Vụ án oan Đỗ Thị Hằng ở Bắc Giang: Lời kêu oan chìm trong vô vọng

17/11/2013 - 16:58

PNO - Sau khi chấp hành xong bản án hơn 5 năm tù, bà Đỗ Thị Hằng tình cờ gặp được “nạn nhân” mà bản án buộc tội cho bà bán người này. Điều bất ngờ là cả “thủ phạm” và “nạn nhân” lại không hề biết nhau. Đau đớn trước...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vu an oan Do Thi Hang o Bac Giang: Loi keu oan chim trong vo vong

Chị Dương Thị Liễu trình bày với phóng viên Lao Động

 Năm 2012, Báo Lao Động đã đăng loạt phóng sự “Bi kịch từ một vụ buôn người” phản ánh việc bà Đỗ Thị Hằng (sinh năm 1953, trú tại số 21, tổ 12 phường Mỹ Độ, TP.Bắc Giang) nguyên giáo viên dạy toán là nạn nhân của một vụ buôn người, vừa trốn thoát được, bỗng bị các cơ quan tố tụng Bắc Giang khép tội oan về chính tội này.

Công lý bị chà đạp

Có lẽ để tiện theo dõi, chúng tôi cũng xin lược lại bản án số số 72/HSST ngày 24/3/1998 của TAND tỉnh Bắc Giang do Thẩm phán Nguyễn Tư Khoa làm chủ tọa đã kết tội bà Đỗ Thị Hằng. Án viết: “Chị Dương Thị Liễu ở thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang kết hôn cùng anh Tuấn từ năm 1983 và đã có 2 con.

Trong cuộc sống vợ chồng anh Tuấn phát sinh mâu thuẫn nên thường đánh, chửi nhau. Ngày 13/4/1994, sau một lần đánh, chửi nhau, chị Liễu đã bỏ nhà đi đến khu vực kè Gia Tư thì gặp Hoàng Hồng ở thôn Bảo An, xã Hoàng An. Liễu đã làm quen với Hồng và tỏ ý nhờ Hồng giúp đỡ việc làm ăn, Hồng bảo Liễu còn để hỏi xem và sau đó Hồng mời Liễu về nhà chơi.

Do quen biết Phạm Văn Ngọ ở Chi Ly, Bắc Giang từ trước và Ngọ có lần bảo Hồng tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc (TQ) bán, nên Hồng quyết định lên nhà Ngọ gặp Ngọ và báo cho Ngọ biết để đưa chị Liễu đi TQ. Sáng 14/9/1994, Hồng lên nhà Ngọ bảo: “Ở chỗ cháu có một cô bị chồng đánh muốn đi TQ, giá bán là 800.000đ ông xem có làm được không”.

Ngọ đồng ý và bảo Hồng đưa Liễu xuống nhà Ngọ. Sau khi Hồng về, Ngọ sang nhà Đỗ Thị Hằng ở Mỹ Độ nói với Hằng: “Có một cô gái muốn đi TQ lấy chồng, cô xem có giải quyết được không”. Hằng bảo được và hẹn Ngọ hôm nào có “hàng” thì bảo Hằng. Đối với Hồng: Sau khi ở nhà Ngọ về, tối 14/9/1994, Hồng thuê xe ôm chở Liễu và Hồng từ nhà Hồng xuống nhà Ngọ. Sau đó Ngọ sang nhà Hằng bảo Hằng: “Hàng đã đến, giá phải trả là 800.000đ, cô xem thế nào, chuẩn bị tiền sáng mai đi sớm”.

Hằng nhất trí hẹn Ngọ 5 giờ sáng hôm sau đợi ở cửa Bách hóa tổng hợp thị xã Bắc Giang. Đúng hẹn, Ngọ đưa Liễu ra gặp Hằng và Hằng đưa Ngọ, Liễu lên Lạng Sơn, qua cửa khẩu Tân Thanh, sau đó đi sâu vào TQ khoảng 100km vào nhà một phụ nữ Việt Nam tên là Hằng lấy chồng TQ để tìm cách bán Liễu.

Khoảng 8 ngày sau, Hằng ở TQ đã giúp Ngọ và Hằng bán chị Liễu cho một người đàn ông TQ được 1.000 tệ. Sau khi bán Liễu xong, Hằng và Ngọ về Tân Thanh đổi tiền và chia nhau. Sau khi vụ án bị phát hiện, Hằng bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã”. Dù xác định rất nhiều người liên quan nhưng bản án lại chỉ buộc tội duy nhất bà Đỗ Thị Hằng về tội “mua bán phụ nữ”.

Nhớ về những năm tháng đớn đau này, bà Đỗ Thị Hằng kể: “Khi công an bắt tôi, dù tôi đã là đàn bà và khai rằng không hề có liên quan gì đến việc này nhưng họ đánh đập, dọa rằng nếu không khai theo ý họ thì họ sẽ bắt nốt cả chồng, con tôi nên tôi sợ quá đành phải khai theo ý họ.

Khi ra tòa, tôi đưa ra các chứng cứ ngoại phạm như trong thời gian xảy ra vụ án tôi đang ở TQ vì là nạn nhân của một vụ buôn người vừa trốn thoát về nước thì bị công an bắt. Tôi cũng đề nghị các bị hại gồm anh Nguyễn Tuấn - chồng chị Liễu, chị Khổng Thị Mỹ, anh Phan Văn Phương và các nhân chứng khác được tòa nêu ra có mặt để đối chứng lại những lời khai cho chính xác, nhưng người ta không cho và ông Nguyễn Tư Khoa, chủ tọa vẫn cứ đọc bản án buộc tội tôi tới 5 năm 6 tháng tù”.

Vu an oan Do Thi Hang o Bac Giang: Loi keu oan chim trong vo vong

Giấy xác nhận của chị Dương Thị Liễu về việc bà Đỗ Thị Hằng không phải là thủ phạm bán chị sang TQ.

Tan nát một gia đình

Điều đau đớn là ngay sau khi bà Đỗ Thị Hằng bị bắt, chồng bà Hằng là ông Ngô Văn Mỹ đã gửi đơn đi khắp nơi kêu oan cho vợ mà không được xem xét, quá uất ức vì nỗi hàm oan mà vợ phải gánh chịu, đúng trước ngày vợ ra tòa, để lại một lá thư tuyệt mệnh kêu oan cho vợ, anh Ngô Văn Mỹ đã nhảy xuống ao ngay trước nhà tự vẫn lấy cái chết của mình hòng minh oan cho vợ nhưng cơ quan tố tụng Bắc Giang vẫn vô cảm với điều này.

Điều đau đớn hơn nữa là ngay sau khi bố chết, mẹ bị tống vào tù, 5 đứa con bà Hằng mất nơi nương tựa, bắt đầu thất học, lang thang đầu đường, xó chợ, cầu bất cầu bơ, ăn xin, trộm cắp, cướp giật để sinh tồn. Cho đến giờ, đã hơn 60 tuổi nhưng khi nhắc về con, bà Hằng vẫn ầng ậng nước mắt vì đau đớn: “Mẹ đi tù được mấy ngày thì đứa con gái lớn là Ngô Thiên Hương bị người ta lừa bán sang TQ, từ đó đến nay không thấy trở về.
Đứa con gái thứ ba Ngô Thị Huệ theo bạn bè lêu lổng, nghiện ngập cũng vừa mới đi tù về, nay chưa hết nghiện và chẳng có việc gì làm, rồi lại lêu lổng. Đứa con trai thứ tư và thứ năm Ngô Thế Anh, Ngô Hùng Cường cũng đang ở trại giam vì tội đánh nhau”.

Gần 10 năm trời sau khi mãn hạn tù, Đỗ Thị Hằng đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm lại những nhân chứng cũ hòng minh oan cho mình. Thế rồi một lần đi lễ chùa bà Hằng được mọi người mách: “Con Liễu mà ngày xưa bị bán sang TQ đã về rồi, bà bị oan thì nên đi tìm nó hỏi cho ra nhẽ”.

Hy vọng nhen lên, bà Hằng quyết tâm đi tìm, khi gặp được nhau chị Liễu bỗng ngỡ ngàng vì không biết người đứng trước mặt mình là ai. Sau khi bà Hằng thuật lại vụ án, chị Liễu không thể tin ở tai mình và cho rằng bà Hằng bịa chuyện. Kể lại với phóng viên Lao Động, chị Liễu khẳng định: “Đúng là tôi bị người ta lừa bán sang TQ thật nhưng khi bà Hằng tìm đến tôi, tôi liền hỏi: Chị là ai, tìm tôi có việc gì? Bà ấy kể là bà ấy bị kết tội vì bán tôi sang TQ. Tôi bảo, tôi đâu có biết chị, chị bịa ra chuyện ấy làm gì? Bà ấy bảo: Nếu cô không tin thì đọc bản án đây. Sau khi tôi đọc bản án, tôi rụng rời chân tay, không thể tin được tại sao người ta có thể nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy”.

“Tôi đâu có gặp chị ấy mà bản án lại viết là tôi gặp chị ấy và kết tội cho chị ấy như thế? Từ Bắc Giang đưa tôi sang TQ chỉ có duy nhất ông Ngọ, chứ đâu có chị Hằng. Ông Ngọ đưa tôi đến nhà một chị cũng tên là Hằng ở Bằng Tường, chị này bằng tuổi tôi và rất xinh chứ đâu có già như chị Đỗ Thị Hằng này. Đến giờ chị Hằng này vẫn đang sống sờ sờ ở Bằng Tường chứ có đi đâu đâu. Án kết như thế thì là kết tội oan cho chị Đỗ Thị Hằng rồi” - chị Liễu khẳng định.

“Khi biết chị Hằng bị oan, tôi viết đơn gửi đến các cơ quan đề nghị minh oan cho chị Hằng nhưng đến giờ chẳng ai đến hỏi tôi và người ta có giải quyết cho bà Hằng không tôi cũng không biết nữa” - chị Liễu cho biết.

Như vậy có thể thấy, việc cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang tuyên án thiếu căn cứ pháp luật, gây oan cho người vô tội đã làm tan nát gia đình bà Đỗ Thị Hằng. Sau khi Báo Lao Động đăng loạt bài này, Báo Lao Động cũng đã có công văn gửi VKSNDTC đề nghị xem xét làm rõ. Thế nhưng suốt từ đó đến nay đã hơn 14 tháng, vụ việc vẫn rơi vào im lặng.

Người vô tội vẫn ngày đêm khắc khoải chờ được minh oan, người gây oan trái cho bà Đỗ Thị Hằng cũng không một giây phải trả giá cho việc làm sai của mình. Có lẽ do bà Đỗ Thị Hằng chỉ là một công dân ‘thấp cổ bé họng” nên tiếng kêu oan không ai nghe thấu.

Theo Ngô Chí Tùng (Báo Lao Động)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI