Tùy

23/10/2015 - 11:50

PNO - Em rất căng thẳng, không biết phải làm thế nào. Nếu em quyết định ly hôn, gia đình sẽ tan vỡ và bị đổ lỗi là em ghen tuông thiếu căn cứ.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Vợ chồng em lấy nhau 11 năm, có hai con. Trong ngần năm đó anh đã phản bội em hai lần. Một lần khi em đang mang thai đứa con thứ nhất, anh bị mẹ em bắt gặp vô nhà nghỉ với bồ. Lần đó em đã đưa đơn ly hôn. Anh tỏ ra hối hận, xin em tha thứ.

Vì không muốn gia đình tan vỡ, con sinh ra không có cha, nên em đã chấp nhận. Gần đây, em phát hiện trong điện thoại anh lại có hình ảnh, tin nhắn của một cô nào đó.

Em rất giận vì anh đã lợi dụng lòng tin của em. Em đề nghị ly hôn, anh chối biến, nói là không có bồ bịch gì hết, nhưng nếu em muốn ly hôn thì “Tùy em!”.

Em rất căng thẳng, không biết phải làm thế nào. Nếu em quyết định ly hôn, gia đình sẽ tan vỡ, mà còn bị anh đổ lỗi là do em ghen tuông thiếu căn cứ; nhưng em cũng không thể sống trong cảnh thiếu lòng tin như thế này.

Chồng em làm việc theo quy định của công ty, thường mỗi lần đi làm xa cũng bốn -sáu ngày mới về nhà một lần, em không quản được chuyện sinh hoạt bên ngoài.

Nếu chỉ mình em, em sẽ “tùy em” mà ly hôn ngay, nhưng giờ còn hai đứa con thơ, còn cha mẹ, công việc của em thu nhập cũng không tốt lắm, em không biết phải tính sao.

Thu Nhiên (TP.HCM)

Tuy
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Thu Nhiên thân mến,

Việc chồng em nói “Tùy em!” có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là đẩy quyền quyết định về phía em, em muốn sao anh ấy sẽ làm vậy, kể cả chấp nhận gia đình tan vỡ, mất vợ mất con. Nghĩa thứ hai là một kiểu thách thức - cô muốn làm gì tùy cô!

Có thể vì nắm rõ hoàn cảnh kinh tế gia đình, biết rõ tính nết của em, coi việc đề nghị ly hôn là một kiểu làm mình làm mẩy chứ không dám làm thật (như ngày xưa đã một lần), nên chồng em mới thách thức như thế.

Ở đây, theo nghĩa thứ nhất thì anh ấy cũng không thật sự có trách nhiệm lắm trong việc níu kéo, gìn giữ tổ ấm gia đình. Theo nghĩa thứ hai lại càng tệ hơn, thậm chí chồng em cũng không buồn giấu sự mệt mỏi, không còn kiên nhẫn để hối hận, năn nỉ, hứa hẹn như ngày xưa.

Rõ ràng là gia đình mình đang ở vào thế khó. Nếu em muốn giữ gia đình, phải toàn tâm toàn ý dốc sức vào việc đó, chứ không thể nửa muốn giữ, nửa cứ nói ngang rồi muốn ra sao thì ra.

Trường hợp em muốn tự do, muốn chấm dứt hôn nhân, thì cửa cũng đã mở, vấn đề là mình muốn gì mà thôi. Để xác định được mình đang muốn gì, em cần biết rõ mình có còn tình cảm với chồng nữa không, có còn muốn giữ gia đình cho các con nữa không?...

Phụ nữ hay lấy chuyện ly hôn để “dọa”, gây áp lực lên người khác, chứ chưa chắc lòng đã muốn chia tay thực sự. Nắm được điểm này, nhiều ông chồng đã “dọa” ngược trở lại, chứ chẳng ngán gì.

Chuyện gia đình liên quan đến cả con cái, bố mẹ, kinh tế… chứ không phải chỉ liên quan đến hai người như cái thuở yêu nhau, vậy nên đừng dễ dàng đề nghị ly hôn khi chưa cân nhắc kỹ vấn đề.

Trong hoàn cảnh làm việc xa nhà, mỗi lần về nhà là người ta mong được trở về tổ ấm, chứ không phải trở về để nghe vợ dọa ly hôn. Em nên cân nhắc kỹ tình cảm, các lý do thực sự, dành thời gian tìm hiểu mọi chuyện cho rõ ràng, rồi hãy quyết định. Đừng vội vàng, cũng đừng vì nóng nảy ghen tuông mà tự ái “giữ lời” cho đến cùng. Chúc em giữ được gia đình và hạnh phúc của mình.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI