Vai trò ngày càng cao của các ông bố trong nuôi dạy trẻ

28/04/2022 - 06:51

PNO - Sự phân công lao động khuôn mẫu truyền thống trong đó nam giới đi làm và phụ nữ chăm sóc con cái không còn là mô hình chung của gia đình ngày nay. Đáng chú ý, nhiều ông bố đã trở thành người chăm sóc chính cho con cái cùng với quán xuyến việc nội trợ.

Lớp học cho những ông bố

Như một phần của hoạt động gây quỹ cho trường tiểu học địa phương, Annis Waugh đồng ý cung cấp các buổi hướng dẫn tết tóc cho phụ huynh và quyết định tổ chức riêng một lớp học với tên gọi “Bia và bím tóc” cho các ông bố. Dù ban đầu cô chỉ mong đợi một số ít người đăng ký nhưng đáng ngạc nhiên là lớp học đã nhanh chóng đầy chỗ, với hàng chục ông bố khác ghi tên vào danh sách chờ. 

Cô Waugh sống ở St. Albans (Anh), là chủ của tiệm làm tóc Braid Maidens, đã dạy các lớp tết tóc được gần một năm. Mục tiêu của Waugh khi tổ chức lớp học là tạo ra môi trường để mọi người cùng học tập, ở cùng một trình độ cơ bản. Waugh kể: “Tôi thực sự lo lắng trước khi bắt đầu lớp học”. Cô tự hỏi liệu những người đàn ông có thực sự muốn tham gia, hay do họ bị ép buộc bởi nửa kia của mình. Cô thừa nhận bản thân đã nghĩ rằng lớp học sẽ diễn ra theo cách đầy ngại ngùng và khó xử. Nhưng Waugh đã hoàn toàn sai, những ông bố thích nghi rất nhanh. 

 

 

Vai trò của các ông bố trong việc chăm sóc gia đình đang ngày càng cao hơn trong xã hội hiện đại - ẢNH: ISTOCK
Vai trò của các ông bố trong việc chăm sóc gia đình đang ngày càng cao hơn trong xã hội hiện đại - Ảnh: ISTOCK

Lớp học bắt đầu với bài học về cách chải và thắt tóc từ đơn giản đến nâng cao. Mặc dù lớp học cực kỳ vui nhộn bởi những câu đùa giữa những ông bố, đôi khi nó trở nên hoàn toàn im lặng với sự tập trung cao độ của học viên. John Hardern là một học viên nhiệt tình tham gia lớp học tết tóc của cô Waugh. Vợ anh gần đây đã đi làm trở lại sau thời gian giãn cách và anh phải chịu trách nhiệm chuẩn bị cho bốn cô con gái tóc dài từ 4 - 10 tuổi đi học vào mỗi buổi sáng. John thường tết tóc cho cả bốn chị em, từ thắt bím tóc hai bên cho đến tết tóc đuôi cá. John chia sẻ: “Những việc như thế này không thuộc về riêng giới tính nào cả. Khi vợ chồng tôi chia sẻ gánh nặng gia đình cho nhau, điều đó giúp các con phát triển tốt hơn”.

Thời đại của những ông bố nội trợ

Các ông bố ngày nay đang làm việc nhà nhiều hơn vì một số lý do, bao gồm cả sự thăng tiến ngày càng tăng của phụ nữ trong công việc và học vấn, cũng như sự thay đổi liên tục trong xu hướng kinh tế. Vào năm 2010, sau cuộc đại suy thoái, tổ chức Pew Research báo cáo rằng có khoảng 2,2 triệu ông bố nội trợ ở Mỹ giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tương tự trong bối cảnh đại dịch, cánh mày râu cũng gánh vác trách nhiệm chăm sóc con cái nhiều hơn. 

Zach Hefferen đã làm việc tại cùng một công ty trong 16 năm cho đến khi COVID-19 bùng phát. Anh quyết định cùng gia đình rời New York để đến không gian thoáng đãng hơn ở Maine. Zach nghỉ việc để chăm sóc ba đứa con và người cha già trong khi vợ anh làm việc từ xa. Zach kể: “Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình khi con trai tôi còn nhỏ, và khi hai cô con gái sinh đôi ra đời, mong muốn đó lại càng mạnh mẽ hơn”. Mặc dù Zach không bao giờ mong đợi đây là điểm kết thúc cho sự nghiệp của bản thân, nhưng những nỗ lực được đền đáp bằng sự phát triển hằng ngày của bọn trẻ là thành quả vô giá. Zach không biết liệu mình có quay trở lại đời sống văn phòng hay không, nhưng hiện tại, anh yêu gia đình và vai trò nội trợ này.

Nhiều người cho rằng các ông bố sẽ không tâm lý, ân cần như mẹ, nhưng khoa học chứng minh rằng sự chăm sóc của bố giúp trẻ có trí thông minh cảm xúc tốt hơn trong cuộc sống sau này và bản thân các ông bố cũng có sự thay đổi các hệ thống xử lý cảm xúc khác để “thấu hiểu” hơn. 

Một nghiên cứu vào năm 2021 do phó giáo sư xã hội học Kevin Shafer từ Đại học Brigham Young (bang Utah, Mỹ) thực hiện cho thấy, vai trò của bố có tác động lâu dài đến các nguyên tắc cá nhân và quan điểm văn hóa của trẻ em sau này. Cụ thể, cuộc khảo sát trên 2.500 ông bố tại Mỹ ghi nhận những người trải qua tuổi thơ với ít tình thương của bố có xu hướng sống khắc kỷ và không đánh giá cao những đóng góp của phụ nữ bên ngoài gia đình. Ngược lại, những người từng được bố nuôi dạy tốt sẽ có nhiều khả năng đạt được mục tiêu một cách lành mạnh, cởi mở hơn về mặt cảm xúc và tin tưởng vào quan hệ đối tác bình đẳng. Bên cạnh đó, các bà mẹ và đối tác nuôi dạy con khác cũng khỏe mạnh, hạnh phúc hơn khi các ông bố gắn bó nhiều với gia đình. 

Ngọc Hạ (theo Washington Post, Business Insider, CNBC)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI