Vợ chồng “căng kéo”, ai đau?

01/08/2021 - 10:41

PNO - Mỗi lần nhìn đoạn dây cao su, tôi lại tự nhắc mình bài học giản dị nhưng rất thấm thía về hạnh phúc.

Mẹ chồng tôi bị bệnh và qua đời khi chồng tôi chưa học hết phổ thông. Bố chồng tôi là một nhà giáo. Ông ở vậy chật vật nuôi hai đứa con trai, lo ăn học, công việc làm rồi đến chuyện hôn nhân đại sự cho con. Trong nhóm bạn bè, có người đồng cảnh ngộ, thương ông “gà trống nuôi con” muốn dọn về ở cùng nhà, nhưng ông từ chối.

Ngày đầu tôi về làm dâu, ông đưa cho tôi quyển sổ hưu và bảo: “Lâu nay, bố vẫn tự làm mọi việc, giờ có con rồi, bố giao lại cho con”. Lặng đi một lúc rồi ông tiếp: “Kể ra mẹ còn hoặc Tuấn nó có chị em gái thì con đỡ vất vả…”.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ biết học, ra trường đi làm rồi lấy chồng, mọi thứ trong nhà có bố mẹ lo liệu nên khi phải giữ “tay hòm chìa khóa” tôi khá lúng túng. Tôi bắt đầu phải học cách nấu một bữa cơm, lo một mâm cỗ chu tất, sắp xếp công việc trong nhà, cách đối nội đối ngoại… nên cũng không tránh khỏi những lần sơ suất, va vấp. Bà cô khó tính, thi thoảng qua chơi, thấy tôi vụng về cất lời chê bai, bố chồng tôi chẳng những không đồng tình mà còn nhắc: “Thay vì để ý bắt lỗi, cô để tâm chỉ bảo cho cháu nó có phải hơn không?”.

Khi mang bầu bé Bông, tôi định bảo lưu chương trình học thạc sĩ nhưng ông động viên: “Nếu gắng được thì cứ học tiếp con ạ. Chứ bảo lưu rồi không biết bao giờ mới hoàn thành khóa học được đâu con!”.

Những ngày đó, cả tuần tôi đi làm, ngày nghỉ lại vác bụng bầu đi học, vào những tháng cuối càng mệt. Chồng tôi là kỹ sư công trình nên vắng nhà biền biệt. Bù lại, tôi có bố chồng đỡ đần. Ông vào bếp nấu cơm khi tôi về muộn, dọn dẹp nhà cửa. Chân đau nhưng ông vẫn nhúc nhắc lên sân thượng phơi, cất quần áo những khi tôi vội chưa kịp làm. Trước khi sinh, tôi có dấu hiệu cạn ối. Dù đã được bác sĩ tư vấn tận tình nhưng tôi không khỏi lo lắng. Đi khám về, hai vợ chồng giấu ông, nhưng không hiểu sao ông biết. Ông mua buồng dừa non rồi giục chồng tôi: 
- Dừa lửa chính hiệu đấy, con bổ cho vợ uống lấy sức mà “vượt cạn”. 

Tôi trở dạ vào lúc nửa đêm, chồng tôi đưa tôi vào viện. Sau vài giờ đau vật vã, con gái tôi chào đời. Chồng tôi vui sướng đón con. Tôi nhắc anh gọi điện báo cho ông nội thì chồng tôi cười bảo: “Bố đang ở đây rồi, bố bảo ở nhà sốt ruột không ngủ được”. 

Biết tính ông hay lo nên khi có chuyện không vui, tôi thường không để ông biết. Ngay cả khi quan hệ vợ chồng căng thẳng, trước mặt ông, tôi vẫn vờ vui vẻ như thường. Có lần, chồng tôi vì đang bất hòa với vợ nên lấy cớ bận giám sát công trình hai tháng không về. Rồi một buổi chiều đi làm về, tôi bất ngờ thấy chồng tôi có mặt ở nhà. Tôi chưa kịp hỏi lý do thì chồng tôi cất lời có ý trách móc: “Bố đau, sao không đưa bố đi khám?”.

Tôi bối rối vì đã không biết chuyện đó. Buổi tối, cơm nước xong, bố gọi vợ chồng tôi vào phòng nói chuyện. Tôi lo lắng và hoang mang thực sự. Khi chúng tôi đã ngồi vào bàn, ông lấy trong túi ra một vòng dây cao su nho nhỏ rồi nhẹ giọng: “Mỗi đứa cầm một đầu kéo căng ra rồi thả tay, xong lại đổi lượt và cuối cùng thì kéo căng hết cỡ”. Vợ chồng tôi nhìn nhau không hiểu ông có ý gì nhưng vẫn ngoan ngoãn làm theo. 

Khi sợi dây cao su đứt thành hai nửa và tay tôi vẫn còn đau thì bố chậm rãi nói: “Hôn nhân cũng vậy đấy các con ạ. Nó giống như sợi dây cao su kia, nếu kéo căng quá sẽ đứt. Nếu một trong hai người buông tay thì người kia sẽ đau và cả hai người đều buông thì “vật ở giữa” sẽ đau. Mà các con biết trong mối quan hệ gia đình “vật ở giữa” không ai khác chính là những đứa con. Bố không đau ốm gì cả, chỉ là bố đau lòng khi thấy các con đang cùng nhau đẩy cuộc hôn nhân của mình vào ngõ cụt…”.

Ông nói đến đó, giọng nghẹn lại rồi nhắc hai vợ chồng về phòng để ông nghỉ ngơi. Vợ chồng tôi ái ngại nhìn ông rồi lặng lẽ rời khỏi phòng. Hai ngày sau, tôi xé tờ đơn ly hôn viết sẵn giấu trong ngăn bàn. Chồng tôi cũng tự kiểm điểm rồi chủ động làm hòa với tôi. Bố chồng tôi vui lắm. Điều bất ngờ hơn cả là ông đã giữ lại đoạn dây cao su bị đứt và đưa cho tôi: “Cất đi con, đó vừa là kỷ niệm vừa là bài học để đời đấy”.

Bố chồng tôi đã khuất núi nhiều năm, nhưng trong chiếc hộp kỷ niệm của tôi vẫn giữ đoạn dây cao su ấy. Mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến ông, người bố chồng đã thương yêu tôi như con ruột, đã thu cái tôi của mình lại để cho con cái được sống cuộc sống của chính mình nhưng lại xuất hiện đúng lúc mỗi khi con cái cần. Và mỗi lần nhìn nó, tôi lại tự nhắc mình bài học giản dị nhưng rất thấm thía về hạnh phúc. 

Thu Hoàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI