Từ đơn hàng chưa chốt đến tranh cãi ồn ào giữa một shop online và một diễn viên nổi tiếng

27/07/2025 - 07:55

PNO - Bán hàng online nên đến từ minh bạch quy trình: từ việc xác nhận đơn hàng đúng chuẩn, đến cách phản hồi chuyên nghiệp khi có sự cố...

Mạng xã hội những ngày gần đây trở nên náo động bởi vụ tranh cãi giữa diễn viên Trọng Nhân, người từng ghi dấu ấn qua nhiều bộ phim truyền hình như Hoa hồng trên ngực trái hay Hôn nhân trong ngõ hẹp với một tiệm bánh online.

Sự việc bắt nguồn từ một đoạn tin nhắn trao đổi mua hàng, người bán chưa báo giá nhưng hỏi địa chỉ và số điện thoại khách hàng trước, Trọng Nhân được cho là đã hỏi giá cụ thể ba loại bánh khi thấy tổng giá dường như quá cao, rồi không phản hồi sau khi được báo giá. Phía cửa hàng cho rằng anh “bom hàng,” đã giao bánh nhưng khách không nhận. Họ gọi điện, nhắn tin không được, và cuối cùng đăng tải đoạn clip ghi lại cuộc đối chất gay gắt giữa hai bên lên mạng xã hội, tố nam diễn viên “thiếu trách nhiệm”.

Trọng Nhân phản bác, cho biết chưa từng xác nhận đặt hàng, và cho rằng chính cửa hàng đã tự ý lên đơn. Câu chuyện lập tức gây tranh cãi dữ dội, chia cộng đồng mạng thành nhiều luồng ý kiến đối lập.

Nếu chỉ nhìn bề mặt, đây là một vụ hiểu lầm nhỏ trong giao dịch online. Đây là điều không hiếm thấy trong xã hội hiện đại. Nhưng càng quan sát cách hai bên ứng xử, cách dư luận phản ứng, càng thấy rõ đây không chỉ là một câu chuyện cá nhân.

Phía cửa hàng khẳng định việc khách hàng hỏi giá đồng nghĩa với xác nhận đơn, từ đó tiến hành giao hàng mà không cần thêm bất kỳ sự xác nhận nào nữa. Nhưng logic ấy liệu có đứng vững? Trong thương mại chính thống, hợp đồng được hình thành trên nguyên tắc thỏa thuận hai chiều. Và do đó sự im lặng không thể và không nên được xem là đồng thuận.

Người bán không thể áp đặt ý chí cá nhân rồi mặc định trách nhiệm thuộc về người mua. Một tin nhắn “hỏi giá” chưa từng là cơ sở hợp lệ cho hành động giao hàng. Nhưng đáng nói hơn, nhiều phản ánh từ cộng đồng shipper và khách hàng cũ đã xuất hiện, tố rằng tiệm bánh này từng nhiều lần hành xử tương tự: tự ý lên đơn khi khách chưa chốt, đặt COD ảo khiến shipper thiệt hại, thậm chí dùng thái độ áp đặt để đẩy phần sai về phía khách hàng.

Bình luận của cư dân mạng trước sự việc này (Ảnh chụp từ nền tảng Tiktok)
Bình luận của cư dân mạng trước sự việc này (Ảnh chụp từ nền tảng Tiktok)

Những bình luận khác của cư dân mạng trước sự việc (Ảnh chụp từ nền tảng Facebook)
Những bình luận khác của cư dân mạng trước sự việc (Ảnh chụp từ nền tảng Facebook)

Vậy thì chúng ta đang vận hành thương mại online theo nguyên tắc gì? Mâu thuẫn ấy sẽ không gây hậu quả nếu đôi bên chọn cách đối thoại riêng tư, nhưng khi một bên chủ động quay clip, đăng bài, kêu gọi sự ủng hộ từ mạng xã hội thì mọi xung đột nhỏ đều có thể bị thổi bùng thành scandal.

Thực tế, việc dùng mạng xã hội như một “tòa án đạo đức” không còn mới. Nhưng chính điều đó khiến người ta phải đặt câu hỏi: liệu xã hội có đang vận hành theo hướng ngược lý trí? Ai nắm công cụ truyền thông mạnh hơn thì chiếm lợi thế? Ai đăng đàn trước thì nghiễm nhiên là nạn nhân? Và ai bị gọi tên công khai thì bất chấp lý lẽ, cũng phải gánh lấy định kiến?

Vụ việc lần này, dù có kết cục ra sao, vẫn là lời cảnh báo về một nền thương mại đang phát triển quá nhanh nhưng thiếu chiều sâu đạo đức và chuẩn mực giao tiếp. Nếu người bán vẫn tiếp tục vận hành theo cảm tính, nếu người mua vẫn cho rằng im lặng là vô hại, nếu mạng xã hội vẫn được dùng như vũ khí thay vì công cụ phản biện thì những chiếc bánh sẽ tiếp tục trở thành mồi lửa cho những cuộc chiến không đáng có. Và những gì bị thiêu rụi sau đó không phải là món hàng mà là sự tin tưởng giữa người với người - thứ vốn mong manh hơn bất kỳ món đồ nào trong thế giới số hóa.

Lê Hoài Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI