"Truyện Tây du nơi Xóm Lá" - hiểu về một miền Tây Nam Bộ độc đáo

01/05/2025 - 06:00

PNO - Lâu lắm mới thấy lại cái không khí đặc trưng miền châu thổ, trong “Truyện Tây du nơi xóm Lá” của nhà văn Ngô Khắc Tài.

Ông nhà văn miền Tây coi thấy im im mà làm như lúc nào trong lòng cũng vướng bận những chuyện từ văn chương, chuyện thời sự, đến chuyện nhà. Ngay cả như cách ông đối diện với nỗi đau, cũng chỉ như một tiếng thở dài, nhưng biết ông buồn chí xứ, khi thỉnh thoảng thả vài câu thơ, hay chụp một cái cây, một cảnh quen mà viết lên trang cá nhân của mình.

Bằng cách chậm rãi và điềm tĩnh như vậy, ông đã dựng lên bối cảnh miền châu thổ riêng biệt nơi ông sống - vùng An Giang qua năm đứa trẻ nhân vật chính. Năm đứa trong xóm Lá, đứa còn đang đi học, đứa thì nghỉ học rồi và đi bán bánh mì mưu sinh. Đứa con nhà giàu, đứa con nhà nghèo. Nhưng thế giới của trẻ con là không có ranh giới, tụi nhỏ vẫn hằng ngày chạy qua chạy lại chơi với nhau, dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra đánh nhau, rồi bị người lớn dắt tay đi mắng vốn.

Một hành trình dài để ông tập trung phân tích sự hình thành thói quen tính cách những đứa trẻ từ những cộng hưởng của môi trường sống ngay khi lọt lòng cho đến lúc lớn lên.

Những đứa như thằng San đi bán bánh mì, nhưng vì lâu nay quen biết với “sư phụ” là anh Hai Thìn tính tình chính nghĩa và dày dạn vốn sống, vì cuộc đời lận đận trải qua đủ nghề từ chạy xe ôm, đấm bóp giác hơi đến thợ hồ, nên San không hư đốn, mà vẫn giữ sự ngây ngô trong sáng. Bán đủ sống, ở những môi trường như trước cửa trường học chớ không đi xa.

Những đứa như con Thúy, thằng Thành vẫn xem San là đứa bạn chơi được, vì San chưa bao giờ chơi xấu. Trong khi thằng Thơi thì hay ganh tị, phá đám dù ba làm công chức nhà nước đàng hoàng.

Người lớn thì tính toán, so đo gia cảnh để tự mình tách ra, vượt lên hay chỉ chơi với người xứng tầm, nhưng trẻ con thì không thế. Bởi vậy, trẻ ở Xóm Lá trong chợ hay ngoài chợ, trong phố hay ngoại ô, giàu hay nghèo, còn đến trường hay đã nghỉ học, đã là bạn bè thì chơi với nhau tới bến.

Đứa nào có biệt tài gì, vẫn được những đứa khác công nhận và cho phát huy. Ngược lại, đứa nào chơi xấu, tìm cách “ăn gian” thì tụi nhỏ cũng không vì giàu mà nể nang cho chơi chung. Bởi vậy, như chuyện bọn trẻ kéo tới nhà ai đó trong xóm để cùng xem ti vi, thì những nhà rộng cửa, thoải mái, thì dù nhà lá nhà nghèo, vẫn được bọn trẻ chọn làm địa điểm giải trí chung của mình.

Lấy cảm hứng từ phim Tây du ký, bộ phim hút hồn cả người lớn và trẻ em những năm chín mươi. Truyện dựng lên câu chuyện năm đứa chơi thân đóng vai năm nhân vật chính yếu của phim: Tam Tạng, Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng và Phật bà Quan Âm, đi thỉnh kinh.

Cuộc thỉnh kinh của tụi nhỏ cũng chỉ xung quanh làng xóm, và lần lần, vượt thoát xa hơn một chút ra khỏi nơi mình ở. Tưởng chơi loanh quanh cho vui thôi, ai dè lại gặp đủ thứ “ma vương”, “yêu nhền nhện”, phát hiện ra đủ thứ người, muôn màu cách sống, và cả cuộc sống “hai mặt” của những người mà hằng ngày chúng nhìn thấy là đạo mạo.

Đọc Truyện Tây du nơi Xóm Lá khiến người ta hình dung được những thói quen, văn hóa của nơi mình sống ngấm vào tâm thức, cách hành xử mọi chuyện. Như cách ông chủ tịch xã phát biểu dông dài rồi không biết mình nói cái gì. Cách mấy dì mấy thím trong xóm nghe con em mình gặp nạn bỏ thúng mủng kéo nhau đi rần rần để gặp đối phương. Cách ông thầy giáo dõi theo đám trẻ để xâu mối lại câu chuyện, ra tay giúp đỡ, mở lớp dạy phụ đạo và kéo mấy đứa bỏ học trở lại trường. Nhưng truyện cũng làm người lớn giật mình, và “học con nít để làm người” khi nhận ra, mình làm vậy còn “thua con nít”, mình cần phải sống tử tế lại, đàng hoàng hơn.

Kết chuyện làm người ta thấy vui vì có điểm sáng. Những gì xấu xí được dẹp bỏ. Làng xóm đoàn kết và hiểu nhau hơn. Những người có chút địa vị ý thức chuyện mình làm ảnh hưởng tới bọn trẻ nên dừng lại. Bọn trẻ lại tiếp tục đến trường, đứa bỏ học sẽ có khả năng quay lại vì đã được nhiều người tạo điều kiện. Cách kể điềm đạm, nên kết thúc cũng từ tốn nhẹ nhàng. Vậy mà, lại có sức quyến rũ dẫn người đọc đi hết tập sách.

Sách nằm trong tủ sách Văn học thiếu nhi, lứa tuổi 12 trở lên. Với lứa tuổi này, đây là lúc rất cần hiểu biết về văn hóa vùng miền bản địa, lối sống và bè bạn ở nhiều nơi khác nhau, thì đây là quyển sách hay và có nhiều kiến thức về miền Tây Nam Bộ độc đáo, đủ để hấp dẫn và không quá dày dặn để ngán đọc.

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI