Vì sao phải trên 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển ngành Sư phạm Lịch sử?

27/08/2023 - 15:51

PNO - Đợt tuyển sinh năm 2023 ghi nhận điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Lịch sử của nhiều trường đại học trên cả nước đều tăng cao. Chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao ít, số lượng thí sinh đăng ký đông, tác động tích cực của Nghị định 116 là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này.

Điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử tiếp tục lập đỉnh

Trên cả nước, ngành Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, tỉnh Vĩnh Phúc lấy 28,58 điểm, mức điểm chuẩn cao nhất trong nhóm ngành này. Tức thí sinh phải đạt hơn 9,5 điểm/môn mới trúng tuyển.

Ở các cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm khác, ngành học này cũng đều lấy mức điểm cao như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (28,42 điểm), Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội (28,17 điểm), Trường ĐH Vinh (28,12 điểm), Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên (28 điểm), Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế (27,6 điểm), Trường ĐH Sư phạm- ĐH Đà Nẵng (27,58 điểm), Trường ĐH Sư phạm TPHCM (26,85 điểm). Thực tế, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch Sử đã tăng từ kỳ tuyển sinh năm 2022 và tiếp tục lập đỉnh trong năm nay ở nhiều trường đại học.

Thạc sĩ Lê Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cho biết lý do chính khiến điểm chuẩn tăng cao vì chỉ tiêu đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử ở các trường đều được Bộ GD-ĐT giao ít, dẫn đến tính cạnh tranh cao.

Ngoài ra, Nghị định 116 về hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên ngành sư phạm trong bối cảnh học phí đại học ngày càng cao cũng là lợi thế thu hút thí sinh trong vài năm trở lại đây. Năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT của môn lịch sử cũng rất tốt, chứng tỏ mức độ quan tâm của thí sinh dành cho ngành lịch sử cũng có sự thay đổi.

"Với điểm số trên 27, tức phải đạt trên 9 điểm mỗi môn thi, các em có nhiều lựa chọn, nhưng vẫn dành ưu tiên chọn học Sư phạm Lịch sử. Điều này tạo ra thuận lợi cho quá trình đào tạo của các trường sư phạm và là tín hiệu đáng mừng cho ngành giáo dục", thạc sĩ Nguyễn Vinh San bày tỏ.

Nhà giáo trẻ cần tìm tòi phương pháp dạy Lịch sử phù hợp thời đại

Ngoài những nguyên nhân trên, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM còn thông tin, khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông và có thể là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025, lượng thí sinh quan tâm đến ngành học này sẽ nhiều hơn so với những ngành Sư phạm Địa lý, Hoá học, Sinh học.

Năm nay, dù chỉ tiêu ngành Sư phạm Lịch sử ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM chỉ 37, giảm 20 so với năm ngoái, nhưng có hơn 900 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành này, tăng 40%. Trong khi các ngành sư phạm khác như Lịch sử - Địa lý, Công nghệ, Khoa học tự nhiên có chỉ tiêu khoảng 200 ở mỗi ngành.

Ông Lê Phan Quốc tin tưởng đầu vào tốt kết hợp với quá trình đào tạo bài bản sẽ hình thành được đội ngũ giáo viên lịch sử có chất lượng cao trong tương lai. Điểm chuẩn cao trong mùa tuyển sinh năm này sẽ là tiền đề để duy trì được chất lượng đầu vào trong những năm sau.

Theo thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM), trong các trường phổ thông hiện nay, chỉ những em dùng môn Sử để xét tuyển đại học mới đam mê môn học này, hoặc nhiều em thích tìm hiểu Lịch sử qua game, sách nhưng không thích học kiến thức trong trường phổ thông. Điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Lịch sử tăng cao là tín hiệu tích cực. Nhưng chất lượng giáo viên sau khi ra trường còn phụ thuộc vào sự đam mê với nghề của mỗi người, chất lượng giảng dạy của các trường đại học...

“Thời đại học Sử bằng cách nghe nhìn và chép đã qua, do đó cách dạy phải thay đổi để có thể cạnh tranh với các hình thức chuyển tải khác như sách, game, video. Người dạy phải chịu khó lắng nghe học sinh và sửa lại những kiến thức đủ loại mà các em gom nhặt trên mạng”, ông Du cho biết.

Anh Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI