Từ giấy bỏ đi đến vở rối cho thiếu nhi

28/08/2021 - 13:05

PNO - Họa sĩ Đặng Trí Đức tận dụng giấy và thời gian ở nhà chống dịch để tạo nên vở diễn khá thú vị, dành tặng cho trẻ nhỏ.

Những năm trước, từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 âm lịch, họa sĩ Đặng Trí Đức lại bận rộn với những chương trình cho thiếu nhi. Nhưng năm nay mọi kế hoạch đều dừng do dịch COVID-19. “Vậy tụi nhỏ sẽ chơi gì, xem gì khi một mùa trăng nữa lại về? Với tình hình dịch thế này có lẽ sẽ khó để các bé được ra ngoài, vui chơi, rước đèn. Vì thế, tôi muốn làm một điều gì đó nho nhỏ cho chúng”, anh chia sẻ.

Vốn xuất thân là dân làm rối, anh nghĩ ra ý tưởng tận dụng giấy bỏ đi, hộp giấy đựng trà, cà phê... để tạo nên tác phẩm múa rối bóng.

Hoạ sĩ Đặng Trí Đức trong khâu tạo hình các nhân vật, chi tiết
Hoạ sĩ Đặng Trí Đức trong khâu tạo hình các nhân vật, chi tiết

Câu chuyện được anh kể mang tên Chú Cuội cung trăng, gắn liền với dịp Tết Trung thu đang đến rất gần. Những năm trước, anh cũng dựng vở này, nhưng bằng rối tay, hoặc kịch. Đoạn video dài 7 phút 30 giây được đăng tải trên kênh YouTube Đặng Trí Đức khiến người xem thích thú bởi sự chuyển động của những hình ảnh tạo ra từ giấy, ngỡ đã bỏ đi, bên cạnh giọng đọc thuyết minh truyền cảm của chính nam họa sĩ và tiếng đàn của NS Hải Phượng.

Anh chia kịch bản thành nhiều phân cảnh, giống như một vở diễn thông thường, sau đó tiếp tục hoạch định, sắp xếp đường dây hành động. Do đặc thù làm bằng giấy nên nhân vật trong vở diễn không linh hoạt như các loại hình rối khác. Vì thế, quá trình thực hiện sản phẩm này khá tốn thời gian.

Nếu như khâu cắt, tạo hình từ giấy khá nhanh thì việc ghi hình phải mất 1 tuần. Mỗi cảnh được tạo nên từ nhiều chuyển động của nhân vật. Mỗi chuyển động anh lại phải thay đổi từng bộ phận trên cơ thể để mô phỏng chính xác nhất. Chẳng hạn khi chú Cuội cầm rìu đốn củi tư thế lưng, tay, chân đều khác hẳn khi di chuyển, leo cây... 

Một cảnh trong vở diễn
Một cảnh trong vở diễn

Vở rối Chú Cuội cung trăng:

 

Mỗi thành phần cấu tạo nên nhân vật rất nhỏ và đều được lắp ghép lại với nhau. Chưa kể hành động trước phải khớp hành động sau, người xem không dễ nhận ra một cảnh được nối từ nhiều đoạn video nhỏ. Mỗi cảnh, anh lại phải quay 4-5 lần, sau đó chọn đoạn video tốt nhất. 

Thường để biểu diễn rối bóng cần có sân khấu và màn đủ tiêu chuẩn. Rối được di chuyển theo phương thẳng đứng. Không có sân khấu, anh tận dụng bàn vẽ tranh cát, sau đó cho các hình rối lên và ghi hình theo chiều ngang. Hệ thống máy quay, ánh sáng vốn đã được trang bị sẵn để anh thực hiện những đoạn video về tranh cát, nên có thể tận dụng ngay

Anh cho biết có thể xóa bỏ những chi tiết que nối những bộ phận của con rối giúp tác phẩm đẹp hơn. Nhưng anh vẫn quyết định giữ lại để những khán giả nhí có thể xem và làm theo, kể những câu chuyện mà các em mong muốn với vật liệu sẵn có tại nhà. Theo anh, điều này hết sức thú vị, kích thích khả năng học hỏi của bé. 

Không gian nhỏ gọn tại nhà được nam hoạ sĩ tận dụng sản xuất vở rối cho thiếu nhi
Không gian nhỏ gọn tại nhà được nam họa sĩ tận dụng sản xuất vở rối cho thiếu nhi

Không tốn nhiều sức nhưng công việc này lại mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đến khi hoàn thành sản phẩm, anh vui mừng vô cùng. “Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện hoàn chỉnh một sản phẩm của riêng mình, với nhân lực là chính tôi. Tôi vẫn đang ấp ủ nhiều dự định thú vị khác nữa mang tính cộng đồng hơn. Trước đây công việc bận rộn nên không có thời gian thực hiện. Trong hoàn cảnh này, sức đến đâu sẽ làm đến đó”, anh nói.

Nam họa sĩ tiết lộ thêm anh đang chuẩn bị một dự án tranh cát nói về Phật hoàng Trần Nhân Tông, mà theo anh sẽ có rất nhiều điểm mới mẻ, thú vị. Bên cạnh đó, anh cùng Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam chuẩn bị một vở rối để dự thi Liên hoan múa rối thể nghiệm quốc tế, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI