Nghệ sĩ Việt đối thoại cùng world music

24/02/2019 - 12:00

PNO - Một nghệ sĩ nổi danh với các nhạc cụ dân tộc và một nghệ sĩ Việt kiều từng 2 lần ngồi ghế giám khảo giải Grammy cùng đối thoại với world music -thể loại âm nhạc được xem là biểu hiện của toàn cầu hóa.

Một nghệ sĩ nổi danh với các nhạc cụ dân tộc và một nghệ sĩ Việt kiều từng 2 lần ngồi ghế giám khảo giải thưởng âm nhạc danh giá nhất thế giới - Grammy, ở hạng mục world music. Ngô Hồng Quang và Võ Vân Ánh (Vanessa Võ) cùng đối thoại với world music - thể loại âm nhạc được xem là biểu hiện của toàn cầu hóa.

Nghe si Viet doi thoai cung world music
Võ Vân Ánh (Vanessa Võ) 

Toàn cầu hóa là sự sẻ chia

Phóng viên: Nhiều người bảo world music là xu hướng âm nhạc hiện nay. Chị có nghĩ thế không?

Nghệ sĩ Vanessa Võ: Tôi cũng không để ý world music có phải là xu hướng hay không, vì tôi đã chọn con đường này từ lâu rồi. Song tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, người trẻ cũng sẽ quay về với mạch nguồn của mình. Con đường tôi đi là con đường chia sẻ những nét đẹp của văn hóa Việt; lấy nó làm gốc rễ, để từ đó, trồng nên một cái cây mới, nở hoa và kết trái, kết hợp với nhịp đập, hơi thở của thế giới, của giới trẻ. Ai cũng muốn tự hào về cái gốc của mình. Khi chơi nhạc, tôi chỉ mong người nghe cảm thấy đó là nhạc dân tộc của tôi và tôi là người Việt Nam.

Nghe si Viet doi thoai cung world music
Nghệ sĩ Võ Vân Ánh

* Khi nói về world music, người ta hay nhắc chuyện “địa phương” và “toàn cầu”. Trong dòng chảy toàn cầu hóa đó, đâu mới là Việt Nam?

Vanessa Võ: Toàn cầu hóa là sự chia sẻ, ảnh hưởng và được/chịu ảnh hưởng; trong đó chia sẻ là rất quan trọng. Khi ta chịu chia sẻ, ta mới hiểu được sự khác biệt của những nền văn hóa khác. Hiểu được thì mới tôn trọng và tạo ra những sản phẩm đẹp, để có thể cùng nhau đi xa. Tất nhiên, làm gì thì làm, tôi luôn tâm niệm, phải làm sao để văn hóa Việt Nam được nổi bật; nhưng phải trên tinh thần tôn trọng, chứ không phải kiểu “cành thấp cành cao”. Sân chơi phải ngang bằng, bình đẳng mới chơi được lâu. Lúc nào cũng nghĩ đến bản thân mình thì sẽ không đi đến đâu cả. Có câu ngạn ngữ thế này: “Nếu bạn muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa thì nên đi cùng nhau”.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang: Để hiểu bản sắc được định vị thế nào trong toàn cầu hóa, ta phải hiểu bản chất của bản sắc. Hiểu đúng, hiểu sâu về nó trước rồi mới tính bước tiếp theo. Ngô Hồng Quang xuất phát từ điểm nhìn đó để ra đi, biết đi như thế nào và cần những gì. Tôi đang làm công việc toàn cầu hóa trên nền tảng truyền thống bền vững, bằng cách sáng tạo những sản phẩm riêng cho mình và người khác, dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam.

Nếu khư khư ôm lấy kho tàng truyền thống, nhìn nó bất di bất dịch như “bảo tàng” thì lại không được. Muốn nó thú vị, dịch chuyển, vận động, buộc phải toàn cầu hóa. Khi đó, yếu tố “địa phương” cũng không phải là yếu tố đứng yên nữa và bản sắc văn hóa gốc trở thành “chữ ký” nhận dạng của mình.

Nghe si Viet doi thoai cung world music

Âm nhạc dân tộc không đứng im

* Cách đi sẽ là…?

Ngô Hồng Quang: Ngày xưa, khi chưa đi học ở Hà Lan, tôi cũng chỉ là nghệ sĩ chơi đàn truyền thống, hát chèo, xẩm, cải lương nguyên bản. Thuận lợi là nó tạo ra sự tò mò nơi khán giả châu Âu và mình đang làm đúng chức năng của mình. Nhưng để khán giả nước ngoài thẩm thấu được âm nhạc Việt Nam và chiêm nghiệm nó một cách sâu sắc thì họ không cảm được.

Sau quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với bên ngoài, tôi nhận thấy, nếu mình cứ “chơi” thuần túy dân tộc như vậy, rất dễ gây buồn ngủ, vì thiếu tính hấp dẫn, tính kết nối nghệ sĩ - khán giả. Điều đó buộc tôi phải bước thêm một bước nữa, đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới bằng những sáng tạo và kết hợp với các nghệ sĩ thế giới, chơi cùng với họ, xây dựng các tác phẩm mới trên chất liệu âm nhạc truyền thống. Ngô Hồng Quang chơi nhạc, sáng tác nhạc ở vị trí của một nghệ sĩ dân tộc thời nay, chứ không phải vị trí của một nghệ nhân, làm việc theo kiểu bảo tồn, bảo tàng.

Về đồi non - nghệ sĩ Ngô Hồng Quang:

 

* Cảm giác của anh, chị khi thấy nhạc cụ của Việt Nam trên sân khấu toàn cầu hóa?

Vanessa Võ: Hết sức thú vị. Chúng cho mình cảm giác được bước chân vào một cuộc du ngoạn mới, mà bước ngoặt tiếp theo mình không biết sẽ đi đến đâu. Tôi không nghĩ nhạc Việt Nam là thứ âm nhạc đứng nguyên một chỗ, mà nó vẫn đang trên con đường vận động và phát triển.

Ngô Hồng Quang: Bằng cách biểu diễn và hát, sử dụng đàn môi, hát tiếng Mông, chơi đàn tính và một số nhạc cụ của Tây Nguyên… tôi đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Ở những sân khấu hàng ngàn người, khán phòng vài trăm người, cũng có khi chỉ vài chục người trong rừng sâu. Cảm giác rất “phê”. Tôi nghĩ, đó là cả một quá trình tôi nhận được nhiều năng lượng từ sự tiếp cận văn hóa, trong một thể thống nhất mà đa dạng. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ khi biết mình muốn gì và đi con đường của mình.

Nghe si Viet doi thoai cung world music
Ngô Hồng Quang

* Nhưng thứ âm nhạc quyến rũ thế giới đó, lắm khi, lại bị chính khán giả trong nước “ghẻ lạnh”…

Vanessa Võ: Có thể họ chưa có cơ hội được biết chăng? Tôi nghĩ, khi có dịp hiểu âm nhạc dân tộc chi tiết, thú vị, khó ai có thể từ chối được sự quyến rũ của nó.

Ngô Hồng Quang: Mục đích của âm nhạc là tạo ra cảm xúc, nhưng khán giả không cảm được là do họ hạn chế về phông văn hóa. Khán giả ở ta thường thích nghe nhạc có lời hơn nhạc không lời. Âm nhạc đâu có đơn giản và giới hạn vậy. Nhiều bạn bè quốc tế từng hỏi, tại sao nhạc Việt Nam lại có vẻ “cheap” đến thế (“cheap” mang hàm ý “rẻ tiền” - PV). Chúng ta hiện đang bảo tồn truyền thống theo phong trào, trong khi đó, nền âm nhạc đã bị pop hóa, mà cũng chỉ ở mức độ nông chứ không sâu. Cũng khó trách được, vì chúng ta đang trên đà phát triển, phải tập trung phát triển kinh tế nhiều hơn văn hóa.

Nhưng tôi nghĩ, bên cạnh kinh tế, đời sống tinh thần của chúng ta cũng quan trọng không kém. Văn hóa - nghệ thuật đang bị bỏ quên, chưa đầu tư đúng mức. Hy vọng thời gian tới, mọi thứ sẽ thay đổi. So với mấy năm trước, bây giờ, mọi người cũng đã bắt đầu quan tâm tới những giá trị cốt lõi rồi.

Nghệ sĩ Võ Vân Ánh trình diễn đàn tranh:

 

* Gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc của các nước, anh, chị thấy đâu là nét khác biệt của nhạc dân gian Việt Nam?

Vanessa Võ: Hồn âm nhạc dân tộc Việt Nam nằm ở tay trái. Tay trái của một nghệ sĩ chơi đàn dân tộc rất quan trọng. Họ dùng tay trái để tạo nên sự nhấn nhá, sự khác biệt trong âm thanh. Đó chính là từ ngôn ngữ của dân tộc chúng ta. Ta có 6 thanh, vần điệu khác nhau. Sự thay đổi đó, phải dùng tay trái để thay đổi, đó là điều khác biệt với âm nhạc của các nước khác.

Ngô Hồng Quang: Cái còn lại sau hơn một thập niên giao thoa ra bên ngoài của Ngô Hồng Quang chính là văn hóa gốc, là lõi văn hóa của mình. Khi nghe nhạc Ngô Hồng Quang, nhận diện được ngay. Bởi lẽ, khi tôi sáng tác một ca khúc mới, chắc chắn tôi sẽ chọn ngũ cung, chọn nhấn nhá bằng xẩm, ca trù, quan họ… Và dù có biến báo, biến tấu thế nào đi nữa, âm nhạc tôi theo đuổi vẫn là thứ âm nhạc quay về với tinh thần Việt. Làm được điều đó không dễ, nhưng nếu làm được thì lại rất hay, vì đó là sản phẩm mới, nhưng mang ý nghĩa truyền thống, thay vì một sản phẩm vu vơ mà thiếu chất văn hóa.

Nghe si Viet doi thoai cung world music

* Cảm ơn chia sẻ của anh, chị. 

Ngô Hồng Quang tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và hoàn thành chương trình thạc sĩ Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Lan, chuyên ngành sáng tác âm nhạc đương đại. Anh biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc, mang âm nhạc dân tộc đi khắp thế giới. Những dự án âm nhạc độc đáo kết hợp giữa nhạc dân tộc và âm nhạc phương Tây Ngô Hồng Quang đã từng thực hiện gồm: Song hành (2012), Hanoi Duo (2017), Nam nhi, Nhìn lại (2018)

Vanessa Võ (Võ Vân Ánh) là nghệ sĩ gốc Việt, mang âm thanh của đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn bầu, T’rưng, K’lông pút, trống dân tộc - những nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam bước ra thế giới. Chị từng trình diễn cùng nhóm Kronos Quartet tại Thế vận hội Olympic năm 2012, từng nhận đề cử giải Oscar 2003 ở hạng mục nhạc phim cho bộ phim Daughter from Danang; giải Emmy Awards 2009 (được xem là giải Oscar của phim truyền hình) với soundtrack phim tài liệu Bolinao 52; Top 10 những CD hay nhất thể loại world music tại Mỹ và Top 50 những CD hay nhất của tất cả các thể loại âm nhạc tại Mỹ năm 2013 cho CD Three mountain pass; từng cộng tác với nhiều tên tuổi danh tiếng như nghệ sĩ cello bậc thầy Yo - Yo Ma, nhà làm phim tài liệu Ken Burns...

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI