Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc từng đánh bại virus corona từ hơn 20.000 năm trước?

25/06/2021 - 13:32

PNO - Một chủng coronavirus dường như đã quét qua Đông Á vào hơn 20.000 năm trước, để lại dấu vết trong DNA của người dân ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam hiện đại.

Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Current Biology (ấn phẩm trực  thuộc nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan) đã tìm thấy bằng chứng về sự thích nghi di truyền với họ virus corona tại 42 gen, trong các quần thể cư dân hiện đại ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Đại dịch COVID-19, do coronavirus SARS-CoV-2 gây ra, cho đến nay đã gây ra hơn 3,8 triệu ca tử vong và thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD trên toàn thế giới. Họ coronavirus cũng bao gồm virus MERS và SARS, cả hai đều đã gây ra các đợt bùng phát dịch chết người đáng kể trong 20 năm qua.

Các đại dịch gắn liền lịch sử loài người

Con người từng đối mặt nhiều đại dịch trước đây. Chỉ trong thế kỷ 20, ba biến thể của virus cúm từng dẫn đến các đợt bùng phát trên diện rộng khiến hàng triệu người thiệt mạng: "Cúm Tây Ban Nha" năm 1918-20, "Cúm châu Á" 1957-58 và "Cúm Hồng Kông" của năm 1968-69.

Ghi chép lịch sử về các đợt bùng phát do virus và các mầm bệnh khác gây ra đã kéo dài hàng ngàn năm. Do đó, dễ nhận ra rằng những tương tác này thậm chí còn lâu đời hơn nữa, vào những thời kỳ sơ khai nhất của loài người.

Những cuộc di cư cổ đại chứng kiến ​​tổ tiên loài người rời châu Phi đến khắp nơi trên thế giới, buộc họ đối mặt những mầm bệnh mới. Giống như nhiều thách thức về môi trường khác, những cuộc gặp gỡ virus cổ đại này có thể đã kích hoạt sự thích nghi giúp tổ tiên của chúng ta tồn tại.

Sự thích nghi có thể bao gồm những thay đổi về sinh lý hoặc miễn dịch giúp cải thiện khả năng chống nhiễm trùng hoặc giảm tác động đến sức khỏe của bệnh.

Tổ tiên của người Đông Á từng đối mặt và thích nghi với virus corona
Tổ tiên của người Đông Á từng đối mặt và thích nghi với virus corona

Bệnh tật có thể để lại dấu vết di truyền

Trong vài thập kỷ qua, các nhà di truyền học đã phát minh ra các công cụ thống kê mạnh mẽ, nhằm khám phá dấu vết di truyền của các sự kiện thích nghi lịch sử vẫn còn tồn tại trong bộ gen của những người sống ngày nay.

Những công cụ này cho phép các nhà khoa học khám phá ra các gen đánh dấu sự thích nghi với cuộc sống ở độ cao lớn và việc tiêu thụ sữa của người trưởng thành, cùng nhiều thứ khác.

Do đó, nhóm tác giả nghiên cứu muốn xem liệu những cuộc gặp gỡ lịch sử với các loài coronavirus cổ đại có để lại dấu vết nào trong loài người ngày nay hay không. Bên cạnh việc tiết lộ các đợt bùng phát coronavirus trong lịch sử, thông tin này có thể cung cấp những hiểu biết mới về cơ sở di truyền của nhiễm coronavirus, và cách những loại virus này gây bệnh cho người hiện đại.

Virus là những sinh vật đơn giản với một mục tiêu: tạo ra nhiều bản sao của chính chúng. Nhưng cấu trúc sinh học đơn giản của chúng có nghĩa là chúng không thể sinh sản độc lập.

Thay vào đó, chúng phải xâm nhập vào tế bào của các sinh vật khác, chiếm đoạt bộ máy phân tử dùng để sản sinh tế bào mới. Sự xâm nhập của virus liên quan đến việc gắn và tương tác với các protein cụ thể do tế bào chủ tạo ra, chúng ta gọi là protein tương tác virus (VIP).

Dấu vết của coronavirus cổ đại

Hai tác giả chính của nghiên cứu, Yassine Souilmi - điều tra viên thỉnh giảng và Ray Tobler - nghiên cứu sinh Tiến sĩ từ Đại học Quốc gia Úc giải thích, họ đã áp dụng các phân tích tính tiên tiến vào bộ gen của hơn 2.500 người từ 26 cộng đồng trên khắp thế giới. Kết quả cho thấy dấu hiệu của sự thích nghi trong 42 gen người khác nhau, chịu trách nhiệm mã hóa VIP.

Những tín hiệu VIP này chỉ xuất hiện trong năm quần thể, tất cả đều đến từ Đông Á - quê hương của coronavirus. Điều này cho thấy tổ tiên của người Đông Á hiện đại ban đầu đã tiếp xúc với coronavirus vào khoảng 25.000 năm trước.

Thử nghiệm sâu hơn cho thấy 42 VIP chủ yếu biểu hiện ở phổi, đây là mô bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các triệu chứng của COVID-19. Đồng thời, nhóm cũng xác nhận những phân tử VIP này tương tác trực tiếp với virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch hiện nay.

Người dân Việt Nam từng chiến thắng đại dịch vào hơn 20.000 năm trước, và điều đó sẽ đến một lần nữa !
Người dân Việt Nam từng chiến thắng đại dịch vào hơn 20.000 năm trước, và điều đó sẽ đến một lần nữa! - Ảnh: EPA

Các nghiên cứu độc lập khác chỉ ra rằng đột biến trong gen VIP có thể làm trung gian cho tính nhạy cảm với SARS-CoV-2 và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19. Điều này có thể lý giải một phần lý do vì sao người gốc châu Á ít chịu ảnh hưởng lâu dài từ COVID-19 hơn so với các dân tộc khác. Ngoài ra, một số gen VIP hiện đang được sử dụng làm mục tiêu cho các phương pháp điều trị COVID-19, hoặc là một phần của các thử nghiệm lâm sàng cho mục đích này.

Một số VIP thích nghi được xác định trong nghiên cứu mới cũng là mục tiêu của thuốc đối với các loại virus khác, chẳng hạn như virus Zika và viêm gan C. Một số loại thuốc trong số này đã được sử dụng thành công trong việc điều trị COVID-19.

Nhóm tác giả kết luận: “Bằng cách khám phá các gen bị ảnh hưởng bởi những đợt bùng phát virus trong lịch sử, nghiên cứu đưa ra hướng đi mới về phân tích gen tiến hóa như một công cụ để chống lại các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai”.

Linh La (theo Science Alert)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI