Vĩnh biệt “con sói thơ” Trúc Thông

27/12/2021 - 06:37

PNO - Nhà thơ Trúc Thông đã có những đóng góp rất lớn cho công cuộc cách tân thi ca của thơ đương đại Việt Nam.

Là thế hệ đàn em, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chưa bao giờ quên được không khí đàm đạo văn chương thuở trước gắn liền với hình ảnh của nhà thơ Trúc Thông - một trong những tên tuổi của thi ca thời kháng chiến chống Mỹ, người vừa qua đời sáng 26/12 tại Hà Nội sau nhiều năm bị tai biến. 

 

Theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, trong số những nhà thơ thuộc thế hệ kháng chiến chống Mỹ, có hai nhà thơ gần gũi với các lớp nhà thơ trẻ sau năm 1975, đó là nhà thơ Bế Kiến Quốc và nhà thơ Trúc Thông. Hơn 30 năm trước, ngôi nhà của ông ở số 16 Hồng Phúc (Q.Ba Đình) trở thành “căn cứ địa” thường xuyên qua lại của các nhà thơ thế hệ sau năm 1975.

Nhà thơ Trúc Thông đã có những đóng góp rất lớn cho công cuộc cách tân thi ca của thơ đương đại Việt Nam. Chính những hoạt động giao lưu văn chương đó đã tạo nên một mối quan hệ rất gần gũi giữa ông với các nhà thơ trẻ. Gần như những mong muốn đổi mới của thơ ca Việt Nam sau chiến tranh đã được nhà thơ Trúc Thông và các nhà thơ trẻ lúc đó rất quan tâm và hiện thực hóa, trở thành một xu hướng thời bấy giờ.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhớ lại, cách đây hơn 40 năm, trong một lần đàm đạo với các nhà thơ trẻ như anh, Hoàng Nhuận Cầm, Dương Kiều Minh, Trần Hùng, Trần Anh Thái, Hữu Việt, Nguyễn Lương Ngọc… nhà thơ Trúc Thông có nói: “Với mình, thi ca như một thứ tôn giáo đặc biệt và con mắt thơ của mình giống như một con mắt sói. Tìm thấy một tứ thơ mới, một câu thơ mới, thì phải vồ lấy, ngấu nghiến ngay. Các cậu có thấy mình giống một con sói không?”. Lúc đó, Nguyễn Việt Chiến thấy đàn anh đúng là một “con sói thơ” đích thực, với vẻ táo bạo, đầy dũng mãnh khi ông luôn phát hiện những tố chất thơ mới của những “con sói trẻ” trong “cánh rừng” văn chương đương đại bấy giờ.

Một số cuốn sách đã được  xuất bản của nhà thơ Trúc Thông
Một số cuốn sách đã được xuất bản của nhà thơ Trúc Thông

“Mỗi nhà thơ của thế hệ chúng tôi, ai cũng đều có tạng thơ riêng, chẳng ông nào chịu ông nào, ngay cả khi ngồi bên cạnh đàn anh Trúc Thông - người được coi là ngọn cờ phụng sự thi ca như một tôn giáo, thì cuộc khẩu chiến về thi ca giữa chúng tôi vẫn bừng bừng khí thế. Và cũng rất lâu rồi, tôi không còn cảm nhận được không khí, cuộc đàm đạo văn chương đặc biệt như thế nữa”, Nguyễn Việt Chiến nói.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà thơ Trúc Thông về công tác tại Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Trưởng thành từ cuộc chiến tranh giữ nước, Trúc Thông để lại nhiều bài thơ ấn tượng, được trao nhiều giải thưởng văn học, đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2016.

Bài thơ Cao Bằng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2) là một trong những bài thơ nổi tiếng của ông. Trúc Thông toàn viết thơ tự do, rất ít khi làm thơ lục bát, nhưng một trong hai bài thơ lục bát của ông là Bờ sông vẫn gió được nhiều người nhớ tới, được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất viết về mẹ trong thi ca Việt Nam hiện đại.

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI