Việt Nam thay thế Trung Quốc giữ vị trí nước xuất khẩu quần áo hàng đầu vào Mỹ

08/08/2020 - 10:39

PNO - Bảy tháng trước, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp sản phẩm lớn nhất cho các công ty thời trang ở Mỹ, nhưng nay vị trí này đã thuộc về Việt Nam, trong bối cảnh bùng phát của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng thêm gay gắt.

Tính theo giá trị, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm từ gần 30% trong năm 2019 xuống còn 20% ​​trong nửa đầu năm 2020, hiện chỉ tương đương với Việt Nam - Ảnh: Reuters
Nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm từ gần 30% trong năm 2019 xuống còn 20% ​​trong nửa đầu năm 2020 - Ảnh: Reuters

Theo Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc tính theo giá trị đã giảm từ gần 30% trong năm 2019 xuống còn 20% ​​trong nửa đầu năm 2020, và hiện chỉ tương đương với thị phần hàng may mặc của Việt Nam, sau khi Việt Nam cải thiện thị phần từ 16% so với cùng kỳ.

Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) nhận định, vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng thời trang cho Mỹ bị xói mòn phần nào phản ánh sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nước, khi các hãng thời trang Mỹ buộc phải giảm tiếp xúc với các nhà cung cấp Trung Quốc để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do đại dịch COVID-19 và quan hệ song phương tiếp tục xấu đi.

Khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ thăm dò ý kiến ​​của 25 giám đốc điều hành các công ty thời trang hàng đầu trong quý II cho thấy, trong khi hầu hết đều nhập khẩu từ các nước trong đó có cả Trung Quốc và Việt Nam, 29% cho biết năm nay họ nhập hàng từ Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc, tăng từ tỷ lệ 25% cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu công bố trong tuần này của Văn phòng dệt may thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, về số lượng, Trung Quốc vẫn đóng góp ít nhất 30% kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, điều cốt yếu là giá xuất khẩu thấp hơn nhiều so với mức trung bình, vì hầu hết các nhà sản xuất và thương nhân Trung Quốc đều giảm giá mạnh để duy trì các đơn đặt hàng ở nước ngoài. Giá do các nhà cung cấp Trung Quốc chào hàng thấp hơn khoảng 30% so với các nước châu Á khác trong năm nay.

Tính đến tháng 7, khoảng 30 tỷ USD hàng dệt, may mặc và sản phẩm dệt gia dụng của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 90% trong tổng số đó phải chịu mức thuế cao hơn 7,5% so với thuế thông thường, vì chiến tranh thương mại.

Phó giáo sư Sheng Lu, chuyên gia nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delaware (Mỹ), cho biết: “Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, có khả năng các công ty thời trang Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm đáng kể nguồn cung ứng từ Trung Quốc.”

Mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy một số nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc chuyển sản phẩm ra khỏi nước này sang các nước lân cận để tận dụng chi phí lao động thấp hơn, tránh thuế nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, sự chuyển dịch bị đình trệ trong năm nay do quy định hạn chế đi lại vì đại dịch.

Ông Sheng Lu cho biết, “đầu tư nước ngoài đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát triển và mở rộng năng lực sản xuất hàng may mặc”. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong ba thập kỷ qua, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào ngành dệt may của Việt Nam đạt tổng cộng 19,5 tỷ USD.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI