Văn hóa cồng chiêng đang "hồi sinh" ở Đắk Lắk

27/10/2020 - 18:21

PNO - Nghi lễ vòng đời người của dân tộc M’Nông ở huyện Lắk; các bài chiêng cổ của dân tộc Êđê ở huyện Ea H’Leo và Lời nói vần của dân tộc Êđê ở huyện Cư M’gar đã được lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cũng đã phục dựng được 5 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với cồng chiêng. Đây là những hoạt động mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho bà con trong sinh hoạt cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, các giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang chịu những tác động không nhỏ. Những không gian văn hóa cồng chiêng như nhà dài, bến nước, nương rẫy, môi trường… đứng trước nguy cơ mất dần.

Một buổi biểu diễn cồng chiêng tại nhà văn hóa cộng đồng
Một buổi biểu diễn cồng chiêng tại nhà văn hóa cộng đồng. Ảnh: Internet

Trước thực tế đó, công tác giữ gìn, bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh.

Từ năm 2016, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể như tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về văn hóa cồng chiêng; phục dựng, trình diễn các nghi lễ, lễ hội; cấp chiêng và trang phục truyền thống; đề nghị xem xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian; tổ chức giao lưu, liên hoan văn hóa cồng chiêng và thực hiện tốt các nội dung đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO... Đến nay, văn hóa cồng chiêng đang dần sôi động trở lại trong đời sống của cộng đồng các dân tộc ở Đắk Lắk.

Trong vòng 5 năm, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 26 bộ chiêng các loại và hàng trăm bộ trang phục truyền thống các dân tộc cho những đội chiêng có nhiều thành tích tiêu biểu ở các buôn trong tỉnh.

Tỉnh cũng mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng và sử thi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng, nhằm tiếp tục kế thừa di sản văn hóa cồng chiêng quý báu của cha ông để lại, tránh nguy cơ thất truyền.

Kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 8/2020, toàn tỉnh hiện có 2.098 bộ chiêng, trong đó 1.645 bộ chiêng Êđê, còn lại là  những bộ chiêng của các dân tộc khác như M’Nông, Giarai, Xơ-đăng… Văn hóa cồng chiêng của tỉnh Dắk Lắk đang hồi sinh mạnh mẽ.Ngày 27/10, Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 đã cho thấy nhiều kết quả khả quan.

Công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng đang được tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, góp phần bảo tồn và lan tỏa những giá trị của văn hóa cồng chiêng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

PV

 

 

 

           

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI