Một buổi tối rảnh rỗi, bạn mở điện thoại, lướt TikTok. Trên màn hình là cảnh một người bán hàng đang live stream. Họ vừa giới thiệu quần áo vừa pha trò hài hước, thỉnh thoảng lại nhảy theo những điệu nhạc đang thịnh hành, khiến người xem không thể rời mắt.
Bạn bật cười, thả tim… rồi bất giác thêm vào giỏ hàng 2 món đồ mà chưa kịp suy nghĩ kỹ. Chào mừng bạn đến với shoppertainment - nơi việc mua sắm trở thành sản phẩm giải trí còn người bán hàng chính là nghệ sĩ biểu diễn thời số.
 |
Chương trình mua sắm kết hợp ca nhạc, giải trí được tổ chức tại phố đi bộ vào tháng 11/2024 - Nguồn ảnh: TikTok Shop |
Phiên bán hàng như buổi trình diễn nghệ thuật
Ai từng xem live stream bán hàng trên TikTok chắc hiểu vì sao nhiều người gọi đó là game show mua sắm. Chương trình có MC, có khách mời, có tương tác, cao trào và cả… những pha độc thoại hài. Một người bán hàng có thể vừa live stream giới thiệu sản phẩm vừa kể chuyện chia tay bạn trai và… chốt đơn. Một chủ shop mỹ phẩm có thể vừa hướng dẫn trang điểm vừa bán hàng vừa tấu hài khiến người xem cười liên tục và không thể rời mắt.
Shoppertainment - thuật ngữ kết hợp giữa “shopping” và “entertainment” - đã biến người bán hàng thành nghệ sĩ không cần sân khấu. Để thành công ở “sàn diễn” đặc biệt đó, họ phải duyên dáng, có khiếu ăn nói, biết nắm bắt xu hướng, tạo cảm xúc và giữ chân người xem. Sản phẩm chỉ là một phần, phần còn lại là trải nghiệm.
TikTok không chỉ là mạng xã hội chia sẻ video mà đã trở thành trung tâm thương mại “ảo” đầy màu sắc. Với TikTok Shop, mua sắm và giải trí là một. Các buổi live stream chốt đơn diễn ra gần như 24/7, với những con số ấn tượng: hơn 100.000 giờ phát trực tiếp trong mùa tết 2024, thu hút hàng tỉ lượt xem và hàng triệu đơn hàng.
Mô hình kết hợp giữa giải trí, mua sắm và tương tác trực tuyến đang được các nền tảng như TikTok, Shopee đẩy mạnh, dần định hình như một chiến lược dài hạn nhằm chinh phục thế hệ người tiêu dùng mới. Thay vì những buổi live stream đơn điệu, các phiên bán hàng trực tuyến ngày nay được đầu tư như một chương trình biểu diễn thực thụ: có sàn catwalk, tiết mục ca nhạc, mini game và cả người mẫu chuyên nghiệp, với kịch bản tương tác được xây dựng chỉn chu.
Một ví dụ tiêu biểu là chương trình Mega Livestream 2023 do TikTok tổ chức với chủ đề “Lên đồ cùng Local Brand Việt Nam”, lần đầu tiên đưa sàn diễn thời trang vào live stream. Sự kiện kéo dài liên tục 24 giờ, thu hút đông đảo người theo dõi. Hay như Mega Live 11/2024 cũng của TikTok Shop, diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ không chỉ là phiên bán hàng mà là một đại tiệc âm nhạc thực thụ, thu hút hàng ngàn người tham gia trực tiếp và hàng triệu lượt xem trực tuyến.
Báo cáo Connected Consumer Q1 2023 nghiên cứu thói quen trực tuyến của người tiêu dùng - do Decision Lab và Hiệp hội Tiếp thị di động Việt Nam (MMA) thực hiện - cũng cho thấy sự trỗi dậy của TikTok Shop khiến ranh giới giữa mua sắm và giải trí ngày càng mờ nhạt. Người tiêu dùng Việt Nam đang tìm kiếm nhiều cách thú vị và tương tác nhiều hơn để mua sắm trực tuyến.
Đáp ứng nhu cầu đó, một số phiên live được đầu tư kỹ lưỡng như mini show thực thụ: có ánh sáng, phông nền, nhạc hiệu, thậm chí kịch bản tình huống. Mỗi phiên live là một cơ hội bùng nổ nếu người bán biết cách giữ chân khán giả. Họ không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm mà còn “tiếp thị” cảm xúc, phong cách và sự duyên dáng.
Mua sản phẩm như chọn một phần tính cách
Theo bà Giang Nguyễn - Giám đốc cao cấp của TikTok Shop Việt Nam - 77% người dùng cho biết quyết định mua sắm của họ ảnh hưởng bởi nội dung giải trí. Trong môi trường shoppertainment, người mua không còn thụ động. Họ bình luận, đặt câu hỏi, thả tim, thậm chí chất vấn người bán. Khi đó, kịch bản sẽ không còn là phần độc thoại của người bán mà thay đổi linh hoạt theo yêu cầu của người xem.
 |
Shoppertainment đang trở thành xu hướng mua sắm giải trí phổ biến của giới trẻ |
Với thế hệ Z (sinh từ 1997-2012) vốn lớn lên cùng điện thoại thông minh, sự tương tác là điều tất yếu. Họ không muốn xem quảng cáo cứng nhắc mà thích được tham gia, trò chuyện, thấy mình là một phần của nội dung. Thậm chí, nhiều người còn chia sẻ các clip chốt đơn hài hước như một cách giải trí.
Một chiếc váy không chỉ là “chất vải đẹp, màu hot trend” mà còn là bộ cánh ta mặc khi đi xem buổi hòa nhạc đầu tiên với người yêu. Một thỏi son không chỉ có tông đỏ lì mà là màu của sự tự tin, dùng trong buổi phỏng vấn xin việc. Khi câu chuyện tạo cảm xúc, món hàng trở nên “có hồn” và người mua cảm thấy mình đang chọn một phần tính cách, chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm.
Nhiều người bán hàng giờ đây rất đa năng: vừa chia sẻ kinh nghiệm vừa tấu hài... đảm bảo yếu tố giải trí mà vẫn thoăn thoắt chốt đơn. Chỉ với chiếc điện thoại và chút khiếu ăn nói, bất kỳ ai cũng có thể trở thành “người kể chuyện” kiếm tiền qua màn hình.
“Mua hàng bây giờ không chỉ là chọn mẫu đẹp hay chất lượng tốt, tôi còn muốn nghe người bán trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Có buổi live stream coi mà cười không dứt, rồi thấy hợp là đặt đơn lúc nào không hay” - Minh Trang - 28 tuổi, nhân viên văn phòng ở TPHCM - chia sẻ.
Một người tiêu dùng khác là Ánh Vy - 24 tuổi, TPHCM - cho biết mua sắm giờ đã trở thành trải nghiệm giải trí: “Trước kia mua gì là lướt, thêm vào giỏ. Bây giờ, tôi hay xem live stream cho vui, thấy hợp lý mới mua. Có hôm không có nhu cầu mua gì nhưng tôi vẫn xem vì nó giống như xem show giải trí tại nhà. Có khi là màn trang điểm “lầy lội”, có khi là cuộc trò chuyện tấu hài giữa 2 người bán hàng dí dỏm làm mình thấy vui vẻ hơn sau 1 ngày làm việc”.
Vì thế, không chỉ TikTok mà cả Facebook, Instagram, YouTube cũng nhanh chóng bổ sung tính năng mua hàng trực tiếp. Doanh nghiệp tổ chức các buổi live stream như mini show, mời KOL, KOC tham gia, nói chuyện duyên dáng, chia sẻ thật tình và khéo léo lồng ghép sản phẩm.
Shoppertainment đang là xu hướng, nơi người mua vừa là khách vừa là khán giả. Người bán cũng không chỉ chào hàng mà trở thành diễn viên chính trong một show diễn nhỏ, nơi câu chuyện dẫn đường để món hàng đi vào giỏ khách.
Thuỷ Võ