Việt Nam hy vọng sẽ thu hút thêm đầu tư sau đại dịch

13/05/2020 - 06:00

PNO - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ chậm lại do đại dịch COVID-19, nhưng có thể tăng mạnh lên 7% trong năm tới.

Hôm 11/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ chậm lại, chạm mức 2,7% trong năm nay do đại dịch COVID-19, nhưng có thể tăng mạnh lên 7% trong năm tới. 

Kinh tế tăng trưởng chậm

Dù đã thực hiện thành công các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch, Việt Nam khó tránh khỏi tình trạng suy thoái dự kiến sẽ làm chậm đáng kể tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Đại diện IMF tại Việt Nam - François Painchaud, tiết lộ một số lĩnh vực đối mặt ảnh hưởng nghiêm trọng bao gồm ngành công nghiệp du lịch, vận tải và lưu trú.

Việt Nam có đủ nguồn nhu cầu nội địa để duy trì cơ bản nền kinh tế, nhưng mức độ  bình thường hóa cuộc sống vẫn chịu ảnh hưởng từ nước ngoài - Ảnh: Reuters
Việt Nam có đủ nguồn nhu cầu nội địa để duy trì cơ bản nền kinh tế, nhưng mức độ bình thường hóa cuộc sống vẫn chịu ảnh hưởng từ nước ngoài - Ảnh: Reuters

Ông Painchaud cho biết, tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi khi các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ hoàn toàn và thế giới dần tái mở cửa, quay về mức 7% vào năm 2021 nhờ lực hỗ trợ từ nới lỏng tài chính và tiền tệ, hạ tầng kinh tế vĩ mô tương đối mạnh của Việt Nam và nhu cầu nước ngoài phục hồi. Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2020 và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tăng trưởng GDP năm 2020 phải đạt mục tiêu hơn 5%.

Theo khảo sát của Chính phủ, 85,7% trong số 126.565 doanh nghiệp được thăm dò tại Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, trong đó nhóm hoạt động trong lĩnh vực hàng không, du lịch, thực phẩm và giáo dục bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, sau 5 năm tăng trưởng, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã giảm 15,5% trong bốn tháng đầu năm 2020, xuống còn 12,3 tỷ USD. Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết trong một tuyên bố trực tuyến, xuất khẩu chỉ tăng 0,5% trong quý I và kết quả dự kiến sẽ tiếp tục ảm đạm trong quý hiện tại.

Việc quay về cuộc sống bình thường dự kiến kích thích nguồn cầu khi người dân có lại việc làm và tiền lương. Nhưng nền kinh tế khó tiếp cận mức tăng trưởng trước dịch COVID-19 cho đến ít nhất là nửa cuối năm 2020 do thiếu khách du lịch nước ngoài và nhu cầu nhập khẩu của nước ngoài.

Còn nhiều khó khăn trước giai đoạn phục hồi

Ngành du lịch quốc tế của Việt Nam dừng hoàn toàn từ ngày 1/4 vì những lo ngại của Chính phủ về nguy cơ du khách bị nhiễm vi-rút. Xuất khẩu công nghiệp chủ lực, như phụ tùng xe hơi, điện thoại thông minh và đồ nội thất giảm sút vì các cửa hàng ở nước ngoài đã đóng cửa và người tiêu dùng bị mất việc do những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Raft Matthaes - người sáng lập Công ty tư vấn nghiên cứu Infocus Mekong tại TP.HCM cho biết: “Nếu may mắn, mọi người sẽ quay trở lại với cuộc sống bình thường vào tháng Bảy”. Một khảo sát của Infocus cho thấy khoảng 30% người dân ở TP.HCM và Hà Nội bị mất việc làm trong thời gian giãn cách chống dịch. Việc trở lại bình thường trước tiên sẽ tập trung cho ngành bán lẻ và chuỗi cung ứng sản xuất, giúp người lao động lấy lại việc làm trên dây chuyền lắp ráp và bắt đầu chi tiêu. Các chuyến bay nội địa cũng được nối lại, mặc dù một số khách sạn vẫn đóng cửa do nhu cầu thấp.

Song Seng Wun - chuyên gia kinh tế của ngân hàng tư nhân CIMB chi nhánh Singapore - nhận định Việt Nam có đủ nguồn nhu cầu nội địa để duy trì cơ bản nền kinh tế, nhưng mối liên kết với phần còn lại của thế giới mới là yếu tố chính quyết định mức độ bình thường hóa đạt được.

Kizuna Joint Development Corp - công ty xây dựng nhà máy tại Việt Nam, trao đổi với hãng tin Reuters: “Nhờ phản ứng nhanh với COVID-19, chúng tôi hy vọng đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam sau đại dịch”. Công ty với nguồn khách hàng chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, họ đang đẩy nhanh kế hoạch hoàn thành nhà máy 100.000m2 ở miền Nam để đón đầu sự gia tăng nhu cầu sau đại dịch. 

Tấn Vĩ (theo Reuters, VOA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI