Vợ mắc căn bệnh ác nghiệt, sự tận tụy của người chồng già đã làm nên phép màu

01/11/2018 - 15:22

PNO - Bà Gladys Saroli mắc chứng bệnh ác nghiệt có tên là sa sút trí tuệ trán - thái dương. Nhưng bất chấp muôn vàn khó khăn, ông Jose chồng bà luôn kề bên chăm sóc vợ, với tình yêu cao cả và lòng kiên trì đáng nể phục.

Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau
Vợ chồng ông bà Jose Saroli và Gladys Saroli

Bàn tay bà bà Gladys Saroli ấm áp và mềm mại. Siết nhẹ tay tôi, bà khẽ chào: “Hola”, rồi nhanh chóng quay lại với chiếc tivi, thứ đang phát ra những thanh âm vây kín căn phòng. 

Đội chiếc mũ lưỡi trai với dòng chữ về Peru - quê hương của hai người, ông Jose mỉm cười và bắt tay tôi, nhưng không rời mắt khỏi vợ. “Mừng quá, trông bà ấy khỏe và vẫn ổn”, ông thở phào nhẹ nhõm.

Sáu tháng trước, khi tôi lần đầu gặp ông bà Gladys và Jose, tình hình không tệ như bây giờ. Bà Gladys mắc chứng sa sút trí tuệ trán - thái dương. Đó là một căn bệnh tàn nhẫn, ảnh hưởng đến thùy phải và trái ở vùng phía trước não. Khả năng di chuyển của bà bị hạn chế. Bà gần như không nói năng được gì.

Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau
Căn phòng ngập tràn những bức ảnh của cụ Gladys

Khác với chứng Alzheimer, những người trẻ tuổi cũng có thể mắc căn bệnh giống bà Gladys. Thay vì gây mất trí nhớ ngay, bệnh bắt đầu với biểu hiện suy giảm ngôn từ và khiến tính cách thay đổi bất thường.

Thùy trán là nơi xử lý những gì chúng ta mắt thấy, tai nghe, bởi vậy, sự suy nhược của khu vực này dẫn đến hay đổi về tâm trạng, hành vi, làm giảm chức năng vận động và nhận thức.

"Đó là một căn bệnh xuất hiện với những biến đổi sớm về hành vi hoặc ngôn ngữ, cũng như những thay đổi nhận thức khác bao gồm mất trí nhớ. Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu được ý nghĩa ngôn từ, không thể nói trôi chảy, mất dần sự cảm thông, suy nhược hành vi, đôi khi có biểu hiện quá khích", Giáo sư Michael Woodward, một chuyên gia trong lĩnh vực giải thích. Hiện nay, bệnh chưa có cách điều trị.

Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau
Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau
Căn bệnh khiến bà cụ đi lại rất khó khăn

Trong một chuyến đi đến Peru vào năm 2013, ông Jose nhận ra bà Gladys có gì đó không ổn. “Chồng của em họ tôi là bác sĩ. Ông ấy nói với tôi Gladys có điều gì đó bất thường. Khi mọi người đang nói chuyện, vợ tôi lại bắt đầu tranh luận về điều gì đó khác hẳn đi. Chuyện không chỉ xảy ra có một lần”, ông kể.

Khi Jose đề cập về việc này với Gladys, ông đã vấp phải thái độ chống đối và gay gắt của vợ, điều không hề giống với tính cách của bà trước nay. Bà là một người phụ nữ mạnh mẽ, thông minh, cởi mở, toàn tâm toàn ý vì chồng và gia đình.

Ông Jose và bà Gladys chưa rời nhau nửa bước kể từ khi hai người rời Peru vì bất ổn chính trị, và định cư tại Úc. Niềm tin dành cho nhau là nền tảng trong mối quan hệ của họ; chứng kiến cảnh Gladys mất dần niềm tin vào chồng, ông Jose rất đau lòng. “Vợ tôi buộc tội tôi không chung thủy. Bà ấy nói: ‘Tôi thấy ông đang để mắt đến một người phụ nữ khác’. Điều này khiến tôi cảm thấy rất tệ, bởi vì bà ấy không tin tưởng tôi”, ông buồn bã nói.

Phép màu từ sự tận tụy

Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau
Bà Gladys trong căn phòng ở nhà dưỡng lão

Khi tiến hành xong các xét nghiệm và chẩn đoán, sức khỏe của Gladys chuyển biến xấu hơn. Gia đình quyết định chuyển bà đến một nhà dưỡng lão để bà được chăm sóc về thể chất và tinh thần tốt hơn. Jose vẫn là người chăm sóc vợ. Từ ngày bà Gladys bị bệnh, ông luôn ở bên bà mỗi ngày và chỉ khi vợ ngủ thiếp đi, ông mới trở về nhà.

“Chúng tôi thường xuyên thấy những người vợ, chồng, người thân của các bệnh nhân đến thăm, nhưng trường hợp này thật khác biệt. Sự tận tâm của ông Jose, và sự hiện diện của con cái hai cụ là ấn tượng mà chúng tôi không thể nào quên. Từ việc ghi chú các tấm ảnh để giúp bà Gladys nhớ lại những kỷ niệm, lòng nhiệt thành của gia đình khi tham gia các hoạt động và sự kiện, cũng như những cuộc trò chuyện với Gladys ngay cả khi bà không thể đáp lại. Tất cả họ đều nhìn thấy con người thực sự của bà, chứ không phải một người đang bị bệnh tật chế ngự”, Darinka Rozanic, quản lý tại Moran Aged Care, nơi bà Gladys đang điều trị cho hay.

Chăm sóc hàng ngày đồng nghĩa với việc gia đình - nhất là là ông Jose - cần quan sát, phát hiện bất kỳ thay đổi nào về hành vi hoặc sức khỏe của bà Gladys và có thể hành động ngay lập tức. Vào tháng 4 vừa qua, vai của bà bị co lại, đôi mắt trở nên trống rỗng, bà chìm vào giấc ngủ suốt nhiều ngày. Nhưng sáu tháng sau, bà đã có thể đứng thẳng với nhiều chuyển biến tích cực. Những cải thiện này là minh chứng cho sự tận tụy không ngừng của ông Jose với một nửa của đời mình.

Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau
Ông Jose ôm lấy vợ để an ủi, làm bà yên lòng
Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau
Ông Jose bón cho bà Gladys ăn
Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau

Roxana, con gái của hai cụ Jose và Gladys kể lại: "Nếu mẹ tôi đang thể hiện một kiểu hành vi nào đó, chúng tôi cần kiên nhẫn thử làm theo cách này cách kia để tìm ra nguyên nhân, sau đó loại bỏ nỗi khó chịu đó cho bà. Khoảng sáu, bảy tháng trước, tình trạng của mẹ tôi tệ lắm. Không đi được, không cử động, khuôn mặt không hề có biểu cảm. Bố tôi nhận thấy điều đó, ông bảo: ‘Không đời nào. Mọi chuyện không thể diễn ra thế này được’. Ông yêu cầu gặp một chuyên gia, và sau đó liều lượng thuốc của mẹ tôi được cắt giảm dần dần. Ông giữ một cuốn nhật ký để theo dõi sự tiến triển của mẹ”.

“Giờ mẹ tôi đã ổn định hơn, vui vẻ hơn. Miễn mẹ khỏe là chúng tôi mừng rồi. Qua biến cố này, mẹ đã dạy cho chúng tôi nhiều bài học quý giá”, Roxana nói thêm.

Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau
Cụ ông đưa cụ bà đi đến nhà vệ sinh

"Bà ấy vẫn luôn ở đây”

Jose nói: “Khoảnh khắc yêu thích của tôi là các dịp sinh nhật. Những ngày như vậy, vợ tôi về nhà chúng tôi ở Epping. Bà ấy liên tục nhìn ngắm, quan sát. Bà ấy tỏ ra vui lắm. Vợ tôi Gladys đang cố gắng nhớ lại. Đối với tôi, bà ấy đang tìm kiếm những ký ức”.

Ước tính cho thấy, tại Úc, chứng sa sút trí tuệ đang gây ảnh hưởng tới 436.366 người. Các nghiên cứu chưa tìm thấy một phương pháp chữa trị nào dành cho căn bệnh này.

"Để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho một người bị mắc bệnh sa sút trí tuệ có rất nhiều yếu tố khác nhau. Nếu người bệnh được trông nom, hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu, tình trạng của họ chắc chắn sẽ tốt hơn”, Belinda Nixon, quản lý hoạt động dịch vụ tại Hiệp hội Chứng sa sút trí tuệ Úc cho biết.

Ông Jose vẫn được coi là may mắn. Ông có một gia đình luôn ủng hộ, một cơ sở y tế luôn hỗ trợ, và tiếp cận được với các mạng lưới chăm sóc.

Trong căn phòng của Gladys, bao quanh là những hình ảnh về cuộc sống êm đẹp trước khi căn bệnh sa sút trí tuệ xuất hiện: một bức ảnh chụp cả gia đình ở bãi biển, cảnh thổi nến trong ngày sinh nhật, hình chụp mấy đứa cháu cười rạng rỡ.

Tôi hỏi ông Jose, tại sao ông lại làm tất cả những điều này cho bà Gladys. Jose chạm vào trái tim mình, nói: “Bởi vì vợ tôi ở nơi này, lúc nào cũng vậy. Bà ấy ở đây”.

Vo mac can benh ac nghiet, su tan tuy cua nguoi chong gia da lam nen phep mau
 

Lan Phương (dịch từ The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI