Vì sao trẻ nhập viện vì tai nạn giao thông tăng?

13/05/2022 - 06:06

PNO - Theo ghi nhận của bác sĩ, một số trẻ bị tai nạn giao thông có dấu hiệu sử dụng rượu bia.

Một trường hợp bị di chứng thần kinh do chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông đang được điều trị tại Khoa  Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2
Một trường hợp bị di chứng thần kinh do chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trong bốn tuần qua, trẻ nhập viện vì tai nạn giao thông tăng gấp đôi bình thường.

Ngày cao điểm, khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận đến 10 trường hợp trẻ bị đa chấn thương do tai nạn giao thông. Điều đáng lưu ý, đa số trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên và tự điều khiển xe máy đi học, đi chơi, thậm chí một số trẻ vị thành niên còn sử dụng bia rượu.

Cách đây hai ngày, bác sĩ Phát đã tiếp nhận cậu bé 15 tuổi N.Đ.V., ngụ tại tỉnh Đồng Nai. V. điều khiển xe máy và tông vào xe tải chạy đằng trước. Em được người dân đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng chấn thương sọ não, gãy xương sườn, xuất huyết phổi, vỡ gan, dập lách. Sau khi được cấp cứu V. được chuyển lên nằm hồi sức tích cực.

Theo bác sĩ Phát, những tổn thương nội tạng, gãy xương của bệnh nhi vẫn có thể từ từ hồi phục, thế nhưng điều lo ngại nhất là di chứng thần kinh gây yếu liệt tay chân. Nếu ba tuần nữa vẫn không có tiến triển thì chỉ sợ mọi sinh hoạt sau này của bệnh nhi sẽ phải phụ thuộc vào người khác do không tự đi lại được. Điều này ảnh hưởng cả đến chuyện học hành và tương lai phía trước của trẻ.

Trong tuần qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn tiếp nhận một trường hợp khác bị chấn thương khá nghiêm trọng khi đang điều khiển xe đạp điện. Bệnh nhi là cô bé N.T.K.D., 14 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương. Khi bé D. đang chạy xe từ trường về nhà thì bị xe máy ngược chiều quẹt trúng. D. nhập viện trong tình trạng chấn thương đầu và vùng ngực, bụng.

Cách đây ba ngày, có hai nam sinh học lớp Chín, ngụ tại TPHCM cũng phải nhập viện vì té xe máy, bị đa chấn thương. Một trong hai nam sinh bị gãy tay. Hai cậu bé này chở nhau bằng xe máy đi ăn sinh nhật bạn và đang trên đường về thì xảy ra tai nạn. Tại thời điểm cấp cứu, bác sĩ còn ngửi thấy mùi bia rượu từ hai nam sinh này.

Theo bác sĩ Phát, có ba nguyên nhân chính dẫn tới số ca tai nạn giao thông ở trẻ em độ tuổi học đường tăng cao. Thứ nhất, do cha mẹ bận mưu sinh nên giao cho con điều khiển xe máy để chủ động việc đi học. Trong khi đó, mạng lưới giao thông của chúng ta khá hỗn loạn, sự phân bổ làn giữa các loại xe chưa hợp lý. Nhiều khi xe máy phải chạy sát bên xe ô tô, xe tải, thậm chí là container dẫn tới thiếu an toàn. Các em độ tuổi thanh thiếu niên còn non nớt, chưa đủ bình tĩnh và kinh nghiệm để xử lý tình huống.

Thứ hai, do trẻ phải học online ở nhà một thời gian dài bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện nay, nhiều lớp đã thi học kỳ xong nên khi trẻ xin đi chơi với bạn phụ huynh dễ dàng đồng ý để bù đắp khoảng thời gian con phải cách ly khỏi cộng đồng. Một số trẻ đi dự tiệc liên hoan với bạn đôi khi cũng bắt chước người lớn uống bia, rượu, dẫn tới điều khiển xe mất an toàn.

Cuối cùng, thời tiết tại TPHCM hiện quá oi bức, nắng nóng. Thời điểm từ 11 giờ tới 16 giờ, ai chạy xe ngoài đường cũng cảm giác ngột ngạt, rất dễ bị nhức đầu, hoa mắt. Chính yếu tố thời tiết tác động làm người khi tham gia giao thông dễ nôn nóng, mất bình tĩnh, nguy cơ xảy ra va quẹt cũng vì thế cao hơn bình thường.

Qua đó, bác sĩ Phát lưu ý phụ huynh, không nên giao xe cho con tự điều khiển khi trẻ ở độ tuổi quá nhỏ dù là xe phân khối thấp. Với những trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, cha mẹ cần hướng dẫn con cách đi xe sao cho an toàn. Phụ huynh và nhà trường cần có định hướng và quản lý chặt chẽ tình trạng tự điều khiển xe cơ giới ở trẻ để tránh xảy ra những trường hợp tai nạn đau lòng. 

Bài và ảnh: Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI