Về Kim Bồng xem nghi lễ Phạt mộc truyền thống

21/02/2024 - 12:58

PNO - Nghi thức Phạt mộc - một trong những lễ nghi quan trọng của cư dân làng mộc xưa được tái hiện bởi ông Huỳnh Ri - nghệ nhân lớn tuổi và nổi tiếng tại làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An.

Lễ cúng tiền hiền là nét đẹp văn hóa nổi bật ở làng mộc Kim Bồng, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam từ nhiều năm nay. Đã thành thông lệ, từ sáng sớm 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, cư dân làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim chuẩn bị chu đáo, tươm tất các mâm lễ cúng dâng lên các bậc thánh thần, cầu mong một năm thịnh vượng, phát triển.

Lễ cúng Tiền hiền Kim Bồng tại Đình Tiền hiền Kim Bồng, Hội An vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm
Lễ cúng Tiền hiền Kim Bồng tại Đình Tiền hiền Kim Bồng, Hội An vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm

Các phẩm vật dâng lên các vị tiền hiền, tổ tiên đều được trồng trọt và chăn nuôi từ chính làng quê ven sông Thu Bồn. Trong mâm cúng thường không thể thiếu gà trống hoặc đầu heo…

Ngoài lễ cúng tiền hiền, năm nay thành phố Hội An cùng UBND xã Cẩm Kim tổ chức Ngày hội văn hóa làng nghề truyền thống Kim Bồng quy mô hoành tráng, lớn nhất từ trước đến nay, với nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.

Nghề dệt chiếu làng Kim Bồng từng nổi tiếng ở Hội An
Nghề dệt chiếu làng Kim Bồng từng nổi tiếng ở Hội An

Đất Kim Bồng từng nổi tiếng với nghề mộc đóng thuyền, mộc xây dựng và mộc dân dụng. Phần lớn các công trình kiến trúc gỗ tại Hội An đều được xây dựng từ bàn tay người thợ Kim Bồng cùng những nét chạm trổ tinh tế, tỉ mẩn của các nghệ nhân. 

Không chỉ là chủ nhân xây dựng các công trình gỗ tại địa phương, nghệ nhân làng Kim Bồng còn ra Bắc vào Nam, góp thêm tinh hoa cho nghề mộc truyền thống Việt Nam trong bối cảnh thương cảng quốc tế Hội An.

Nghề mộc đóng tàu Kim Bồng hiện nay vẫn còn được giữ gìn...
Nghề mộc đóng tàu Kim Bồng hiện nay vẫn còn được giữ gìn...

Tại ngày hội đã diễn ra các hoạt động trình diễn ngành nghề thủ công truyền thống như mộc, dệt chiếu, cùng các gian hàng sản vật phong phú, đa dạng như bắp Kim Bồng, chuối, rau hữu cơ… Các món ăn đặc sản Hội An như cao lầu, mì Quảng, bánh đập cũng góp mặt, mang đến nhiều sắc thái khác nhau, tạo thêm điểm nhấn cho lễ hội.

Nghệ nhân làng Kim Bồng tận tay hướng dẫn du khách làm mộc
Nghệ nhân làng Kim Bồng tận tay hướng dẫn du khách làm mộc
Đông đảo du khách thích thú tham quan làng mộc
Đông đảo du khách thích thú tham quan làng mộc

Các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, ném vòng, cùng các nghề truyền thống như dệt chiếu, điêu khắc gốc tre cũng được tái hiện sinh động.

Ngoài ra, ngày hội còn tổ chức các hoạt động vui nhộn giàu giá trị văn hóa truyền thống như các trò chơi dân gian, hô hát bài chòi, hát hò khoan… bơi ghe trên dòng sông Thu Bồn; nghề rớ chồ, nghề lưới rọ, nghề lưới bén, vãi chài… đua ghe ngang cùng cộng đồng.

Đặc biệt trình diễn nghề mộc, cưa đợi, đan thúng chai, đan tre truyền thống mang đến trải nghiệm độc đáo, mới lạ thu hút du khách và người dân địa phương.

“Cưa đợi” là một khâu quan trọng với nghề mộc truyền thống. Một người kéo, một người đợi để tiếp tục ở 2 đầu, phối hợp nhịp nhàng nên được gọi là cưa đợi
“Cưa đợi” là một khâu quan trọng với nghề mộc truyền thống. Một người kéo, một người đợi, phối hợp nhịp nhàng nên được gọi là cưa đợi

Nghi thức Phạt mộc - một trong những lễ nghi quan trọng của cư dân làm mộc xưa cũng được tái hiện bởi nghệ nhân Huỳnh Ri - nghệ nhân lớn tuổi và nổi tiếng tại làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim.

Theo lời kể của các bậc cao niên, trước khi bắt đầu tiến hành xây dựng các công trình lớn cho kinh đô hoặc các ngôi nhà cổ tại phố cổ Hội An, ông bà thường sắm lễ cúng mang tên Phạt mộc dâng lên tổ nghề, nhằm cầu mong mọi sự thuận lợi, may mắn.

Nghệ nhân Huỳnh Ri tái hiện nghi thức quan trọng Phạt Mộc trên sân khấu
Nghệ nhân Huỳnh Ri tái hiện nghi thức quan trọng "Phạt mộc" trên sân khấu

Làng mộc Kim Bồng với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, cùng sự khéo léo, trí sáng tạo không ngừng của con người đã tạo nên tiếng vang cho nghề mộc truyền thống tại địa phương.

Các nghệ nhân làng Kim Bồng xưa đã đi khắp các vùng miền trên cả nước, xây dựng nhà cửa, kinh đô cho các vua Nguyễn, và nay các sản phẩm mộc Kim Bồng được chu du trên khắp Việt Nam, các sản phẩm quà lưu niệm độc đáo còn sang tận nước ngoài.

Khi Hội An đã trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, thì làng mộc Kim Bồng và các làng nghề khác cũng đứng trước cơ hội bảo tồn và phát triển mạnh mẽ.

Thông qua sáng kiến đã cam kết với UNESCO, tương lai làng mộc Kim Bồng - nơi khơi nguồn sáng tạo sẽ tiếp tục tạo đà để các nghệ nhân nói riêng và cư dân làng quê sinh thái, ốc đảo xanh của Hội An cùng “cất cánh”, phát triển kinh tế làng nghề truyền thống một cách hữu hiệu, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng.

Huỳnh Kim Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI