Vàng son thuở ấy

28/03/2022 - 17:17

PNO - Sài Gòn đổi thay qua bao biến động thời cuộc, nhưng trong tâm tưởng nhiều người vẫn là thành phố gắn với nỗi nhớ, cho dù người ta đang xa nó hay đang sống ngay trong lòng nó.

Nuôi dưỡng tình yêu với Sài Gòn xưa qua lời kể của ông bà, cha mẹ, từ năm 2017, họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm nuôi ý định tái hiện hình ảnh Sài Gòn xưa theo phong cách digital art.

Bằng sự dụng công, tỉ mẩn của người làm công việc artwork; niềm say mê và tình yêu vô điều kiện dành cho Sài Gòn; động lực từ gia đình, đặc biệt là mẹ và với kiến thức tích lũy dày dặn, trong quyển sách này, Liêm đã vẽ hàng loạt bức tranh lớn, khắc họa các dinh thự, hội quán, đền chùa, miếu mạo nổi bật của Sài Gòn xưa.

Theo bước chân Lâm Nguyễn Kha Liêm, độc giả được dịp thưởng lãm những phòng trà, rạp hát của người Hoa và Việt, ngắm nhìn thêm một lần nữa hình ảnh rực rỡ một thời của những đoàn cải lương, những bức chân dung người nổi tiếng theo lối chụp của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu... Đằng sau mỗi chi tiết nhỏ trong tranh đều cho thấy sự dụng công tìm tòi và tỉ mẩn của Liêm.

Nhà báo Phạm Công Luận, tác giả nhiều bộ sách nổi tiếng về Sài Gòn, xem những bức tranh của Liêm đã không ngừng kinh ngạc và dành cho người bạn nhỏ hơn anh đến hai con giáp một sự yêu mến đặc biệt. Anh viết: “Dù đã xem kỹ từng bức tranh, tôi vẫn có cảm hứng khi xem lại. Đó có thể là từ cách Liêm nghiên cứu, tìm tòi để vẽ trang lót theo kiểu hoa chúc cổ điển thường thấy trong trang lót sách từ điển xưa, các hình vẽ mô phỏng cách vẽ quảng cáo trước năm 1975 hay phong cách vẽ bìa tuồng cải lương và tờ nhạc rời trước đây hoặc cách mô phỏng màu hồng kiểu in typo các tờ rơi giới thiệu tuồng cải lương, phim chiếu rạp… ngày xưa.

Nhiều bức tranh Liêm vẽ nhà cửa, đường phố, đền chùa, con người đẹp và tỉ mỉ, màu sắc tương phản, mạnh. Độc đáo nhất là bộ tranh kiếng tuồng tích Trung Hoa vẽ trên các xe mì người Hoa được tái hiện sống động. Liêm khéo léo dùng đường nét và màu sắc trong tạo hình, đủ gợi nhớ mạnh mẽ một thời đã qua…”.

Có lẽ vì thế, Phạm Công Luận đã nhận lời Liêm làm công việc cũng nhọc nhằn không kém: viết lời cho những bức tranh. “Đến khi bắt tay vào mới thấy khối lượng công việc không hề nhỏ và phải tra cứu mất rất nhiều thời giờ, để viết nội dung theo tranh đã vẽ. Rất may, cuối cùng bản thảo cũng đã thành hình (mong là nếu có sai sót thì nhỏ thôi). Tôi cũng giúp Liêm biên tập lại một số tranh, bỏ bớt ra và vẽ thêm cho đầy đặn” - nhà báo Phạm Công Luận chia sẻ.

Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ gồm 284 trang in màu, bìa cứng, tặng kèm bốn bức tranh kỷ niệm về Sài Gòn có thể tách rời thành tranh riêng để treo thưởng lãm.

Theo Liêm, anh chọn khổ sách đặc biệt 42,5cm x 20cm theo ý tưởng màn ảnh đại vĩ tuyến, tạo cảm giác mỗi chủ đề nối tiếp nhau như trong một cuốn phim tua chậm. Nền giấy bóng mượt giúp các chi tiết, hoa văn và các lớp màu sắc trong tranh được thể hiện rõ nét, sống động. 

Lê Phan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI