Việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi diễn ra an toàn

18/04/2022 - 06:43

PNO - Sau một ngày triển khai, đã có 10.434 học sinh lớp 6 ở TPHCM và gần 8.500 học sinh lớp 6 ở Hà Nội được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, chưa có ca nào bị tác dụng phụ đáng kể.

Hà Nội: Gần 8.500 học sinh lớp 6 được tiêm trong hai ngày

 Sáng sớm 17/4, chị Thu Hồng có mặt tại Trạm y tế phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm để làm thủ tục tiêm và lấy giấy chứng nhận tiêm cho cậu con trai học lớp 6: “Trước đây, tôi cũng lo xảy ra phản ứng khi con chích ngừa COVID-19. Nhưng hôm qua, nghe một số người quen đưa con đi tiêm về nói mọi việc rất suôn sẻ nên khi nhận được thông báo của trạm y tế phường, tôi quyết định cho cháu đi tiêm luôn. Sau 30 phút tiêm, sức khỏe của cháu ổn định, không có triệu chứng gì bất thường”.

 

Tiêm vắc-xin cho học sinh lớp Sáu ở TP.Hà Nội - ẢNH: BẢO KHANG
Tiêm vắc xin cho học sinh lớp 6 ở TP. Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang

Đây là ngày thứ hai, ngành y tế TP.Hà Nội triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi. Tính tổng chung trong cả hai ngày 16 - 17/4, có gần 8.500 trẻ là học sinh lớp Sáu đã được tiêm mũi 1. Sau 28 ngày, những trẻ này sẽ được tiêm mũi 2. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết các trẻ và phụ huynh, người giám hộ được tư vấn kỹ về dinh dưỡng, chăm sóc, theo dõi sau tiêm vắc xin COVID-19. Đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, trong ngày thứ hai, nhiều quận, huyện không tổ chức tiêm chủng do rơi vào ngày nghỉ cuối tuần.

Chị Thu Huyền cho hay, con trai chị đang học lớp 6 trong một trường tư thục ở Q.Thanh Oai nhưng chưa được lấy ý kiến hay thông báo gì liên quan tới tiêm chủng. Tương tự, chị Hà Hương (Q.Đống Đa) cũng cho biết, gia đình chị chưa nhận được thông báo về việc tiêm chủng cho trẻ. Liên quan tới vấn đề này, đại diện Trung tâm Y tế Q.Đống Đa cho hay, do Chủ nhật nên trung tâm chưa tổ chức tiêm chủng mà tiếp tục phối hợp với các trường, các trạm y tế lên danh sách trẻ cần tiêm. Đến nay, mới có khoảng 20% số phụ huynh gửi lại phiếu đồng ý tiêm. 

Theo các chuyên gia, trong những ngày đầu tiêm chủng, số lượng đăng ký chưa cao có thể do phụ huynh còn nghe ngóng tình hình. Tình trạng này cũng từng xảy ra trong đợt tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, sau đó, khi thấy yên tâm, số phụ huynh đồng thuận rất cao. Tính đến ngày 17/4, tỷ lệ trẻ 12-14 tuổi ở TP.Hà Nội tiêm xong mũi 1 đạt 99,7%, tỷ lệ tiêm xong mũi 1 của nhóm 15-17 tuổi đạt 99,9%. 

Vừa qua, TP. Hà Nội đạt đỉnh dịch, số người mắc COVID-19 khỏi bệnh dưới ba tháng (không thuộc diện cần tiêm chủng) rất lớn nên trong đợt tiêm chủng này, số trẻ cần tiêm chắc chắn ít hơn nhiều so với thống kê chung. Riêng huyện Sóc Sơn có khoảng 49.000 trẻ từ 5-11 tuổi nhưng qua rà soát, có 30.000 trẻ từng mắc COVID-19, chỉ còn 19.000 trẻ chưa mắc COVID-19. Còn tại Q.Hà Đông, qua khảo sát có khoảng 54% cháu đã bị nhiễm COVID-19. Toàn quận có 5.600 học sinh lớp Sáu, số nhiễm COVID-19 khoảng 2800 trẻ. Trước đó, ông Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - thông tin Việt Nam khoảng hơn 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5-11 tuổi. Trong đó có 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19 và 3,6 trẻ đã nhiễm bệnh. 

Qua tập huấn và trực tiếp giám sát tại một số điểm tiêm trong những ngày đầu tiên, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội - khẳng định ngành y tế thành phố đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi. TP.Hà Nội có hơn 1 triệu học sinh từ 5-11 tuổi và hơn 6.600 trẻ trong độ tuổi này không đi học thuộc diện tiêm chủng. Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ 95% trẻ đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ số mũi vắc xin, triển khai theo nguyên tắc hạ dần lứa tuổi. 

“Trong quá trình tiêm chủng, chúng tôi ưu tiên các trẻ mắc bệnh bẩm sinh, bệnh nền, suy dinh dưỡng, béo phì... Ngành chức năng cũng hướng dẫn và khuyến cáo phụ huynh học sinh theo dõi trẻ sau tiêm để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ” - bà nói. Theo bà, phụ huynh nên cho con tiêm chủng, bởi đây là giải pháp then chốt để đảm bảo an toàn cho trẻ.

TPHCM: Phụ huynh yên tâm về công tác tổ chức

48 giờ sau tiêm ngừa, hầu hết học sinh lớp 6 ở TPHCM không gặp các phản ứng phụ hoặc chỉ bị nhẹ với các phản ứng đã được thông báo trước như sốt, đau nơi tiêm.

Học sinh lớp Sáu Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 - ẢNH: PHẠM AN
Học sinh lớp 6 Trường THCS Hồng Bàng (quận 5, TPHCM) được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: Phạm An

Anh Trần Sỹ Hào (quận Tân Phú) cho biết, vợ chồng anh theo dõi rất sát sức khỏe của con - bé Trần Uyển Di, học lớp 6A2 Trường THCS Hồng Bàng, quận 5 - từ khi bé tiêm ngừa xong cho đến bây giờ và chưa thấy dấu hiệu phản ứng đặc biệt nào: “Sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, tối cùng ngày, cháu hơi sốt, mẹ của cháu đã lau mát, hạ nhiệt cho cháu; đến sáng, cháu vẫn còn sốt nhẹ và không có dấu hiệu khác. Cháu không bị sưng, đau ở vết tiêm. Gia đình cũng được cung cấp số điện thoại của bác sĩ và sẽ liên hệ khi cần thiết”. Theo anh Hào, anh yên tâm hơn với việc đi học trực tiếp của con khi con đã được chích vắc-xin. Anh cũng đã đăng ký cho em của Uyển Di đi chích ngừa vào sáng 18/4.

Chị Bùi Thị Kim Hương cho biết, sau khi tiêm vắc xin, con trai chị là Nguyễn Đức Anh - học lớp 6 Trường THCS Lạc Hồng, quận 10 - chỉ than đau ở vết tiêm, sức khỏe bình thường, không nôn ói, nhức đầu hay nóng sốt: “Ban đầu, con trai tôi nói hơi đau ở nơi tiêm; hôm sau, cháu đau cánh tay và đau nhiều mỗi khi vận động. Trước đó, tôi cũng được hướng dẫn rằng đây là phản ứng nhẹ, cần nhắc cháu tập nhẹ tay để đỡ đau. Tôi theo dõi thêm một ngày, nếu cháu đau quá, tôi sẽ thông báo với bác sĩ”.

Một số phụ huynh cho hay, con họ bị sốt kèm chán ăn, phần lớn đau ở vị trí tiêm, đau cánh tay khi hoạt động. Đa số phụ huynh hài lòng về công tác tổ chức tiêm ở trường học. Một số vị có con dưới năm tuổi hy vọng, con mình cũng được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Không chạy theo số lượng

Trước khi lên kế hoạch tiêm ngừa cho trẻ từ 5-11 tuổi, TPHCM đã thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi nhưng ngành y tế vẫn đề cao sự thận trọng nhằm bảo đảm sự an toàn cho trẻ, không chạy theo số lượng.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, thời gian qua, vắc xin ngừa COVID-19 đã phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống COVID-19. Do vậy, lãnh đạo thành phố tiếp tục triển khai việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Ông nói: “Để thực hiện đợt tiêm này, chính quyền thành phố chuẩn bị rất lâu và hết sức cẩn trọng, phối hợp nhiều ban, ngành nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho trẻ. Các đội tiêm ngừa có kinh nghiệm, được tập huấn kỹ lưỡng, chuyên nghiệp. Tôi rất hy vọng, với sự phối hợp của các lực lượng cũng như sự đồng thuận của phụ huynh các bé, công tác tiêm ngừa sẽ diễn ra suôn sẻ”.

Qua kiểm tra các điểm tiêm, ông Dương Anh Đức đánh giá, điểm tiêm ở các trường được tổ chức đảm bảo an toàn, được bố trí theo đúng quy trình một chiều, nhân viên y tế tiêm đúng quy trình, thu gom và xử lý rác thải y tế, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu, có đội phản ứng nhanh, xe cấp cứu. Hơn nữa, cha mẹ được theo dõi sát quá trình tiêm ngừa của con.

Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho biết trong ngày 16/4, việc tiêm chủng diễn ra thuận lợi, theo đúng kế hoạch. Sau buổi tiêm đầu tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế TPHCM đã họp rút kinh nghiệm. Bắt đầu từ hôm nay (18/4), TPHCM sẽ tiêm vắc xin COVID-19 đại trà cho trẻ từ 5-11 tuổi với hình thức cuốn chiếu theo độ tuổi từ lớn đến nhỏ. Dự kiến, việc tiêm ngừa sẽ thực hiện đến ngày 28/4. 

Bốn tỉnh, thành đầu tiên tiêm vắc xin COVID-19

Ngày 17/4, hai ngày sau khi Bộ Y tế phát động tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi tại tỉnh Quảng Ninh, cả nước đã có thêm ba địa phương triển khai chiến dịch này, gồm TPHCM, Hà Nội và Hà Nam. Tỉnh Hà Nam bắt đầu tiêm vắc xin từ ngày 17/4. Theo Sở Y tế, tỉnh có hơn 101.600 trẻ em từ 5 - 11 tuổi, trong đó có hơn 24.500 trẻ đã mắc COVID-19.

Việc tiêm chủng được triển khai theo chiến dịch và thứ tự lứa tuổi giảm dần. Tỉnh đặt mục tiêu 95% trẻ em từ 5 - 11 đủ điều kiện, được tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Trẻ đang đi học sẽ tiêm tại trường hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp. Đối với trẻ em không đi học, các địa phương sẽ lựa chọn điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp trên địa bàn. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đợt tiêm đầu tiên này là lô vắc xin do Chính phủ Úc hỗ trợ Việt Nam. Sau khi được phân bổ theo kế hoạch, từ ngày 18/4, hoạt động tiêm chủng sẽ được đồng loạt thực hiện tại các tỉnh, thành trên toàn quốc. Để phòng tránh tối đa sự cố nhầm lẫn tiêm chủng do có hai loại vắc xin là Moderna và Pfizer, bà Dương Thị Hồng cho biết đã tổ chức tập huấn kỹ tới từng địa phương; đồng thời, các khối trong một trường sẽ được tiêm đồng loạt cùng một loại vắc xin. Ví dụ: học sinh lớp 5, 6 được tiêm vắc xin Moderna; học sinh lớp 2, 3, 4 tiêm vắc xin Pfizer. Bà mong các bậc phụ huynh nhớ loại vắc xin mũi 1 mà con đã tiêm để cùng nhân viên y tế kiểm tra trước khi tiêm mũi 2, tránh các sự cố đáng tiếc.

Tại TPHCM, theo Sở Y tế thành phố ngày 16/4, đã tổ chức 96 điểm tiêm và đã tiêm ngừa cho 10.434 học sinh lớp 6 trên tổng số 97.064 trẻ cần được tiêm vắc xin. Vắc xin được dùng để tiêm là Moderna và Pfizer. Có 1.379 trẻ hoãn tiêm do đã mắc và khỏi COVID-19 chưa đủ ba tháng, do có tiền sử dị ứng hoặc đang mắc bệnh lý cấp tính. Trong đó, có 28 trường hợp sau khi khám sàng lọc, bác sĩ chỉ định chuyển trẻ đến bệnh viện tiêm ngừa để đảm bảo an toàn.

Huyền Anh - Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI