Kể chuyện lịch sử bằng công nghệ
Bảo tàng Tôn Đức Thắng là công trình đầu tiên khánh thành trong năm 2025 và là một trong các công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây không chỉ là nơi tôn vinh nhà lãnh đạo kiên trung mà còn là điểm đến văn hóa, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới thế hệ trẻ.
 |
Không gian triển lãm sinh động, ấn tượng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng - ẢNH: THÀNH LÂM |
Được đầu tư 275 tỉ đồng từ ngân sách, Bảo tàng Tôn Đức Thắng được xây mới trên nền nhà trưng bày cũ với tổng diện tích sàn hơn 8.500m², gồm tầng hầm và 4 tầng nổi. Không gian trưng bày gần 2.000m², được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như màn hình cảm ứng, ánh sáng, âm thanh và thiết bị trình chiếu tương tác… giúp tái hiện sinh động cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hơn 1.000 hiện vật, tư liệu được sắp đặt theo dòng thời gian, kết hợp yếu tố trực quan và không gian mở tạo nên trải nghiệm đa giác quan hấp dẫn.
“Công nghệ mới mẻ, đa chiều và hệ thống đồ họa hiện là những trải nghiệm mới và thú vị nhất ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Những hiện vật như có đời sống riêng, ngôn ngữ riêng. Tôi không chỉ được ngắm nhìn mà còn có thể tương tác để khám phá hành trình cách mạng của bác Tôn”. Thùy Linh (sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM) |
Bảo tàng Tôn Đức Thắng được kỳ vọng trở thành thiết chế văn hóa kiểu mẫu, nơi giáo dục truyền thống bằng ngôn ngữ mới, truyền cảm hứng từ lịch sử và nuôi dưỡng lòng tự hào cho công chúng.
Tu bổ và giữ gìn ký ức
Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, bị giam giữ và hy sinh năm 1931 - được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1988. Để gìn giữ ký ức lịch sử, cuối năm 2023, TPHCM khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích với tổng kinh phí 100 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn.
Sau hơn 4 tháng thi công, giai đoạn 1 đã hoàn thành và khánh thành nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng bí thư Trần Phú (24/4/2024). Ngoài các phòng giam được phục hồi nguyên trạng, còn có thêm không gian trưng bày tài liệu, hiện vật…
Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phát triển của ngành văn hóa và thể thao TPHCM. Hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan triển khai 17 dự án quy mô lớn, mang tính biểu tượng của thành phố trong tiến trình phát triển và hội nhập. Trong đó, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có 7 dự án gồm rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, Cung văn hóa Thiếu nhi TPHCM, nhà hát giao hưởng - nhạc, vũ kịch và cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM. |
Giai đoạn 2 sẽ tập trung mở rộng diện tích, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và nhà trưng bày hiện vật lịch sử, tái hiện sinh động cuộc đời các chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là Tổng bí thư Trần Phú. Các hạng mục như trại giam, chốt canh, cổng, hàng rào, sân vườn, nhà vệ sinh, tượng và bia tưởng niệm cũng sẽ được tôn tạo, hoàn thiện tổng thể di tích.
Việc tu bổ khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán không chỉ giữ lại ký ức lịch sử, phục vụ tham quan, nghiên cứu mà còn thổi sức sống mới cho di sản giữa lòng đô thị. Công trình vừa gìn giữ giá trị văn hóa vừa truyền lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Gấp rút hoàn thành công trình văn hóa đột phá
Những ngày này, đi ngang đường Lữ Gia (đoạn nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11), hầu như ai cũng ngước nhìn và trầm trồ trước một công trình hoành tráng đang trong giai đoạn nước rút. Đó là rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ - một trong những dự án văn hóa trọng điểm, quy mô lớn, thể hiện sự quyết tâm của TPHCM trong phát triển hạ tầng văn hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, góp phần nâng tầm giá trị văn hóa - nghệ thuật của thành phố.
 |
Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ dự kiến sẽ đón khán giả vào Quốc khánh năm nay |
Với mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, công trình khởi công tháng 4/2023, diện tích xây dựng hơn 31.600m² gồm 2 tầng hầm và 12 tầng nổi. Điểm nhấn là khán phòng lớn với 2.000 chỗ và sân khấu tròn di động kết hợp sân khấu hình chữ nhật. Thiết kế này cho phép biến đổi linh hoạt phục vụ biểu diễn.
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM vừa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án xây dựng nhà hát giao hưởng - nhạc, vũ kịch để trình UBND TPHCM. Dự kiến công trình có tên nhà hát Ngôi Sao Thành phố. Đây không chỉ là nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao với sân khấu đạt tiêu chuẩn quốc tế mà còn có những khu dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng đa dạng. Bên cạnh đó, nhà hát còn đầu tư cho không gian công cộng phục vụ người dân. Nhà hát được xác định là công trình trọng điểm, mang kiến trúc, văn hóa đặc sắc, tương xứng với vai trò, vị thế của TPHCM đồng thời hòa quyện văn hóa vùng đất phương Nam và tinh hoa văn hóa thế giới. Các sở, ngành và bộ phận có liên quan đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ với quyết tâm khởi công công trình này trong năm nay. |
Tại lễ khởi công, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - phát biểu: “Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ là công trình mang tầm quốc tế với trang thiết bị hiện đại, được thiết kế đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của nghệ thuật biểu diễn quy mô lớn. Nơi đây không chỉ biểu diễn xiếc mà còn có khả năng biểu diễn đa năng và là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao khác”.
Dự kiến công tác huấn luyện chuyển giao công nghệ kỹ thuật với Trung tâm Nghệ thuật TPHCM sẽ bắt đầu từ tháng 5/2025 để kịp đón khán giả vào dịp Quốc khánh năm nay.
Với định hướng phát triển nhằm nâng tầm TPHCM tới vị thế đô thị toàn cầu, các công trình đã và đang được thực hiện là minh chứng cho cam kết của thành phố trong việc đầu tư vào văn hóa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của người dân và nâng vị thế của TPHCM trong bản đồ du lịch văn hóa.
Hoa Nguyễn