Vụ ca sĩ Hồ Trung Dũng đứng nhảy trên đàn piano: Đâu chỉ là cẩu thả

04/01/2017 - 19:30

PNO - Hình ảnh ca sĩ Hồ Trung Dũng đứng nhảy nhót trên cây đàn piano trong chương trình Chào 2017 của VTV tối 1/1/2017 khiến nhiều người bất bình, cho rằng anh không tôn trọng nghề nghiệp đang nuôi sống chính anh.

Hành động của anh chẳng khác chi việc một nhiếp ảnh gia hủy hoại máy ảnh hay một họa sĩ giày xéo bảng pha màu. Bất kể được giải thích cách nào - đàn đã được bọc hay nghệ sĩ nước ngoài cũng làm thế, một thầy giáo từng đứng trên bục giảng như Dũng phải hiểu giới hạn của sự “sáng tạo” mà anh và đạo diễn chương trình đã bước qua.

Người ta nói với nhau, rằng nền nếp thế nào thì cốt cách, hành động, sản phẩm sẽ thế ấy - nhận định không chỉ dành cho Dũng hay cho đạo diễn Chào 2017, bởi đây là chương trình đã được quay hình sẵn, đã qua mọi khâu biên tập, kiểm duyệt của VTV - hệ thống kiểm duyệt mà sau rất nhiều lần để lọt sạn, nhà đài tuyên bố là sẽ tăng cường.

Khi cho phát sóng hình ảnh này, khán giả mặc nhiên hiểu rằng VTV ủng hộ việc nghệ sĩ leo lên đàn đứng hát hay ít nhất cũng xem đó là chuyện bình thường, không đáng lưu tâm. Chẳng thế mà khi được hỏi, đại diện nhà đài xác nhận sẽ không có ý kiến gì về sự việc.

Vu ca si Ho Trung Dung dung nhay tren dan piano: Dau chi la cau tha
Hồ Trung Dũng đứng biểu diễn trên cây đàn piano (Ảnh cắt từ clip)

Không biết đã bao lần, sự hời hợt của chúng ta đã gây ra hậu quả. Như trong sáng 30/12/2016, các lãnh đạo, thầy cô giáo, sĩ tử thủ đô làm lễ xuất quân tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia dưới tấm băng-rôn thể hiện đó là “lễ dâng hương cho học sinh giỏi”, như thể các em đã... chết rồi.

Trả lời báo chí, PGĐ Sở GD-ĐT Hà Nội - Chử Xuân Dũng - thừa nhận đây là sơ suất, nhầm lẫn đáng tiếc của ban tổ chức và mong được thông cảm. Dù sơ suất từ đâu - Sở GD-ĐT Hà Nội hay Ban quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì điều quan trọng đã không được nhắc đến.

Trong buổi lễ “dâng hương cho học sinh” đó, ông Dũng cũng có mặt cùng nhiều thầy cô giáo. Ông Dũng xác nhận sai sót ấy đã được nhiều người phát hiện, nhưng đã không có bất kỳ ai dừng lại để gỡ tấm băng-rôn đi. Chỉ cần gỡ tấm băng-rôn đi thôi, mọi chuyện đã khác và sẽ cho công chúng một cách nhìn khác về cách chúng ta ứng xử với sai lầm. 175 sĩ tử chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ nghĩ gì khi biết mình đã được dâng hương?

Trước đó chỉ hai ngày, hôm 28/12/2016, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng sách Việt Nam năm 2016 cho 90 tác phẩm (gồm 47 tác phẩm được trao giải Sách hay và 43 tác phẩm được trao giải Sách đẹp). Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu cuốn Cách mạng tháng 8 năm 1945 (Sự kiện, hình ảnh và ký ức) do nhóm tác giả Đỗ Hoàng Linh - Nguyễn Văn Dương - Vũ Thị Kim Yến sưu tầm và biên soạn không giành giải khuyến khích.

Trong cuốn sách này, hình ảnh nhà yêu nước Phan Chu Trinh được chú thích là “Phan Bội Châu (1867-1940) - lãnh tụ phong trào Đông Du” và ngược lại - hình ảnh cụ Phan Bội Châu lại được chú thích là Phan Chu Trinh. Đó phải chăng chỉ là một sơ sót, cẩu thả trong trình bày hay thực sự là sự khiếm khuyết kiến thức lịch sử của những người làm sách? Lạ thay, lỗi sai trầm trọng và ngớ ngẩn ấy đã lọt qua hệ thống biên tập của NXB Thông tin - Truyền thông, lọt qua cả ban giám khảo giải thưởng sách để nghiễm nhiên giành giải.

Rõ ràng trong cả ba sự việc, phía sau chúng là những ê kíp hùng hậu gồm nhiều con người được xem là đầy đủ chuyên môn, kiến thức, tầm vóc. Nhưng chúng vẫn cứ xảy ra, phơi bày ra trước mắt công chúng. Liệu có cách nào để thay vì giải thích và đẩy trách nhiệm cho người khác hoặc mong được thông cảm, chúng ta ngăn chặn được các sai sót, hình ảnh phản cảm ấy không? Chỉ cần nghiêm túc hơn và dứt khoát hơn thôi mà. Khó quá chăng?

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI