'Tử thần' lơ lửng trên đầu

09/05/2015 - 08:23

PNO - PN - Cái chết tức tưởi của 3 mẹ con do cần cẩu đè trúng ở Đồng Tháp thêm một lần cảnh báo nguy cơ thiếu an toàn, xem thường mạng người tại các công trình có sử dụng tháp cẩu. Đáng lo ngại, hiện nay, việc quản lý tính an toàn,...

edf40wrjww2tblPage:Content

 'Tu than' lo lung tren dau

Cần cẩu lơ lửng trên đầu người đi đường (ảnh chụp trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1)

Vừa chạy xe, vừa né “tử thần”

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại TP.HCM, hiểm họa từ cần cẩu vẫn nhan nhản khắp nơi. Nằm ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (Q.1), tòa nhà Saigon One Tower 42 tầng, cao gần 200m đang xây dang dở thì “ngủ đông” đến nay gần hai năm.

Thế nhưng, khi dừng xây dựng, đáng lẽ đơn vị thi công phải hạ tất cả máy móc, thiết bị xuống đất để đảm bảo an toàn thì một tháp cẩu có chiều cao tương đương với công trình vẫn “vô tư” đứng sừng sững cặp sát tòa nhà. Nhìn tháp cẩu đã gỉ sét khiến nhiều người đi ngang không khỏi ớn lạnh. Chị Nguyễn Thị Thu (nhà ở gần tòa nhà) cho biết: “Trước đây họ còn để cả tay cẩu vươn ra ngoài đường hơn chục mét rất nguy hiểm. Bà con trong khu vực ai cũng sợ, phản ánh nhiều lần họ mới hạ tay cẩu xuống nhưng thân cần cẩu vẫn còn đó”.

Tương tự, trên đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Tân Thuận đến cầu Phú Xuân, Q.7), nhiều tòa nhà đã “chết lâm sàng” lâu nay, nhưng cần cẩu vẫn không được hạ xuống, vô cùng nguy hiểm. Nằm cạnh hẻm 1321 đường Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Thuận, Q.7 là một tòa nhà chung cư đã ngưng xây dựng gần ba năm, nhưng một tháp cẩu cao khoảng hơn 50m, có dấu hiệu gỉ sét vẫn đứng cạnh tòa nhà. Tay cẩu còn mang một khối bê tông lớn vươn ra gần nửa mặt đường Huỳnh Tấn Phát.

Cách đó khoảng 50m, một tòa nhà chung cư khác cũng trong tình trạng tương tự. Chỉ có điểm khác là tháp cẩu của tòa nhà này có tay cẩu vươn vào... khu dân cư nằm cạnh tòa nhà. Nhiều hộ dân ở đây cho biết, đã nhiều lần phản ánh với đơn vị thi công, đề nghị hạ tháp cẩu xuống, nhưng họ chỉ hứa cho có, không thấy thực hiện.

'Tu than' lo lung tren dau

'Tu than' lo lung tren dau

Tháp cẩu vươn ra gần giữa đường từ tòa nhà nằm cạnh hẻm 1321 đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 (ảnh chụp ngày 7/5)

Sợ tai họa từ trên trời rơi xuống, anh Võ Minh Cường (Q.Gò Vấp) phải đi đường vòng xa hơn vài cây số để né tháp cẩu của công trình xây dựng tòa nhà làm việc các cơ quan đại diện Bộ Công thương nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1). “Nhiều lần thấy cần cẩu vươn ra giữa đường mang theo khối bê tông hàng trăm ký lơ lửng trên đầu, ai cũng phát khiếp tìm cách né, chẳng may xảy ra hậu quả khôn lường”, anh Cường chia sẻ.

Một tháp cẩu khác tại công trình xây dựng cao ốc, văn phòng SSG tower (đường Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh) nhiều năm nay khiến người dân và người đi đường bất an. Tòa nhà cao cả trăm mét sử dụng tháp cẩu có độ cao tương đương, tay cẩu dài 30 - 40m. Mỗi lần cần cẩu “bê” sắt, thép, bê tông, tay cẩu xoay ra đường là nhiều người lưu thông “hú vía”. Lo lắng hơn là hàng chục hộ dân, tiểu thương buôn bán tại chợ Văn Thánh cũ (đường D1), phía sau công trình này.

Anh Nguyễn Văn Hùng - một tiểu thương của chợ, cho biết: “Mấy tháng nay công trình sắp hoàn thành chỉ có một tháp cẩu hoạt động, trước đây đến ba-bốn cái treo lơ lửng, khiến ai cũng ám ảnh mấy cái “búa” khổng lồ này”.

Điều đáng nói, chủ đầu tư dường như chẳng quan tâm đến nỗi lo ngại của người dân, bất kể ngày hay đêm, chợ đông hay vắng người, tháp cẩu cứ vươn xa mang theo hàng tấn bê tông, sắt thép treo lơ lửng. “Buôn bán ở đây nhiều năm, từ lúc công trình này khởi công, tôi chứng kiến nhiều lần xi măng, cát đá từ trên cao rơi xuống, người đi đường la oai oái, có hôm thì thanh sắt rơi ra đường D1, may mà lúc đó không có người. Tháp cẩu này, không biết độ an toàn đến đâu. Chẳng may có chuyện gì xảy ra, hậu quả không biết tới đâu”, anh Hùng nói.

Trong lúc ghi nhận hoạt động của tháp cẩu tại công trình xây dựng trung tâm hội nghị, tiệc cưới trên đường Hoàng Văn Thụ (P.2, Q.Tân Bình), chúng tôi phải liên tục nhìn lên trên để né tháp cẩu đang di chuyển, với khối bê tông nặng hàng tấn.

Anh Nguyễn Văn Nam - giữ xe cho cửa hàng điện thoại sát công trình này lo lắng nói: “Chúng tôi rất sợ vì tháp cẩu liên tục di chuyển trên đầu mình. Đọc báo thấy vụ tai nạn thương tâm của ba mẹ con ở Đồng Tháp, tôi càng bất an. Nhiều hành khách đến cửa hàng thấy cần cẩu quay vòng họ cũng hoảng, chờ tháp cẩu xoay chỗ khác mới dám lấy xe".

'Tu than' lo lung tren dau

Khối bê tông lơ lửng trên đầu chúng tôi (đứng dưới cây dù) bên hông công trình trung tâm hội nghị tiệc cưới đường Hoàng Văn Thụ (ảnh chụp ngày 7/5)

Nhiều vi phạm từ tháp cẩu

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM): vụ chiếc cần cẩu đang thi công bất ngờ bị tuột cáp, gãy, rơi xuống đường làm ba mẹ con chết tại chỗ ở H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là hết sức thương tâm. Dù cơ quan chức năng có xử lý người lái cẩu, đơn vị thi công như thế nào cũng không thể bù đắp mất mát mà gia đình nạn nhân đang phải gánh chịu.

“Theo quy định, người lái cẩu phải có bằng nghề hoặc chứng chỉ nghề, chứng chỉ an toàn theo thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ LĐ-TB-XH quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đồng thời, người lái cẩu phải có quyết định của giám đốc giao nhiệm vụ làm việc. Khi thi công ở khu vực nhiều người qua lại, đơn vị thi công cần phải đảm bảo an toàn lao động.

Cụ thể: phải có phương án đảm bảo an toàn khi cẩu hoạt động, được người có trách nhiệm phê duyệt, phải có thông báo, rào chắn, biển báo, người cảnh giới. Trong phương án bảo đảm an toàn cho cẩu vận hành phải có tính toán vật rơi, phạm vi ảnh hưởng đến đâu thì làm rào chắn đến đó. Vụ việc đáng tiếc trên sẽ không xảy ra nếu đơn vị thi công làm đúng quy trình trước khi lái cẩu, phải có thêm người đánh tín hiệu, người cảnh giới không cho xe qua lại”, ông Việt nói.

Nhiều chuyên gia về an toàn lao động cũng cho biết, tai nạn cần cẩu xảy ra chủ yếu do người lái chủ quan, cẩu thả. Việc lái cẩu, mỗi thao tác chỉ cho phép thực hiện một nhiệm vụ. Ví dụ, phải nâng lên đúng độ cao thì mới được di chuyển nhưng thực tế rất nhiều lái cẩu chủ quan, vừa nâng vừa di chuyển nên rủi ro đổ cẩu là rất cao. Ngoài ra, tai nạn ở lĩnh vực này còn do cẩu đậu trên nền không vững chắc, dễ lún, do đứt cáp giằng cần (vì không kiểm tra tiêu chuẩn thường xuyên)… Thực tế, nhiều người lái cẩu chủ yếu là tay ngang, không có chứng chỉ.

Trao đổi với chúng tôi về các trường hợp dẫn đến tai nạn thương tâm do cần cẩu trên địa bàn TP.HCM, ông Việt thông tin, tại TP.HCM tuy chưa có trường hợp đổ cẩu làm chết người dân, nhưng có tai nạn lao động chết người do lắp ráp cần cẩu. Cần cẩu phải di chuyển từ nơi này qua nơi khác, rất cồng kềnh nên phải tháo rời một số bộ phận. Và khi lắp ráp, người lao động sơ ý nên đã có trường hợp chết người. Các vụ tai nạn liên quan đến cần cẩu tại TP chủ yếu xảy ra ở các công trình xây dựng.

Cơ quan thanh tra lao động TP xử phạt lỗi nhiều nhất là người lao động chưa có chứng chỉ nghề; một số máy móc hết hạn kiểm định nhưng không chịu đi kiểm định lại và đặc biệt, hiện nay Nhà nước cho tư nhân tham gia kiểm định nên nhiều khi do cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, kiểm định không đạt yêu cầu nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận.

 PHAN TRÍ - THU HỒNG - QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI