Ngô Hồng Quang: chỉ nói chuyện nhạc thôi đã hết ngày

19/03/2017 - 12:46

PNO - Ngô Hồng Quang là nhạc sĩ trẻ đang làm việc tại Hà Lan sau một thời gian du học. Anh là cái tên mà rất nhiều nghệ sĩ muốn kết hợp những khi họ định “làm gì đó” liên quan đến âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Quang lúc nào cũng đầy cảm hứng với âm nhạc truyền thống, anh mê những cây đàn nhị, đàn tính… 

Ngo Hong Quang: chi noi chuyen nhac thoi da het ngay
Ngô Hồng Quang trên sân khấu cùng nghệ sĩ Nguyên Lê


Tình yêu với âm nhạc dân tộc cộng với nhiệt huyết tuổi trẻ khiến anh luôn tìm tòi cái mới mẻ trong loại hình âm nhạc tưởng chừng như đã được định hình lâu đời, khó lòng thay đổi được gì. Quang muốn mang âm nhạc Việt Nam đi thật xa, muốn khán giả ở nhiều nơi trên trái đất này biết rằng âm nhạc của đất nước anh đẹp đẽ đến dường nào.

Anh say sưa nói về âm nhạc đến mức khiến người khác nghĩ rằng Quang chỉ nói về chuyện nhạc thôi thì đã hết ngày và việc “lèo lái” anh sang một chủ đề khác chẳng dễ dàng. Nhưng Quang không chỉ nói, rất nhiều khán giả đã lặng người đi khi tiếng đàn của anh vang lên. 

- Anh chơi các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam từ năm 13, 14 tuổi. Cái duyên để anh đến với âm nhạc dân tộc như thế nào và điều gì khiến anh gắn bó đến giờ?

- Trước lúc đi học tại Nhạc viện Hà Nội, tôi thường được nghe ông nội chơi đàn nhị. Tôi rất gần gũi với ông nội, có lẽ đây là cái duyên lớn nhất đã dẫn tôi đến con đường âm nhạc chuyên nghiệp sau này. Tôi càng yêu âm nhạc dân tộc khi hiểu hơn về vẻ đẹp của âm nhạc ngũ cung và sự gắn kết của nó đối với ngôn ngữ cũng như tư duy của người Việt. 

- Ông nội kết nối anh với âm nhạc thật sớm nhưng may mắn hơn đó cũng chính là niềm đam mê của anh để anh không phải loay hoay đi tìm chính mình như nhiều bạn trẻ khác. Anh có nghĩ vậy không?

- Đúng thế, và may mắn hơn nữa là bố đã phát hiện ra năng khiếu của tôi từ khi còn nhỏ và hướng tôi theo con đường nghệ thuật. Tôi phải cảm ơn bố nhiều lắm.

- Tour diễn Hanoi Duo ở Hà Nội, Huế, TP.HCM và một số quốc gia khác vừa qua đã được cả giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao. Tiết mục cuối cùng khép lại, họ đồng loạt đứng lên vỗ tay không ngừng, hẳn điều đó đã đem lại cho anh và các nghệ sĩ nhiều cảm xúc?

- Tôi bắt đầu có ý tưởng về Hanoi Duo ngay sau khi tôi được mời tham gia các show diễn tam tấu Saiyuky của nghệ sĩ Nguyên Lê (nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng thế giới). Sau những lần lưu diễn đó, tôi nhận thấy mình thực sự có sự kết nối với thể loại âm nhạc của Nguyên Lê. Tôi đã đề xuất ý tưởng kết hợp với nghệ sĩ Nguyên Lê làm gì đó liên quan đến Việt Nam và cuối cùng ý tưởng đã thành hiện thực như 
mong muốn.

Niềm vui sau các buổi diễn thật khó tả. Tại Việt Nam, khán giả biểu hiện cảm xúc của họ hết sức mãnh liệt và hồ hởi. Có lẽ là vì tôi hát rất nhiều bài bằng tiếng Việt và họ cũng nhìn thấy được sự kết nối ăn ý trong âm nhạc giữa tôi và Nguyên Lê. Tại Pháp thì khán giả không muốn ra về sau khi hết show, họ muốn níu kéo cảm xúc vui đó đến hết đêm. Đối với tôi, đây là niềm vui vô bờ bến.

Tin vui là Hanoi Duo đã có lịch lưu diễn tại rất nhiều nước châu Âu trong năm nay và tôi tin sẽ có nhiều show tiếp đó nữa.

Ngo Hong Quang: chi noi chuyen nhac thoi da het ngay
 

- Một hãng đĩa ở châu Âu đã tài trợ cho nhạc sĩ Nguyên Lê và anh phát hành CD Hanoi Duo - một CD rất Việt Nam, trong khi thực tế là ở Việt Nam anh chẳng dễ dàng gì để có được những tài trợ như vậy. Anh nói sao về điều này?

- Vấn đề có vẻ nghịch lý nhưng cũng dễ hiểu. Những sản phẩm tôi làm ở Việt Nam trước đây đều là do tôi tự tổ chức sản xuất. Tôi đã tìm nhiều cách để tiếp cận các nhà đầu tư tài trợ nhưng không thành công. Một phần là thể loại âm nhạc của tôi đang theo đuổi không phổ thông và khá kén người nghe, phần khác là những nhà tài trợ cũng cần nhận được gì sau khi tài trợ.

Những sản phẩm tôi làm ở châu Âu (Song hành, Hanoi Duo) được họ hưởng ứng ngay. Tôi thấy họ khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường, hơn nữa họ nhận thấy được tiềm năng nghệ sĩ cũng như sản phẩm của tôi và các nghệ sĩ kết hợp.

- Những tham vọng tiếp theo của anh trong âm nhạc là gì?

- Sẽ là các dự án có liên quan đến âm nhạc truyền thống nhưng ở nhiều định hướng mở, như kết hợp với các khí nhạc phương Tây hoặc khoác lên nó những tấm áo mới mang hơi thở đương đại.

- Anh luôn nói rằng âm nhạc ngũ cung của Việt Nam rất đẹp. Anh có thể diễn tả cái đẹp ấy bằng lời?

- Trước tiên nó đẹp bởi sự gắn kết rất đặc biệt với tiếng Việt. Với sự uyển chuyển của sáu âm điệu trong ngôn ngữ, âm nhạc ngũ cung cũng uyển chuyển bởi những ngữ âm đó để phù hợp với ngữ nghĩa của ngôn từ. Hơn nữa, những đường nét hoa mỹ trong nhạc ngũ cung của Việt Nam còn thực sự riêng biệt.

Những nét rung nhấn, vuốt, láy… của các thể loại nhạc truyền thống rất đa dạng. Sự đa dạng này không tồn tại ở một thể loại âm nhạc mà còn hiện diện trong rất nhiều thể loại khác nhau của nhiều nhóm dân tộc khác nhau trên đất nước ta, tạo nên một nền âm nhạc dân tộc Việt đặc sắc.

- Xem anh biểu diễn và say sưa nói về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc, thì có thể tin rằng anh tha thiết muốn mang âm nhạc của mình đi xa, thật xa?

- Tôi đã làm điều này từ năm 2014. Đất nước đầu tiên tôi đi trình diễn nhạc dân tộc là Hàn Quốc. Tôi đã biểu diễn cho các giáo sư, giảng viên tại một trường đại học của Pusan. Qua lần diễn ấy tôi nhận thấy mình có khả năng làm công việc trình diễn âm nhạc dân tộc và sau đó tôi đi châu Âu trình diễn tại nhiều nước.

Công việc của tôi là trình diễn và giải thích các nhạc cụ cũng như văn hóa âm nhạc trên các vùng miền của Việt Nam cho khán giả các nơi. Tôi rất thích công việc này vì nó cho tôi thêm năng lượng sống và làm việc.

Ngo Hong Quang: chi noi chuyen nhac thoi da het ngay
 

- Ngoài tình cảm dành cho âm nhạc, có lẽ phần nào trách nhiệm công dân trong anh khiến anh luôn muốn khoe cái hay cái đẹp của dân tộc?

- Đúng vậy. Tôi rất yêu văn hóa âm nhạc Việt Nam. Tôi là người Việt Nam nên việc quảng bá hình ảnh Việt Nam rất thiết thực, nó cũng như quảng bá chính bản thân tôi vậy.

- Nói một cách thẳng thắn thì anh thấy âm nhạc dân tộc, nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã được đối đãi xứng đáng chưa, kể cả nghệ sĩ lẫn khán giả?

- Nói thực là chưa, nhiều lúc nghĩ tới tôi thấy buồn và nản chí. Việc nghệ sĩ nhạc dân tộc vẫn phải hàng đêm tới các nhà hàng để chơi nhạc dân tộc cho thực khách hoặc làm nhiều công việc khác nhau để có thêm thu nhập đủ thấy rằng họ phải lăn lộn thế nào để mưu sinh. Tôi nghĩ cần phải có những chính sách đề cao vai trò của những người đang làm văn hóa âm nhạc dân tộc, để tạo thêm động lực làm việc và giữ lửa cho âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Chính vì lăn lộn với mưu sinh nên nhiều khi người nghe lại không được thưởng thức trọn vẹn và đúng nghĩa với việc thưởng thức nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Tôi nghĩ nghệ sĩ nhạc dân tộc Việt Nam cần được tôn trọng và quan tâm hơn nữa.

- Có nghịch lý không khi khán giả quốc tế tò mò và muốn tìm hiểu về âm nhạc dân tộc Việt Nam, còn khán giả trong nước - đặc biệt là giới trẻ - rất thờ ơ với thể loại này? 

- Nghịch lý này tồn tại khá lâu rồi, từ lúc tôi mới bước chân vào con đường này. Tôi đã và đang làm mọi cách để có thể tiếp cận với nhiều khán giả trong nước hơn nữa, đặc biệt là khán giả trẻ.

Qua trải nghiệm tôi thấy, khán giả quốc tế tò mò vì họ rất thích những thứ mới lạ, họ có văn hóa nền về âm nhạc khá cao và thích học hỏi, điều này đã tạo cho tôi nhiều động lực trong việc quảng bá. Còn với khán giả Việt Nam, đặc biệt là người trẻ, họ được sống và nuôi dưỡng trong một môi trường âm nhạc mà sự lan tỏa đa dạng, phức tạp của âm nhạc pop, nhạc có lời rất mãnh liệt, âm nhạc là phải có lời. 

Việc truyền thông về âm nhạc truyền thống cũng chưa đủ mạnh đã khiến sức sống của âm nhạc dân tộc lịm đi trong sự im lặng. Tôi không nghĩ là người Việt Nam không thích nhạc truyền thống, vì qua những show diễn của tôi ở Việt Nam những năm gần đây, tôi thấy khán giả đã thay đổi tư duy và cũng đang hướng tới những điều mới mẻ trong cái truyền thống. Tôi tin vào tương lai của âm nhạc truyền thống ở Việt Nam.

Ngo Hong Quang: chi noi chuyen nhac thoi da het ngay
 

- Anh còn muốn tìm hiểu âm nhạc các dân tộc thiểu số của Việt Nam và các nước. Vì sao có sự yêu thích này?

- Chỉ đơn thuần là tôi rất thích những âm thanh và văn hóa âm nhạc của các dân tộc thiểu số đặc biệt sống ở miền núi tại Việt Nam cũng như các nước. Tôi thích sự đơn giản trong lối sống và cách tư duy của họ.

- Anh rong chơi trong âm nhạc: đánh đàn năm, sáu tiếng đồng hồ mỗi ngày không chán, tập tành các loại nhạc cụ và mặc sức thể nghiệm mọi thứ một cách thoải mái như thể không hề có một áp lực nào, không có sự hoang mang và cũng không có gì có thể ngăn cản được?

- Đúng thế. Tôi có thể sống trong môi trường mà xung quanh toàn là nhạc cụ dân tộc. Có lẽ tôi có duyên nợ với những thanh âm mê hoặc này!

- Hãy kể một chút về gia đình bạn, ngoài bạn ra còn có ai chơi nhạc không?

- Nhà tôi, ngoài ông nội chơi đàn nhị thì không có ai chơi nhạc cụ hay theo nghề này. Bố tôi là người rất có năng khiếu âm nhạc nhưng ông cũng không theo con đường này.

- Ngoài âm nhạc, những thứ khiến anh bận tâm tiếp theo sau là gì? 

- Tôi thích ngoại ngữ, nghiên cứu lịch sử và Phật giáo.

- Riêng về âm nhạc thì có thể hiểu rằng anh muốn vươn đến đỉnh cao, còn về những nhu cầu khác trong cuộc sống thì sao?

- Tôi sống khá đơn giản, nhưng không có nghĩa là tôi không quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Tôi cần một cuộc sống đủ chất lượng để sống khỏe và làm việc hiệu quả.

Hạnh Nhỏ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI