Vụ cụ bà 84 tuổi ở Cao Bằng kêu oan: Sẽ họp liên ngành tố tụng

23/10/2021 - 10:25

PNO - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước cho biết sẽ đề nghị họp liên ngành vụ ba mẹ con cụ bà ở Cao Bằng kêu oan, đề nghị bồi thường.

Tại cuộc họp báo quý III của Bộ Tư pháp, ông Lê Thái Phương, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, cho biết đã nhận được đơn đề nghị hỗ trợ của gia đình bà Nguyễn Thị May ở Cao Bằng về vụ án oan xảy ra hơn 30 năm trước.

“Chúng tôi có chức năng hỗ trợ người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong việc làm thủ tục yêu cầu bồi thường, và có nhận được đơn của gia đình cụ May. Hiện tài liệu kèm theo chưa đủ để đánh giá. Chúng tôi dự kiến sẽ đề nghị các cơ quan tố tụng trung ương có liên quan họp liên ngành để hỗ trợ trường hợp này. Thời gian cụ thể còn tùy tình hình dịch bệnh” – ông Phương cho biết.

Cụ Nguyễn Thị May
Cụ Nguyễn Thị May

Trước đó, như Phụ nữ Online đã thông tin, TAND tỉnh Cao Bằng mới đây có thông báo thụ lý vụ án về việc khởi kiện yêu cầu bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự. Người khởi kiện là cụ Nguyễn Thị May (84 tuổi, trú tại phường Tân Giang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) cùng hai con là bà Trần Thị Nga (57 tuổi) và ông Trần Ngọc Hùng (52 tuổi).

Trong đơn khởi kiện, ba mẹ con cụ May yêu cầu Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 1 phục hồi danh dự cho ba mẹ con bằng việc trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú theo đúng quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cùng với đó, cụ May và hai người con cũng yêu cầu Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 1 bồi thường tổn thất về tinh thần, sức khỏe, mất thu nhập, chi phí đi lại khiếu kiện, kêu oan… của ba mẹ con cũng như các thành viên khác trong gia đình, với tổng số tiền là 15 tỷ đồng.

Hơn 30 năm trước, cụ May cùng hai con ruột là Trần Thị Nga và Trần Ngọc Hùng bị khởi tố, bắt giam oan trong một vụ án giết người. Từ đó đến nay, cụ May đã “gõ cửa” khắp các cơ quan tố tụng yêu cầu xin lỗi và bồi thường cho mẹ con cụ, nhưng chưa được giải quyết.

Theo nội dung vụ án, tối ngày 7/2/1988, thượng úy Lê Danh Tân (công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng) vào nhà cụ May ngủ nhờ. Rạng sáng hôm sau, nghe tiếng động lạ, cụ May chạy ra thì thấy anh Tân đang nằm dưới hố phân heo.

Cụ hô hoán các con thức dậy, kéo anh Tân ra khỏi hố phân, đưa đến trạm xá. Dù được chữa trị nhưng anh Tân đã tử vong. Công an tỉnh Cao Bằng ra quyết định khởi tố vụ án giết người.

Quá trình điều tra, Viện kiểm sát Quân sự tỉnh Cao Bằng (nay là Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 1) lần lượt khởi tố bị can đối với ông Trần Ngọc Hùng, bà Nguyễn Thị May và bà Trần Thị Nga, cùng về tội giết người.

Tháng 3/1990, do còn nhiều tài liệu, chứng cứ cần phải làm rõ nhưng thời hạn điều tra đã hết, Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 1 ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Đến ngày 4/3/1991, cơ quan này ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cụ May và hai con của cụ, vì các chứng cứ thu thập không đủ chứng minh hành vi phạm tội. Ba mẹ con cụ May được trả tự do sau khi ông Hùng bị giam giữ gần 24 tháng, cụ May 6 tháng và bà Nga 2 tháng.

“Mẹ con chúng tôi được thả ra mà không có quyết định trả tự do, cũng không có bất kỳ văn bản nào minh oan” - cụ May cho hay.

Được về nhà nhưng vẫn mang tiếng là kẻ giết người nên cụ May làm đơn gửi các cơ quan tố tụng từ địa phương đến trung ương để yêu cầu xin lỗi và có trách nhiệm trong việc khởi tố, bắt giam oan mẹ con cụ. Tuy nhiên, đến nay đã ba thập niên “đội đơn” đi khắp nơi, nhưng cụ May vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Mãi đến tháng 5/2020 và tháng 12/2020, Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 1 mới lần lượt có hai công văn trả lời nhưng đều khẳng định không có căn cứ để giải quyết yêu cầu công khai xin lỗi cũng như bồi thường oan sai cho mẹ con cụ May.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI