Văn học thiếu nhi mùa hội tụ hương sắc

23/02/2025 - 09:24

PNO - Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất (giai đoạn 2023-2025) đã nhận về hàng trăm bản thảo dự thi. Các tác phẩm ra mắt thời gian qua cũng cho thấy sự đa dạng đề tài, thể loại cũng như lực lượng viết đông đảo từ nhiều thế hệ.

Rôm rả đầu năm

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa trình làng một loạt tập thơ thiếu nhi: Chú dế đêm trăng (Mai Quyên), Hạt bắp vỗ tay (Nguyễn Thánh Ngã), Một cái ôm thật to (Hoàng Ngọc Diệp), Trắng mây tóc mẹ (Trương Anh Tú)… Trước đó, nhà thơ Lê Minh Quốc ra mắt tập thơ Viết trên lá mới và mới đây, nhà thơ Hồ Huy Sơn và cây bút trẻ Phát Dương cũng vừa chia sẻ trên trang cá nhân bìa các tập thơ sắp phát hành: Trái tim của đảo và Xứ nước. Phần lớn trong số đó là các tác phẩm tham dự giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất (giai đoạn 2023-2025, thời hạn nhận bản thảo dự thi đến hết tháng 3/2025).

Một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn tên tuổi
Một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn tên tuổi

Kể từ loạt 5 truyện dài dự thi ra mắt lần đầu vào tháng 6/2024, đến nay, giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng đã công bố thêm nhiều tác phẩm được in sách: Nhảy lên và hét (Phong Điệp), Hải âu đi tìm cha (Trần Thu Hằng), Mùa rễ ngọt (Võ Diệu Thanh)… Cuộc hội tụ của những cây bút khắp 3 miền đã mang đến các tác phẩm khai thác những không gian văn hóa rất khác nhau. Tuổi thơ ở vùng đồng bằng, miền ven biển lẫn núi rừng sơn cước đều xuất hiện trong các tập thơ và truyện dài. Bên cạnh đó là những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình thầy trò, bè bạn, ký ức và kỷ niệm thời thơ ấu. Lồng ghép trong nhiều tác phẩm còn là những thông điệp ý nghĩa về môi trường, bảo vệ rừng xanh biển bạc và góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn trẻ thơ.

Dù chưa đến ngày công bố kết quả và trao giải nhưng đã diễn ra nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của bạn đọc: nhà văn Niê Thanh Mai giới thiệu tác phẩm Cánh diều hình nốt nhạc tại quê nhà Đắk Lắk, nhà văn Trần Thu Hằng có buổi giao lưu với bạn đọc nhỏ tuổi tại Đồng Nai, nhà văn Võ Diệu Thanh tổ chức tọa đàm giáo dục chủ đề “Đứa trẻ tự trở mình” tại không gian Đường sách TPHCM…

Đáng chú ý là tác phẩm Đại náo nhà ông ngoại của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy dự thi giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất đã được vinh danh tại giải Sách hay năm 2024.

Cuộc hội ngộ của nhiều thế hệ

Cuộc hội ngộ của các cây bút viết cho thiếu nhi những năm qua còn cho thấy lực lượng sáng tác đông đảo từ thế hệ 5X đến 9X và gen Z. Những năm trước, các giải thưởng văn học thiếu nhi gọi tên Bình Ca (giải Dế Mèn với truyện dài Đi trốn), Trung Sỹ (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Thung lũng Đồng Vang), Lý Lan (giải Hiệp sĩ Dế Mèn với Tự truyện một con heo)…

Với giải thưởng Văn học Kim Đồng lần này, bạn đọc được “gặp” nhà văn Nguyễn Quang Lập (với Thám tử Hai Da, Tàu Lá Chuối và thằng Giôn), Sương Nguyệt Minh (Mùa động rừng), Y Ban (Tớ tên là Hy Vọng)… Họ đều là những tên tuổi của văn đàn đã gặt hái nhiều thành tựu với truyện ngắn, tiểu thuyết dành cho người lớn.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập) vốn nổi danh với những tác phẩm thời hậu chiến: Tiếng gọi phía mặt trời lặn, Những mảnh đời đen trắng…, tác giả kịch bản phim Thung lũng hoang vắng, Đời cát… Năm 2020, ông viết truyện dài thiếu nhi Nhớ mùa sim chín về tuổi thơ đồng quê Bắc Trung Bộ. Trở lại với bạn đọc nhỏ tuổi lần này là câu chuyện về thám tử “thần đồng” Hai Da cùng các bạn trong hành trình khám phá những điều bí ẩn, ly kỳ. Còn với nhà văn Sương Nguyệt Minh, Mùa động rừng là tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tay sau hàng loạt các tác phẩm ấn tượng, được trao các giải thưởng văn chương qua hơn chục năm (từ 1996-2015). Câu chuyện là cuộc phiêu lưu của chú Cún Vàng giữa núi rừng Tam Điệp với những điều bất ngờ, hồi hộp nhưng cũng để lại nhiều suy ngẫm về thông điệp “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Cuộc “điểm danh thế hệ” còn có các nhà văn từng được trao giải thưởng Sách Quốc gia: Hồng Chiến (sinh năm 1956) với Chuồn chuồn ớt tìm mẹ, Quà Tết của rừng xanh…; Lê Đức Dương (sinh năm 1967) với Đảo thần kiếm, Cá voi Eren đến hòn Mun, Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh; Nguyễn Khắc Cường với Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch, Nụ hôn dưới vòm cây, Kho báu trong thành phố... Dấu ấn của thế hệ 8X-9X gọi tên các nhà văn: Võ Thu Hương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Văn Thành Lê, Lê Quang Trạng…

Các tác giả cùng nhau làm nên sự tiếp nối trong dòng chảy văn học thiếu nhi thời gian qua còn có Mộc An, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Thủy Nguyên, Cao Nguyệt Nguyên, Lạc An… Mỗi người một sở trường về đề tài, phong cách và dấu ấn riêng từ những không gian văn hóa nơi mình sinh sống. Tất cả cùng góp phần cộng hưởng, làm nên những mùa văn học thiếu nhi luôn tươi mới, sôi động, nhiều dấu ấn.

Bên cạnh giải thưởng Văn học Kim Đồng (sẽ tiếp tục ra mắt thêm nhiều tác phẩm mới trong thời gian tới), giải thưởng Văn học thiếu nhi TPHCM lần thứ nhất cũng đang trong những ngày cuối cùng nhận tác phẩm dự thi. Kết quả các giải thưởng đều sẽ chính thức được công bố vào mùa hè năm nay, hứa hẹn văn học thiếu nhi sẽ có thêm một mùa mới đầy hương sắc.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI