Vượt qua biến cố cuộc đời: Đối diện với nỗi đau mất con

17/04/2025 - 14:01

PNO - Để sống tiếp bình thường như hôm nay, bà Kim Phụng đã trải qua những ngày “chết lên, chết xuống” vì nỗi đau mất con.

Bà Hoàng Kim Phụng (60 tuổi, Quảng Trị) là người mẹ đơn thân. Con trai bà là cậu bé khôi ngôi, tuấn tú, sinh năm 1992, có tên thường gọi ở nhà là cu Tình.

Để nuôi con, người mẹ bươn chải nhiều công việc khác nhau ( Ảnh minh họa từ Freepik)
Để nuôi con, người mẹ nông dân đã bươn chải nhiều công việc khác nhau ( Ảnh minh họa: Freepik)

Để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con, ngay từ thời còn trẻ, bà Phụng phải bôn ba, bươn chải đủ công việc, ngành nghề. Là nông dân, ngoài trồng lúa, trồng hoa màu, bà còn nhận thêm rẫy để trồng các cây lâu năm như tràm, mít, bạc hà. Bà tính toán, sau mỗi đợt cây lớn, cưa gỗ bán đi sẽ tích lũy được một số tiền kha khá, nhắm khi có việc cần sẽ chủ động lo liệu, không phải vay mượn người thân.

Bà Phụng "có tay" chăn nuôi. Sau giờ làm đồng, trồng trọt, bà trở về nhà siêng năng quét tước, giữ khu vườn luôn sạch sẽ. Bà tự tay chặt tre, đan liếp, chế khung sắt, định hình từng khu chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo từng khu vực hợp lý. Ngày mưa cũng như tháng nắng, người mẹ quanh năm lăn lộn, chẳng thiết nghỉ ngơi, không dừng công việc ngày nào.

Mặc dù mẹ bận rộn, không có nhiều thời gian đồng hành, dạy bảo, nhưng cu Tình lớn lên rất ngoan ngoãn, lễ phép. Em hóm hỉnh, yêu đời, hài hước, luôn thích kể chuyện cười.

Ngày tháng trôi qua, theo thời gian, sức khỏe bà Phụng ngày càng giảm sút, cu Tình ngày càng trưởng thành. Học hết cấp III, Tình chọn thi và học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, trường Cao đẳng Du lịch Huế.

Sau khóa đào tạo 3 năm, Tình ra trường và vào làm bộ phận bếp cho các nhà hàng, khách sạn khác nhau khu vực TP Huế, TP Đà Nẵng và TP Đông Hà. Vì thương mẹ, dù làm vị trí nào, ở đâu, Tình cũng sắp xếp đưa mẹ đi theo. 2 mẹ con thuê nhà ở trọ cùng nhau.

Bà Phụng kể: “Con trai tôi là đứa trẻ ngoan. Nó luôn vui vẻ dù mỗi ngày trải qua công việc làm bếp nặng nhọc, mệt mỏi như thế nào. Mặc dù chúng tôi sống nơi đất khách quê người, ở nhà thuê, nhưng căn nhà luôn ấm cúng. Hễ đi vắng thì thôi, chứ về nhà, con tôi lại hay bày trò, diễn kịch, nói chuyện này chuyện kia để tôi cười”.

Tình vẫn rất hay mua quà tặng mẹ. Khi thì thỏi son màu mẹ thích, khi thì vài bông hoa, khi khác là đôi dép, bộ áo quần giúp bà Phụng thoải mái. Vừa như một người con đầy trách nhiệm, vừa như một người bạn thấu hiểu, yêu thương, Tình muốn bù đắp, để mẹ luôn vui vẻ năm tháng tuổi già.

Thế rồi, tai họa giáng xuống gia đình bà Phụng vào một ngày tháng 9 năm 2021. Lúc này Tình đang ở một mình tại khu nhà trọ tại TP Đà Nẵng (bà Phụng có việc về quê vài ngày).

Trong lúc chuẩn bị đi làm thì Tình bất ngờ gục xuống vì một cơn hen suyễn ập đến bất ngờ (em có tiền sử bị bệnh suyễn từ nhỏ). Những người hàng xóm và chủ nhà kịp thời phát hiện, đưa em đi cấp cứu, sau đó là điều trị ở Khoa Hồi sức chống độc của Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng. Tuy nhiên, vì bệnh tình nặng, Tình rơi vào hôn mê khoảng 10 ngày rồi mất.

Suốt cả năm trời sau khi con trai qua đời, bà Phụng sống trong cùng cực, tuyệt vọng. Đã có những đêm, những ngày, bà Phụng chỉ nghĩ đến việc phải dùng cách nào nhanh nhất để được chết theo con. Bà mãi không tin cơn ác mộng ấy là sự thật. Đã có thời điểm, 2 mắt bà Phụng gần như bị mù vì khóc quá nhiều, cơ thể bà sút gần 20 kg, trở nên hom hem, tiều tụy.

Thế rồi, thời gian trôi qua, khi về quê sống giữa xóm làng, bà Phụng được các em ruột cưu mang, giúp đỡ, xóm làng cũng mỗi người một tay xúm vào an ủi, động viên. Các em đưa bà đi chữa mắt, giúp bà tìm kế sinh nhai hợp với điều kiện sức khỏe, giúp bà bận rộn để dần vơi bớt nỗi đau...

Những người phụ nữ trong làng thường xuyên ghé qua nhà thăm hỏi. Họ rủ bà đi chợ, đi chùa, tham gia những hội nhóm từ thiện với phần việc như múc cháo, phát cơm…

Từ ngày con trai mất đến nay đã gần 4 năm, hiện tình hình sức khỏe, tâm lý của bà Phụng đã ổn. Bà tăng cân, da dẻ hồng hào, đi đứng nhanh nhẹn.

Lần gặp gần nhất, tôi nghe bà kể về sinh hoạt mỗi ngày. Để có thu nhập, bà trồng nhiều loại rau trong vườn để bán. Bà nuôi thêm gà. Thỉnh thoảng, nếu sắp xếp được, bà sẽ lấy một vài mặt hàng chất lượng ở chợ huyện với giá sỉ rồi bán lại cho mối bán lẻ ở làng. Bà chậm rãi nhưng cũng linh động sắp xếp lại cuộc sống.

Là một người mẹ, chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện mất con của bà Phụng, tôi hiểu, để vượt qua mất mát, điều mỗi người nên làm đầu tiên chính là phải biết chấp nhận nỗi đau. Nỗi đau càng lớn, càng cần sự kiên trì và nghị lực. Ngoài ra, vòng tay yêu thương của người thân, gia đình, bạn bè, cộng đồng cũng rất quan trọng. Sự kết nối giúp tạo nên sức mạnh, nâng đỡ người bất hạnh có thể vực mình dậy từ dưới đáy vực sâu.

Dù trong hoàn cảnh nào, chỉ cần bản thân còn niềm tin, nỗ lực, cuộc sống này còn yêu thương và kết nối tử tế, thì hôm nay nhất định sẽ tốt hơn hôm qua.

Minh Thi

Có những biến cố cuộc đời chực chờ ghìm bạn xuống, nhưng bạn đã từng bước vượt qua, để nay nhìn lại, bạn tràn đầy niềm tự hào về bản thân...

Mời quý độc giả chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm vượt nghịch cảnh cùng chúng tôi. Bài viết và hình ảnh có bản quyền xin gửi về hộp thư email: online@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI