Úc tăng cường nguồn cung cấp đất hiếm công nghiệp

19/08/2019 - 16:00

PNO - Theo Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds, nước này sẽ đẩy mạnh sản xuất đất hiếm và các kim loại công nghệ nhạy cảm khác về quân sự, giữa những nghi ngờ về độ tin cậy của nguồn cung cấp từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Linda Reynolds nói trong cuộc họp báo ở Perth vào trung tuần tháng Tám rằng, Úc giàu tài nguyên và có thể bảo vệ nguồn cung cho các đồng minh. Đất hiếm là tên gọi chung cho 17 loại khoáng chất ít gặp, được sử dụng trong mọi sản phẩm công nghệ, từ điện thoại thông minh và laser đến hệ thống điện tử hàng không và công nghệ chiến tranh điện tử. 

Uc tang cuong nguon cung cap dat hiem cong nghiep
Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Linda Reynolds thông báo kế hoạch tăng cường khai thác đất hiếm giữa lúc Bắc Kinh đe dọa cắt giảm nguồn cung toàn cầu

Trung Quốc sản xuất hơn 95% đất hiếm trên thế giới, và Mỹ phụ thuộc các lô hàng này, vốn chiếm hơn 80% lượng hàng đất hiếm nhập khẩu. Những căng thẳng thương mại gần đây khiến Trung Quốc đe dọa thắt chặt nguồn cung. Vì vậy, bà Reynolds nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn cung mới bên ngoài Trung Quốc của các đồng minh phương Tây.

Bà nói: “Ở Úc, chúng tôi có ít nhất 40% trữ lượng kim loại công nghệ đã biết, bao gồm lithium, coban, niken, than chì; cũng như sở hữu hầu hết các loại đất hiếm mà công nghệ hiện tại và lối sống của chúng ta ngày nay phải dựa vào”.

Bà nói thêm rằng, quan điểm gia tăng sản xuất được thảo luận rất lâu tại các cuộc tham vấn cấp bộ gần đây của Úc và trong nhiều cuộc thương thuyết với những đối tác từ Anh: “Những gì chúng tôi muốn làm là đảm bảo nguồn cung. Rất nhiều thiết bị và khả năng phòng thủ của chúng tôi sử dụng đất hiếm trong quá trình sản xuất. Đối với Úc, Mỹ và các đồng minh khác, sự cung cấp liên tục, đảm bảo các loại đất hiếm và kim loại công nghệ đã trở thành vấn đề quan trọng cấp quốc gia”.

Jeffrey Wilson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia, cho biết, có khoảng 350 triệu USD thương mại toàn cầu mỗi năm thuộc về thị trường đất hiếm, Trung Quốc nắm phần lớn thị phần về sản phẩm chế biến như carbonate và nam châm.

Trong trường hợp loại đất hiếm dysprosium, có thể được sử dụng trong nam châm cho xe điện hoặc thanh lò phản ứng hạt nhân, tỷ lệ nắm giữ thị phần của Trung Quốc là 100%. Theo ông Wilson: “Sự thống lĩnh gần như độc quyền của Trung Quốc về đất hiếm cho thấy thị trường quốc tế khó có nguồn cung cấp khác chất lượng, đáng tin cậy. Ngoài ra, sức mạnh bên ngoài thị trường cũng mang lại cho Bắc Kinh khả năng kiểm soát và định hình các mô hình thương mại toàn cầu”.

Thông báo của bà Reynolds đưa ra sau tin tức về thỏa thuận hợp tác giữa “gã khổng lồ” công nghiệp Đức Thyssenkrupp và một công ty khai thác đang phát triển dự án đất hiếm ở miền Bắc Úc.

Công ty Khoáng sản miền Bắc, trụ sở ở Sydney tuyên bố, Thyssenkrupp sẽ nhận 100% lượng carbonate đất hiếm từ dự án nhà máy thí điểm Browns Range trị giá khoảng 38 triệu USD. Trước đó, Công ty Khoáng sản miền Bắc vừa chấm dứt thỏa thuận hai năm với một doanh nghiệp Trung Quốc. Công ty Úc này đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất quan trọng đầu tiên của thế giới nằm ngoài Trung Quốc. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI