Vietnam’s Next Top Model: Phá vỡ chuẩn mực người mẫu?

22/07/2016 - 15:39

PNO - Chuẩn “người mẫu” với chiều cao trên 1m70, số đo ba vòng chuẩn “size 0” giờ đây đã bị phá vỡ, khi chương trình tuyển chọn người mẫu Vietnam’s Next Top Model (lên sóng tối Chủ nhật 17/7) đưa các thí sinh dưới 1m60 vào nhà chung.

Sau tin đồn sẽ “đóng cửa” chương trình sau 20 mùa lên sóng, cuộc thi người mẫu đình đám American’s Next Top Model 2016 bắt đầu mùa mới với thông điệp phá vỡ mọi chuẩn mực, dành cơ hội cho cả những thí sinh (TS) cao chỉ 1m50. Phiên bản cuộc thi tại Việt Nam cũng nhanh chóng cập nhật với quy định của mùa thứ bảy không giới hạn chiều cao đối với TS nam lẫn nữ. Trong buổi họp báo ra mắt, TS cao 1m54 La Thanh Thanh (được biết đến dưới tên gọi hotgirl Fung La - ảnh), Lã Thu Hằng (1m62) được chọn lựa vào nhà chung gây nhiều tranh cãi.

Vietnam’s Next Top Model: Pha vo chuan muc nguoi mau?

Từ những năm 2000-2010, chiều cao trung bình của các người mẫu trên sân khấu thời trang Việt đã phổ biến từ 1m68 đến 1m72, với những gương mặt Thanh Hoài, Trang Nhung, Ngọc Thúy, Ngọc Nga, Phùng Ngọc Yến… Nhưng chiều cao của người mẫu không chỉ dừng lại ở đó. Qua các mùa Vietnam’s Next Top Model (2010-2016) chiều cao của các TS ngày một tăng lên.

Ở cuộc thi này, với tiêu chí lựa chọn người mẫu theo chuẩn hình thể người mẫu quốc tế (thường cao 1m77, 1m78) để đưa đi làm việc với các công ty nước ngoài, nên những gương mặt quán quân, á quân thường phải có chiều cao nổi bật. Trang Khiếu - quán quân mùa đầu tiên, cao 1m83, Kim Phương, Mai Giang 1m77, Cao Ngân 1m78, Mâu Thủy, Hoàng Thùy 1m79, Nguyễn Oanh 1m81, Hồng Xuân cao đến 1m90. Quang Hùng, Quang Đại, Anh Quân, Công Toàn đều có chiều cao từ 1m86 đến 1m90.

Thế nhưng với tiêu chí mới của năm 2016, mọi thứ hoàn toàn thay đổi, những người chỉ cao 1m50 cũng có cơ hội vào nhà chung. Điều này tạo nên làn sóng tranh cãi, chỉ trí ch gay gắt đối với chương trình của siêu mẫu Tyra Banks. Tuy nhiên, trong khi American’s Next Top Model nặng về tính reality show (sô truyền hình thực tế) không quá quan trọng tương lai của TS sau cuộc thi, còn Vietnam’s Next Top Model là cuộc thi tìm ra một số người mẫu ký hợp đồng độc quyền làm việc, thì số phận của các TS “lệch chuẩn” sẽ thế nào? Họ cũng chỉ phục vụ cho tính giải trí của chương trình, và “tự bơi” sau khi cuộc thi kết thúc như phiên bản Mỹ?

Bà Lê Thị Quỳnh Trang, giám đốc sản xuất Vietnam’s Next Top Model, cho rằng: “Hình thể và chiều cao luôn là tiêu chuẩn quan trọng với người mẫu, nhưng thái độ sống, tài năng và tinh thần làm việc chuyên nghiệp mới quyết định ai là người chiến thắng. Sau cuộc thi, TS giỏi sẽ được ban tổ chức huấn luyện trở thành những gương mặt quảng cáo, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay”. Như vậy, khái niệm “người mẫu” của mùa thứ bả y đã mở rộng ra thành cả người mẫu catwalk và người mẫu quảng cáo, đại diện thương hiệu.

Chuyện những người mẫu “lạ” xuất hiện tại các buổi diễn thời trang thế giới không hiếm. Người mẫu bạch tạng, người mẫu có râu, người mẫu phi giới tính… vẫn lọt qua cửa casting của các nhà thiết kế (NTK) và đạo diễn. Nhưng bản thân họ rõ ràng có chiều cao, số đo đẹp, kỹ năng catwalk đáp ứng tiêu chí. Chuyện các NTK có các “nàng thơ” hay các khách mời là diễn viên, ngôi sao ca nhạc, ngôi sao truyền hình thực tế, trẻ em… vẫn luôn tồn tại với mục đích truyền thông, nhưng vị trí của họ là dưới hàng ghế khách mời front row chứ không phải trên đường catwalk.

Trong các sô diễn chính thức của nhữ ng hãng lớn tại các tuần lễ thời trang, tất cả người mẫu đều “đúng chuẩn”. Quy tắc này thậm chí khắc nghiệt đến mức nhiều người mẫu bị trầm cảm, suy nhược, nghiện thuốc lá vì giảm cân, giữ dáng. Nhưng nhờ vậy, tính chuyên nghiệp của các sàn diễn thời trang được giữ vững.

Ở Việt Nam, chuyện “người mẫu thiếu chuẩn” trình diễn không mới. Trong sô diễn SuperStar vừa qua, NTK Adrian Anh Tuấn dành hẳn một phần trong chương trình cho các người mẫu không chuyên được tự ý tạo dáng. Trên thực tế, các đạo diễn thời trang không có quá nhiều lựa chọn khi casting người mẫu. Tại các tuần lễ thời trang, khi số lượng người mẫu cần dùng lớn hơn con số 70, dễ dàng nhận thấy sự thiếu đồng đều, thiếu năng lực của người mẫu. Nguyên nhân là lượng người mẫu hình thể đẹp, có kỹ năng trình diễn tốt không nhiều, họ lại không chú trọng đến việc tập luyện, giữ dáng vì không có công việc liên tục.

Chưa kể, sự chia phe cánh, cạch mặt nhau của một số người mẫu và nhà tổ chức, người mẫu và người mẫu… làm cho nhiều người mẫu tốt không có cơ hội trình diễn tại một số sàn thời trang nhất định.

Song May

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI