Vì sao nhà hát 200 tỷ bên bờ sông Hương mới hoạt động đã hư?

26/02/2021 - 06:42

PNO - Nhà hát Sông Hương tuyệt đẹp nằm bên bờ sông Hương thơ mộng có tổng vốn đầu tư xây dựng gần 200 tỷ đồng, vừa đưa vào hoạt động đã hư hỏng. Sự cố khiến dư luận hoài nghi về chất lượng lâu dài của công trình được xem là điểm nhấn cho cố đô Huế trong quy hoạch không gian đôi bờ sông Hương.

Mới hoạt động đã xuống cấp!
Những ngày sau tết Tân Sửu, người dân Huế đi tập thể dục hay tản bộ trên bờ sông Hương đều nhìn thấy những tấm biển báo “vô phận sự cấm vào” bên ngoài Nhà hát Sông Hương nằm trong khu vực Học viện Âm nhạc Huế (số 1 Lê Lợi, TP.Huế).

Những người hiếu kỳ đã “vượt rào” vào bên trong thì mới biết công trình nhà hát đang bị hư hỏng. Rất nhiều tấm gỗ trần bị bung ra, rơi xuống đất, để lộ kết cấu xà đỡ bằng kim loại và tấm lợp phía trên. Chị Hoàng Thị Bé, một người dân TP.Huế, bức xúc: “Nhà hát mới đưa vào hoạt động mà bong tróc như vậy trông rất khó chịu. Chẳng hiểu người ta thi công kiểu gì!”. 

Những tấm gỗ trên trần la phông của Nhà hát Sông Hương đã bị bung ra và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào
Những tấm gỗ trên trần la phông của Nhà hát Sông Hương đã bị bung ra và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào khoảng giữa tháng 2/2021, có khoảng 20 tấm gỗ trần la phông của nhà hát (mỗi tấm rộng 20cm, dài 2m) bị bung ra và rớt xuống tạo nên những lỗ trống hoác. Trên trần nhà hát, rất nhiều tấm gỗ ghép với nhau, dù chưa rơi xuống, nhưng cũng đã “há mồm” trông rất nguy hiểm. Ở lối đi dẫn vào nhà hát, đơn vị quản lý đã dựng bảng cảnh báo nguy cơ “vật rơi phía trên” và “cấm vào khu vực này”, đồng thời dựng dàn giáo để thi công, sửa chữa. 

Nhà hát Sông Hương thuộc Học viện Âm nhạc Huế, được khởi công năm 2017 với tổng vốn 198 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo và Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) trúng thầu thi công.

Công trình được thiết kế 1.000 chỗ ngồi (700 chỗ ở tầng 1, 300 chỗ ở tầng 2), chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2020 và được kỳ vọng là địa điểm phục vụ các hoạt động văn hóa không chỉ của Huế mà còn của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cũng như các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật mang tầm quốc tế.

Với kiến trúc độc đáo, Nhà hát Sông Hương còn được xem là một công trình nghệ thuật, là điểm nhấn cho không gian đôi bờ sông Hương thơ mộng và trở thành niềm tự hào của người dân Huế về một công trình mang đẳng cấp quốc tế. Bởi thế, những hư hỏng như vừa nêu khiến người dân Huế không khỏi cảm thấy bức xúc, xót xa và thất vọng.

Hư hỏng do… mưa bão?

Lý giải về tình trạng hư hỏng của công trình, ông Phạm Quốc Toản - Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo (đơn vị liên danh thi công) - cho biết: hệ thống gỗ la phông của dự án được cố định bằng đinh vít và kết nối với mái tôn lợp phía trên bằng khung sắt. Một số tấm gỗ bị bung ra và rơi xuống là do mái tôn bị bão thổi bay, khiến nước tràn vào làm lỏng đinh vít. 

Ông Trần Ngọc Quang - Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên cũng giải thích, nguyên nhân hư hỏng là do ảnh hưởng của cơn bão số 5 trong năm 2020, khiến mái nhà hát bị nước tràn vào phần trần gỗ dẫn đến hiện tượng bong tróc.

Nhiều chuyên gia cho rằng: trước khi xây dựng nhà hát, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế phải tính đến khả năng chống chọi gió bão của công trình, nhất là ở nơi có thời tiết khắc nghiệt, hầu như năm nào cũng có thiên tai, bão lụt, mưa dầm như tỉnh Thừa Thiên - Huế; không thể vừa làm xong đã hư hỏng rồi lại đổ thừa cho mưa bão!

Thứ nữa, đây là công trình trọng điểm của tỉnh, một “điểm nhấn đặc biệt” bên sông Hương, thì việc thi công phải hết sức cẩn thận, kỹ càng đến từng chi tiết. Trong trận bão số 5 vừa rồi đúng là có những cơn lốc xoáy cục bộ, nhưng thực tế là nhà cửa ở TP.Huế rất ít bị ảnh hưởng, nhà bị tốc mái chủ yếu ở vùng thôn quê và thường rơi vào những ngôi nhà cấp 4 có kết cấu đơn giản.

Dư luận yêu cầu thanh tra toàn bộ công trình trăm tỷ này từ thiết kế, kỹ thuật thi công, đến chọn vật liệu, đặc biệt là phần mái. Có như thế thì công trình mới có thể sử dụng lâu dài, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và tạo cảnh quan bên bờ sông Hương. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI