Việt Nam đứng top 2 bản đồ ung thư: Đừng để có tội với dân

07/10/2016 - 13:37

PNO - Nếu còn tiếp tục tư duy chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả sẽ mang tội lớn với người dân, có tội với thế hệ sau này.

Đừng để có tội với dân

Liên quan tới những số liệu WHO công bố, Việt Nam đang đứng top 2 những nước có tỉ lệ tử vong do mắc ung thư cao nhất, với hơn 70.000 người chết vì ung thư/năm, tương ứng 205 người/ngày.

Cụ thể, WHO đang xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc tốp 2 của bản đồ ung thư thế giới (50 nước cao nhất thuộc tốp 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỉ lệ tử vong 110/100.000 người, ngang với tỉ lệ tại Phần Lan, Somalia, Turkmenistan.

Viet Nam dung top 2 ban do ung thu: Dung de co toi voi dan
Xót xa hình ảnh trẻ em bị ung thư (Ảnh: Internet)

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, đó là những số liệu rất đáng lo ngại, là lời cảnh báo cho toàn Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan phải có hành động cụ thể nhằm ngăn chặn, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Những số liệu trên phù hợp với những cảnh báo về vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà chính ông và các ĐBQH đã phản ánh trong suốt các kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Khi đó, có ĐBQH còn ví von "chưa bao giờ tôi thấy con đường từ dạ dày tới nghĩa địa lại ngắn đến thế", ông Phương chia sẻ.

Ông Phương cho biết, sau khi có những phản ánh, tiếng nói của ĐBQH Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng đã có rất nhiều động thái như kiểm tra, ban hành những văn bản, nghị quyết chỉ đạo về giám sát, kiểm tra VSATTP.

Song cho tới nay kết quả đạt được cho vẫn rất khiêm tốn, mong muốn của dư luận về một bữa ăn sạch vẫn xa vời, chưa thể có được niềm tin từ họ.

Bà Bùi  Thị An - nguyên ĐBQH Hà Nội khóa XIII cũng bàng hoàng trước những con số được công bố. Bởi theo bà An, khi nhìn vào những số liệu công bố thì người ta còn phải nhìn vào những nguyên nhân dẫn tới thực trạng đó. Cụ thể là mối liên hệ giữa bệnh tật với chất lượng cuộc sống, là tình trạng đói nghèo, là chất lượng nòi giống, là mối liên quan tới phát triển kinh tế xã hội...

Vì vậy, nghiêm trọng hơn đây không chỉ là lời cảnh báo với sức khỏe của người dân mà nó còn cho thấy một bức tranh tổng thể về diễn biến phát triển của một đất nước có khỏe mạnh, bền vững hay không.

Số liệu trên đang đặt ra những thách thức lớn với Chính phủ, yêu cầu có sự vào cuộc quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn tận gốc những nguyên nhân được là nguồn gốc khởi phát căn bệnh ung thư này, bà An chia sẻ thêm.

Theo đó, Chính phủ phải là người cầm cờ đầu, các bộ, ngành liên quan là người trực tiếp thực hiện, giám sát. Việc ngăn chặn nguồn gốc những tác nhân dẫn tới căn bệnh ung thư phải được thực hiện trên mọi mặt trận, bao gồm từ ăn uống, từ môi trường, từ thu hút đầu tư cho tới kinh doanh, sản xuất...

"Bộ Y tế chỉ có thể nêu lên giải pháp, tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng tham gia khống chế nó nhưng không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Ung thư có nguyên nhân từ ăn uống, nhưng còn có nguyên nhân từ môi trường sống, từ không khí bị ô nhiễm, từ việc sản xuất, kinh doanh cho tới nhập khẩu, khai khoáng... tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư mà một mình Bộ Y tế không thể làm được".

Bà An lấy ví dụ, việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu một lượng lớn chất cấm cyanua đã được kiểm soát thế nào? Trách nhiệm của Bộ Công thương tới đâu?

Hay có nên xem xét để các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất amiang trắng nữa không? Việc tiếp tục cho nhập khẩu và sử dụng chất này trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng có thể giúp doanh nghiệp có lợi lớn nhưng để lại nguy cơ ung thư cho tới tận 10-20 năm sau thì phải cân nhắc thế nào?

Từ những câu hỏi trên, bà An đã đề nghị Chính phủ khi đưa ra những quyết sách liên quan tới an toàn, sức khỏe của người dân bắt buộc phải có sự tham khảo từ Bộ Y tế, chứ không phải là lấy ý kiến từ các đơn vị sản xuất kinh doanh hay đưa ra quyết sách dựa trên lợi ích của một nhóm người. Như vậy là có tội với dân.

"Tôi ví dụ, nếu ra chợ kiểm tra một mớ rau mà Bộ Y tế khẳng định mớ rau đó không an toàn thì phải xử lý ngay cơ sở sản xuất rau đó. Không thể tiếng nói của một đơn vị y tế lại không tin mà phải chờ đợi chủ cửa hàng kinh doanh rau, rồi tới người sản xuất rau nói rằng rau đó không độc thì cho là nó không độc. Như vậy là không được, là đang bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp chứ không phải là người dân", bà An nói.

Thay đổi tư duy

Nhìn ở góc độ sâu xa hơn, nguyên ĐBQH đoàn Vĩnh Phúc, Khóa XIII - ông Nguyễn Ngọc Bảo chỉ ra ba vấn đề.

Thứ nhất, điều kiện phát triển kinh tế nóng là nguyên nhân mang nhiều tiềm ẩn rủi ro về môi trường, sức khỏe. Theo ông Bảo, Trung Quốc chính là một đất nước đang phải trả giá rất đắt cho xu hướng phát triển nói trên. Việt Nam cũng đang phải gánh chịu những hậu quả của một định hướng phát triển nhanh.

Thứ hai, ông Bảo cho hay rất nhiều cảnh báo của các tổ chức quốc tế trong việc coi trái đất như một mái nhà, nhưng mái nhà đó lại đang gặp rất nhiều nguy hiểm với nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việt Nam chính là một nước nằm trong diện nguy hiểm, thường xuyên phải hứng chịu những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh.

Thứ ba, theo ông Bảo tình trạng cá chết, biển ô nhiễm chính là nguyên nhân của chủ trương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nóng.

"Đầu tư vĩ mô của Việt Nam đang có vấn đề. Nếu nhìn vào các dự án kinh tế lớn như Boxit Tây Nguyên, Formosa có thể thấy lợi ích người dân không được hưởng nhưng hậu quả thì người dân đang phải hứng chịu", ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, không riêng các dự án đầu tư nước ngoài đang có vấn đề mà ngay với các dự án đầu tư trong nước cũng không ổn. Từ Bắc tới Nam rất nhiều những dự án thu hút đầu tư dở dang, gây ô nhiễm môi trường. Ngay tại Hà Nội cũng có rất nhiều vấn đề bất ổn. Tình trạng nước thải, gây ô nhiệm suốt dọc trục thành phố tồn tại bao nhiêu năm chưa được xử lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nước thải bẩn, bốc mùi tại sông Tô Lịch, sông Nhuệ ảnh hưởng lớn tới đời sống, sức khỏe của người dân từ bao nhiêu năm rồi nhưng vẫn loay hoay không có giải pháp.

Ông Bảo khuyến cáo, nếu còn tiếp tục tư duy chạy theo lợi nhuận, làm tất cả vì tiền mà bất chấp hậu quả sẽ mang tội lớn với người dân, có tội với thế hệ sau này.

"Người dân lao vào kiếm tiền, doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận đến cả cơ quan quản lý cũng chạy theo tư duy kiếm tiền sẽ rất nguy hiểm. Đó không phải tư duy kiếm tiền bền vững", ông Bảo nói.

Mặt khác, ông Bảo còn chỉ ra vấn đề xử lý những sai phạm hiện nay cũng cần được đặt ra một cách quyết liệt hơn. Nếu buông lỏng khâu quản lý, cộng thêm các biện pháp xử lý không đảm bảo nghiêm minh, công bằng, minh bạch sẽ là cơ hội nuôi dưỡng những sai phạm lớn hơn, nguy hiểm hơn.

"Có luồng dư luận nói rằng việc phát hiện một doanh nghiệp làm sai không khó nhưng xử lý được sai phạm của doanh nghiệp này lại là cả vấn đề lớn. Có rất nhiều vấn đề ở đây, từ mối quan hệ lợi ích chằng chịt, từ quen biết hoặc tiền bạc mà họ có thể bất chấp tất cả, cùng nhau bắt tay bưng bít, che đậy những sai phạm cho nhau. Rất khó xử lý", ông Bảo cho biết.

 Để ngăn chặn được tình trạng trên phải cần tới sự quyết tâm, thống nhất rất cao từ chính các cơ quan quản lý cao nhất, ông Bảo khẳng định.

Thái Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI