Chuyên mục: Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19 - Da phồng rộp, bong tróc vì sát khuẩn, có nên ngâm nước trà xanh?

08/11/2021 - 06:56

PNO - Sử dụng liên tục cồn để lau trên da sẽ gây mất nước, bong lớp sừng… Khi da mất nước sẽ gây viêm, đồng thời các yếu tố như nấm mốc, vi khuẩn dễ xâm nhập qua da gây các phản ứng dạng chàm…

* Chào bác sĩ, khi mắc COVID-19, tôi có thói quen sát khuẩn rất nhiều để tránh lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, hiện nay, bàn tay của tôi khi thì bong tróc, khi lại phồng rộp rất khó chịu. Tôi đã ngâm một số loại lá nhưng không thuyên giảm. Xin hỏi bác sĩ có cách nào để xử lý vấn đề này không?

Hoàng Vân Giang (TP.Thủ Đức, TPHCM)

Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương), trả lời: Có thể nói đây là vấn đề không chỉ mình bạn đối diện mà rất nhiều bệnh nhân của tôi cũng than phiền, khi da họ bị bong tróc, phồng rộp đau đớn do sát khuẩn, đeo găng tay. Bản thân tôi là bác sĩ tham gia chống dịch COVID-19 cũng gặp phải vấn đề này. Sử dụng liên tục cồn để lau trên da sẽ gây mất nước, bong lớp sừng… Khi da mất nước sẽ gây viêm, đồng thời các yếu tố như nấm mốc, vi khuẩn dễ xâm nhập qua da gây các phản ứng dạng chàm… 

Để hạn chế các vấn đề này, chúng ta nên bổ sung lượng dưỡng ẩm da phù hợp ở các vị trí thường xuyên sát khuẩn, đeo găng tay. Bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có chứa các thành phần như Urea, Vaseline, Ceramide… để cấp một lượng ẩm trên da trước khi đi ngủ và sau khi sát khuẩn tay. Đặc biệt, chúng ta cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố gây khô da trong sinh hoạt hằng ngày như xà phòng, chất tẩy rửa bằng cách đeo găng tay khi làm… Với các tổn thương trên da, cần hạn chế cào gãi, bóc các lớp da vì dễ gây viêm, chảy máu, nhiễm khuẩn. 

Tuyệt đối không sử dụng các loại nước lá cây như trầu không, trà xanh hay nước muối đặc để ngâm… vì vô tình làm nặng tình trạng khô và mất nước của da, khiến bệnh trầm trọng hơn. Bạn cũng có thể bổ sung lượng nước đường uống cũng như các loại vitamin và vi lượng như E, B, kẽm… để da nhanh chóng phục hồi. 

Nếu tình trạng da không giảm và còn khó chịu, bạn nên đến bệnh viện thăm khám hoặc khám bệnh trực tuyến để các bác sĩ có thể hỗ trợ từ xa. 

Huyền Anh (ghi)

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề hậu COVID-19 mình đang mắc phải qua Đường dây khẩn của báo: 0966 18 27 27, 0913 15 93 15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn để được tư vấn.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI