sự nghiệp, tôi muốn Trang cũng có điều kiện để được khẳng định mình. Tôi nghĩ, việc cùng nhau trải nghiệm đời sống xã hội, cùng học cách phát triển bản thân là cách tốt nhất để vợ chồng đồng hành với nhau lâu dài, bền vững”. 

Mẫn Nhi - Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI