Việc làm là vấn đề nóng khi hết giãn cách xã hội

29/09/2021 - 14:38

PNO - Do giãn cách xã hội kéo dài, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ở TPHCM phải đóng cửa, kéo theo tình trạng ngừng việc, mất việc của người lao động.

Có tay nghề, bỗng thành lao động tự do

5 năm làm nhân viên kế toán cho một công ty chuyên xuất khẩu nông sản ở đường Minh Phụng, Q.6 với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng, chị N.N.M. buộc phải nghỉ việc, ở nhà buôn bán online các mặt hàng như kính mát, đồng hồ. Năm ngoái, dịch bùng phát mạnh ở các nước châu Âu đã ảnh hưởng nặng đến hoạt động xuất khẩu của công ty. Ban đầu, công ty giảm 20%, rồi 30% lương, chị vẫn ráng cầm cự. Từ tết Nguyên đán đến nay, công ty không có đơn hàng, buộc phải cắt giảm 30% nhân sự. Chị M. vẫn được giữ lại làm việc nhưng lương chỉ còn 4 triệu đồng/tháng. 

“Nhà em có con nhỏ hai tuổi, trước nay thuê chị họ chăm. Lương ở công ty thấp nên em xin nghỉ làm, ở nhà trông con và kinh doanh online được nửa năm nay. Thu nhập bấp bênh nhưng đỡ được chi phí giữ con, lại được gần con nên em cũng thấy ổn”, chị M. chia sẻ.

Kỹ sư cầu đường N.H.N. - 56 tuổi, ở P.14, Q.Tân Bình - có 31 năm làm giám định viên mặt hàng gạo xuất khẩu cho một doanh nghiệp (DN) nhà nước, sau đó chuyển qua làm giám định cho một công ty tư nhân. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ nhất, công việc giám định bị ách tắc, ông N. phải thường xuyên ở nhà chờ việc. Đầu tháng 6/2020, ông nghỉ làm, nhận quyết định thôi việc với hơn 30 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). 

Lãnh trợ cấp thất nghiệp được 10 tháng, ông N. nhận làm công việc trái nghề là nhân viên giao nhận thuốc tại chợ thuốc tây ở Q.10, tự đóng BHXH để sau này được hưởng lương hưu. “Trong đợt dịch thứ tư này, tôi phải nghỉ việc và làm thủ tục để được lãnh lương hưu non vì không dám đi giao nhận hàng, sợ mắc COVID-19 rồi lây cho mẹ già gần 90 tuổi và con gái học lớp Chín” - ông N. kể.

Tuy vẫn chưa có quyết định nghỉ việc chính thức nhưng sau hai tháng ở nhà, ông Đ.N.S. - 47 tuổi, ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh - cảm thấy con đường trở lại làm việc khá chông chênh. Ông là thợ có tay nghề, hơn 20 năm làm trong lĩnh vực thi công các kho lạnh. Hai năm nay, ngành xây dựng dân dụng, trong đó có thi công kho lạnh, không còn phát triển như trước.

Nhiều công nhân đã xin nghỉ việc do ít việc làm, thu nhập giảm sút. Ông S. cố gắng cầm cự để có khoản tiền lương phụ vào khoản tiền lời từ nghề buôn bán ở chợ cóc gần nhà của vợ, nuôi hai cô con gái đang học lớp Bốn và lớp 10. 

Đầu tháng 7/2021, do giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công ty cho anh nghỉ việc không lương đến nay. “Đến giờ này, mình cũng không biết khi nào công ty kêu làm lại. Nếu có làm lại, cũng không thể có công trình để làm ngay. Kiểu này chắc hết dịch, tôi xin nghỉ, ở nhà phụ vợ buôn bán” - ông S. buồn rầu.

Khi sản xuất, kinh doanh trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM sẽ thiếu hụt nguồn lao động (ảnh chụp ngày 27/8: Một doanh nghiệp ở P.Thạnh Xuân, Q.12 treo bảng thông báo tuyển lao động phổ thông) - ẢNH: H.N.
Khi sản xuất, kinh doanh trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM sẽ thiếu hụt nguồn lao động (ảnh chụp ngày 27/8: Một doanh nghiệp ở P.Thạnh Xuân, Q.12 treo bảng thông báo tuyển lao động phổ thông) - Ảnh: H.N.

Gia tăng lực lượng lao động phi chính thức

Theo khảo sát về thị trường lao động và người lao động tự do tại 19 tỉnh, thành phía Nam của Tổ công tác đặc biệt về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 8/2021, đã có 2,5 triệu lao động trong các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước; riêng TPHCM có hơn 23.000 DN và hơn 625.000 người lao động bị mất việc, ngừng việc.

Trong buổi làm việc trực tuyến với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mới đây, đại diện UBND Q.Gò Vấp cho biết, đầu năm 2021, trên địa bàn quận, có 20.234 DN, sử dụng 128.505 người lao động; 33 hợp tác xã và 37.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, sử dụng 61.061 người. Từ tháng 5/2021 đến nay, 69% cơ sở kinh tế tạm ngưng hoạt động, trong đó gần 45% DN không dự tính được thời gian ngưng hoạt động. Nhiều người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn do mất việc làm, không có thu nhập, nhất là những người tạm trú, ở trong các khu nhà trọ. Có khoảng 62% tổng số lao động mất việc, một nửa trong số đó mất việc từ 1-3 tháng.

Tính đến ngày 31/3/2021, Q.8 có khoảng 12.076 DN. Số DN đăng ký thành lập mới của năm 2020 là 1.052 DN, tăng 1,41% so với năm 2019 (1.035 DN) nhưng số DN tạm ngưng kinh doanh tăng gần bốn lần so với cùng kỳ năm 2019, số DN làm thủ tục giải thể tăng khoảng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đa số DN bị dịch COVID-19 ảnh hưởng, chủ yếu là giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, đơn hàng giảm, thiếu nguyên vật liệu sản xuất, khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM (để lập danh sách hỗ trợ tiền), TPHCM có 365.000 người làm nghề tự do. Theo ông Hồ Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM - qua thông tin từ cấp quận, huyện về việc thực thi các gói hỗ trợ dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì H.Hóc Môn có 49.000 lao động tự do trên tổng số dân là 550.000 người, Q.Bình Tân có 78.000 lao động tự do trên tổng số dân là 770.000 người. Như vậy, số lao động tự do hiện nay quá nhiều, trong khi mục tiêu chung là hạn chế lao động phi chính thức, phấn đấu để người lao động có việc làm chính thức, từ đó được tham gia vào BHXH, bảo hiểm y tế và hưởng các quyền lợi. 

“Khi nới lỏng hoặc bãi bỏ biện pháp giãn cách xã hội, các DN sẽ thiếu nguồn lao động. Vì vậy, DN nên phối hợp chặt chẽ với địa phương cấp phường, xã, quận, huyện để tuyển dụng nguồn lao động phổ thông từ danh sách lao động tự do đã được lập” - ông Hồ Xuân Lâm gợi ý. 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong sáu tháng cuối năm 2021, các DN ở TPHCM có nhu cầu tuyển dụng từ 127.000 - 147.000 người lao động.

Tuy nhiên, cũng theo trung tâm này, số DN dự kiến cắt giảm lao động trong sáu tháng cuối năm 2021 chiếm 46,47% tổng số DN được khảo sát, chủ yếu cắt giảm lao động trong quý III. Trong quý IV, các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nên lại cần tuyển thêm người làm.

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI