Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19: Khó chịu khi ngửi mùi thịt

10/11/2021 - 09:13

PNO - Mất khứu giác hoặc thay đổi cảm giác mùi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh COVID-19.

Hỏi: Đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng hơn một tháng qua, tôi mới có thể ngửi lại được. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy rất khó chịu khi ngửi mùi thịt dù tôi không ăn chay. Tại sao tôi lại bị thay đổi vậy? Tình trạng này có điều trị khỏi được không? Tôi cần ăn uống như thế nào để có thể giúp tôi tăng cân trở lại? Nếu vẫn cảm thấy khó chịu khi ngửi mùi thịt thì tôi có thể tăng cân khi ăn chay không? 

T.Q. (Q.Phú Nhuận, TPHCM)

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trả lời: Mất khứu giác hoặc thay đổi cảm giác mùi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh COVID-19. Phần lớn bệnh nhân sẽ không còn mất hoặc rối loạn khứu giác sau khoảng dưới hai tuần, chỉ khoảng 15% mất khứu giác kéo dài hơn 60 ngày và dưới 5% kéo dài hơn sáu tháng. 

Những trường hợp bị mất mùi hoặc rối loạn mùi kéo dài thì khứu giác cũng sẽ trở lại bình thường trong vòng một năm. Nguyên nhân gây mất hoặc rối loạn khứu giác được cho là do tình trạng viêm, sung huyết ở mũi. Mất, rối loạn mùi kéo dài có thể do tổn thương thụ thể khứu giác hoặc dây thần kinh khứu giác.

Chưa có nhiều dữ liệu về việc điều trị mất hoặc thay đổi cảm giác mùi ở bệnh nhân COVID-19. Phần lớn bệnh nhân mất mùi do COVID-19 sẽ nhanh chóng cải thiện, do đó không cần điều trị. Nếu mất mùi trên hai tuần có thể xem xét điều trị. Có thể tập luyện khứu giác với các mùi khác nhau. Một số trường hợp có thể dùng kháng viêm corticosteroid đường uống hoặc xịt mũi. 

Bạn nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc hô hấp để được hướng dẫn điều trị phù hợp. Trường hợp của bạn có thể điều chỉnh hương vị thức ăn (thịt) bằng cách ướp, dùng cách chế biến phù hợp với mình. Nếu ăn chay, bạn lưu ý sử dụng phong phú các loại rau, củ, quả, các loại đậu, đặc biệt lưu ý đến các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành. Bạn cũng nên bổ sung thêm sữa, các chế phẩm từ sữa.

Gia Nhi (ghi)

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TPHCM: 0966.18.27.27, 0913.15.93.15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI