Truyện ngắn - Phượng tím trổ hoa

14/11/2020 - 18:00

PNO - Đồ xỏ lá, ba que… đồ hứa lèo… Khi đã nằm yên trên chiếc xe giường nằm chạy êm ru trên những con dốc ngoằn ngoèo Bảo Lộc, cục tức lại nghẹn ứ trong họng Diễm.

Chửi như thế vẫn chưa hả. Làm sao hả được khi mỗi năm chỉ vài ngày riêng tư dành cho nhau mà Hoàng vẫn không thể thu xếp thời gian, hứa lần hứa lữa mãi. Cuối cùng, Diễm lại thui thủi lên Đà Lạt một mình với lỉnh kỉnh sắc màu, giá vẽ.

Anh đã hứa với Diễm khi mới yêu rằng mỗi năm anh sẽ đều đặn một lần làm xe ôm tình nguyện chở Diễm lòng vòng những con dốc, những bờ hồ… bất cứ nơi nào Diễm muốn tìm cảm hứng trên vùng đất phố núi này. Cả Diễm và anh đều là người Sài Gòn nhưng tình cờ gặp nhau ở Đà Lạt, khi anh đang mệt mỏi sau một dự án và Diễm đang hào hứng với một bức tranh mới bên hồ Tuyền Lâm. Anh bị người con gái nhỏ bé bên giá vẽ khá lớn gây sự để tâm, quên hết mỏi mệt ngay từ lần đầu trông thấy. 

Đà Lạt chưa bao giờ là nơi thích hợp với những ai lên đây một mình. Cái lạnh se se, hun hút khi đêm về, khi chiều xuống chỉ khiến người ta thấy sự cô đơn như cứa, như gặm vào từng thớ da thớ thịt, thấm sâu vào tận cùng gan ruột khi không có ai chia sẻ. Mùa này, những bụi cúc quỳ đã tàn lụi gần hết, chỉ lưa thưa vài bông như những đốm lửa không đủ để sưởi ấm. Dẫu tài xế taxi khẳng định thời tiết mùa này đã bớt lạnh nhiều lắm nhưng chẳng hiểu sao Diễm vẫn thấy lòng mình thông thống gió.

Anh tài xế taxi có vẻ háo hức khi Diễm nói: “Chỗ nào anh cho là đẹp, anh cứ chở tôi tới. Tôi chỉ cần một góc yên tĩnh để vẽ. Một con dốc thật đẹp cũng được”. Anh bảo: “Vui nhất là được khách tin, chứ hầu như chẳng khách nào dám đặt niềm tin vào mấy tài xế taxi. Người ta sợ sẽ bị đưa lòng vòng vài con dốc núi vô thưởng vô phạt, dừng lại một địa điểm du lịch cũ mèm, đông đúc nào đó với giá cước trên trời”. Diễm không nói nhiều, chỉ thủng thẳng: “Người ta nói trông mặt bắt hình dong. Nhìn mặt anh, tôi tin anh không như vậy”.

Anh tài xế dừng lại trên đỉnh một con dốc. Con dốc khá đặc biệt như được đánh dấu bằng cây phượng tím đang đơm bông. Sắc hồng của trời chiều phố núi, lại thêm màu phượng tím thật khéo hò hẹn với tâm trạng u uất của Diễm lúc này. Cô không mấy hào hứng nhưng không thể phủ nhận đây là một con dốc khá đẹp. Đứng từ đỉnh dốc có thể nhìn thấy mặt hồ in những hàng thông xanh vút và những căn nhà cổ kiểu Pháp lấp ló. Diễm tự nhủ, chắc với tâm trạng hiện tại, khó có thể nhìn nơi nào đẹp đẽ tươi sáng.

“Cô cứ vẽ đi, khi cần về gọi tôi hoặc nếu thích có thể ghé biệt thự Tơ Chiều uống cà phê, nghe nhạc. Gặp trúng bữa chị chủ quán hát thì hay lắm. Nhưng mà chỉ ít hát, lại hơi khó tính, có gì cô đừng buồn!” - anh chàng giúi số điện thoại vào tay Diễm rồi chầm chậm lao xe đi. Diễm thoáng nghĩ trong đầu, con dốc lạ, quán lạ, chủ quán lạ, chắc vẽ xong cô sẽ ghé theo lời gợi ý. 

***
Cơn mưa chiều ập tới khiến Diễm chỉ kịp thu dọn giá vẽ, cọ màu là đứng chết trân dưới tàn phượng tím. Cổng biệt thự Tơ Chiều chỉ mở he hé, như gượng gạo đón khách. Diễm đẩy cánh cổng rộng một tẹo, ghé mắt nhìn vào. Cả trong lẫn ngoài đều vắng, chỉ hai người phục vụ lúi húi dọn dẹp và một phụ nữ trung niên, có dáng dấp nghệ sĩ hơn là bà chủ, ngồi ôm đàn hát khe khẽ. Chị ngước mắt lên, nhìn Diễm với ánh mắt buồn thiu. Ánh mắt ấy khiến Diễm nhận ra ngay chị là ca sĩ khá nổi của hai thập niên trước.

Trước đây khá lâu, khi còn là cô bé tuổi lên năm, lên sáu, Diễm đã nghe chị hát từ những băng cát-xét cũ mèm. Lúc ấy còn nhỏ, không hiểu hết ca từ nhưng Diễm vẫn rất thích giai điệu bài hát và giọng khàn khàn đặc trưng của chị. Mắt chị loang loáng nước. Chẳng rõ do Diễm nhìn từ xa qua làn mưa nên có cảm giác vậy hay do lòng chị đang chất chứa muộn phiền. Chị khẽ mỉm cười với Diễm, cô cười đáp lại và vội bước vào hiên nhà.

Diễm nhờ người phục vụ pha một ly ca cao nóng, nhìn những cánh phượng tím thả mình liêu xiêu trong mưa gió. Cách đó chỉ vài cánh tay, chị ca sĩ vẫn ôm đàn hát những ca khúc quen thuộc gắn với chị, hầu hết là ca khúc do người tình đã mất của chị sáng tác. Những câu hát buồn vừa dứt, chị lặng nhìn bình hoa trước mặt. Lúc này, Diễm mới để ý đó là một bình phượng tím được cắm giản dị. Trên những mặt bàn khác trong quán cũng được trang trí bằng những cành phượng tím. Khi Diễm thắc mắc vì sao là phượng tím mà không phải mimosa, anh đào hay hoa nào khác, chị cười: “Vì anh thích hoa ấy, chỉ tiếc là chưa bao giờ anh nhìn thấy cây phượng tím ở quê nhà”.

***
Chị đến với anh khi vừa 17 tuổi, anh đã 27. Bác sĩ nói anh chỉ còn khoảng ba năm để sống vì mắc bệnh ung thư xương. Ba năm quá ngắn đối với bất cứ ai chứ đừng nói chi tới anh. Cả chục năm qua, anh mê mải đi trên con đường âm nhạc mà chẳng có duyên. Những ca khúc của anh chẳng thể đi xa hơn cái quán cà phê ca nhạc bé xíu anh tự mở, để thỏa đam mê được sáng tác, được ôm đàn và hát cho người ta nghe. Anh luôn mang mặc cảm mình sẽ tan biến đi khi chưa kịp để lại một dấu vết gì. Trái lại là chị, ở tuổi hồn nhiên trong trẻo nhất, chẳng hiểu sao càng gần anh, chị lại càng thương cảm, tin yêu. Mặc gia đình ngăn cấm vì không môn đăng hộ đối, vì tương lai quá ngắn ngủi và vô vọng, chị vẫn cãi cha mẹ để đến với anh.

Ngày anh bỏ phố núi để xuống Sài Gòn chữa bệnh cũng là để trốn tránh mối tình vô vọng, chị rơi vào trầm cảm. Chị biết anh thương chị nên mới bỏ đi nhưng thương như vậy bằng ngàn lần hại nhau. Bởi lúc ấy, ngày nào không có anh, với chị, ngày ấy sống khổ hơn chết. Chị vạ vật trên giường, ăn không nổi, nuốt không trôi. Trong khi đó, ba mẹ vẫn ráo riết canh chừng, cửa đóng then cài, sợ chị làm điều dại dột. Sau những ngày sống khổ sở như một cành cây khô, chị điểm tô chút son phấn, xin phép ba mẹ ra bờ hồ dạo mát. Ba mẹ chị cân nhắc một lúc, quyết định để chị đi cùng cô em gái. Không ngờ cô em có nhiệm vụ giám sát kia sẵn sàng tiếp tay cho bà chị trốn đi, vì quá ngưỡng mộ mối tình của họ.

Chị khóc òa khi gặp lại anh. Phút giây gục đầu trên bờ vai gầy guộc ấy, chị cảm nhận rõ đây chính là chỗ dựa duy nhất trong cuộc đời mình. Chị sẵn sàng bỏ cuộc sống khuê các để theo anh du ca, sống trong những căn phòng trọ chỉ đủ chỗ trải manh chiếu. Trong chật chội, vất vả, chị nhìn thấy hạnh phúc. Dường như đã gặp đúng duyên, anh sáng tác khỏe hơn. Nhiều người biết đến những bản tình ca của anh hơn khi chúng được trình bày bởi giọng ca khàn khàn ấm nồng của chị và ngón đàn điêu luyện của anh. Chỉ hai năm sau, họ trở thành một trong những cặp nghệ sĩ luôn được chào đón nồng nhiệt nơi đất khách. 

Cả anh và chị đều không hiểu vì sao khi quỹ thời gian sống của anh được tính từng ngày thì sức khỏe anh lại ngày càng được cải thiện. Anh sợ đến bệnh viện; sợ sau những chiếu chụp, xét nghiệm là chẩn đoán của bác sĩ về thời khắc sinh mệnh của mình. Quá ba năm, sau những ngày cả anh và chị dường như không dám nói nhiều, thở nhiều vì sợ điều kinh hoàng mà vị bác sĩ trước đây nói sẽ đến bất cứ lúc nào, anh mới đến bệnh viện kiểm tra lại. Vị bác sĩ già cười rạng rỡ: “Chẩn đoán trước đây nhầm lẫn. Đúng là rất dễ nhầm khi anh có những triệu chứng y như ung thư xương giai đoạn cuối”.

***
Như được trở về từ cõi chết, anh sáng tác ngày càng hay. Những ca khúc của anh ngày càng được nhiều người yêu thích. Đồng nghĩa với việc xung quanh anh ngày càng nhiều nữ ca sĩ trẻ, người hâm mộ trẻ đẹp ái mộ. Bên anh, chị vẫn hằng ngày hát những khúc tình ca của người tình, họ vẫn là cặp đôi đẹp trong mắt mọi người. Trong khi chị tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu duy nhất chị dành cho anh thì anh đã có những phút xao lòng.

“Đã quá sức chịu đựng của em rồi. Chừng đó năm em hy sinh vì tình yêu nên giờ, khi tình cảm chia năm xẻ bảy, em không thể chấp nhận thêm một giây, một phút nào”. Khi nói với anh điều ấy, chị thấy ruột gan mình se lại. Anh vẫn ngồi lặng im đốt thuốc, không thanh minh, không van xin, dù chị đã kéo chiếc va-li ra khỏi căn nhà. Phía khác, nước mắt chị dầm dề khuôn mặt vẫn đang độ xuân sắc. Chị băn khoăn khi ra đi mà vẫn mong đợi anh níu lại. Chỉ vậy thôi là chị lại tha thứ, như từng tha thứ nhiều lần…

Bẵng đi một thời gian, chị nghe tin anh sang Mỹ định cư cùng gia đình. Chị cảm nhận rõ sự trống rỗng trong mình kể từ đó. Quay về Đà Lạt, chị mở một quán cà phê nhỏ, đêm đêm ngồi hát tình ca cho khách lạ nghe để bớt cảm giác trống rỗng hơn là vì mục đích mưu sinh. Đôi khi nghe ai đó nhắc hay hỏi về anh, chị vẫn cảm giác có vết cứa sắc ngọt vừa lướt qua lòng mình.

Sinh nhật tuổi 40, chị nhận được bưu thiếp chúc mừng của anh, trong đó có ép một cành phượng tím. Anh nói, chẳng hiểu sao lúc đó sự ngạo nghễ trong anh bỗng dưng lớn thế, nên anh để chị ra đi; nên khi sắp rời xa, anh vẫn không đến gặp chị lần cuối. Anh ví hình ảnh của chị trong anh như nhành hoa này. Ước mơ lớn nhất của anh là được quay lại cùng chị, ngồi bên một khung cửa sổ ngập nắng và hoa phượng tím để cùng nhau đàn và hát lại những khúc tình ca. 

Chị không hồi đáp. Anh giải thích chỉ vì sự ngạo nghễ ư? Thì chị cũng có sự kiêu hãnh của chị. Chừng đó năm ưu phiền và mòn mỏi chờ đợi để nhận lời giải thích, không một lời xin lỗi, chị thấy lòng chỉ nhẹ đi đôi chút. Ước mong trở lại bên nhau không chỉ của riêng anh. Chị hỏi khắp nơi để xin giống phượng tím. Cuối cùng, một anh bạn học thời cấp III đã định cư ở Đức gửi về cho chị bảy hạt giống. Gieo bảy hạt xuống đất, kết quả ba cây nảy mầm, sống tận ngày này. “Một cây đầu con dốc em thấy, một cây trong sân vườn, một cây ở ngôi chùa cạnh nhà”. Chị luôn tin có ngày anh quay lại, để sống với ước mơ cùng chị ngồi bên khung cửa ngắm hoa phượng và hát ca.

Đó là ngày cây phượng tím trong sân nhà trổ hoa ngăn ngắt. Ngày ấy thấm thoắt đã mười năm, cũng buổi chiều vắng khách như chiều nay. Trong ráng chiều hoàng hôn đỏ thẫm lẫn với màu tím ngắt thành một thứ màu buồn ảm đạm - người khách lạ, là người em họ của anh mà chị chưa từng gặp - tìm đến. Cô nâng niu chiếc giỏ mây và cây đàn guitar quen thuộc của anh. Sau vài câu thăm hỏi, cô ngập ngừng mở chiếc giỏ ấy, nói với chị: “Cây đàn này và… đây là những gì còn lại của anh tôi muốn chuyển đến chị. Trong di chúc anh dặn vậy”. Cô gái nâng nhẹ hũ tro cốt ra khỏi chiếc giỏ.
Anh đột quỵ ngay sau buổi biểu diễn. Hôm ấy đứng trên sân khấu, anh chia sẻ, đã nhiều năm anh không gặp lại cô gái trong bài hát này nhưng anh tin sẽ có một ngày gặp lại, không xa. 

Chị lặng im nghe cô em gái kể. Cho tới khi tiễn khách, khép lại cánh cổng gỗ, chị vẫn lặng thinh. Chỉ khi trở lại căn phòng, nhìn cây đàn, nhìn hũ tro và sắc trời hoàng hôn chuyển về đêm tím sẫm màu phượng, chị khóc òa như thể hàng chục năm tới giờ nước mắt mới vừa được khơi dòng. Từ khi còn rất trẻ, chị hiểu, người ta sẵn sàng chờ đợi khi yêu. Nhưng ngược lại, có những điều không nên chần chừ, thì bây giờ chị mới hiểu. Ví dụ như chỉ một lời hồi đáp, một lời yêu thương… Bây giờ, tất cả đã quá muộn. Nỗi nhớ anh đôi khi vẫn thức dậy quặn thắt khi chị kể về chuyện tình đẹp như bài tình ca cho một người khách lạ nghe. Chẳng biết khi ra đi vĩnh viễn, anh có biết chị vẫn luôn chờ đợi.

***
Khi nghe chị nói điều ấy, nhìn chị lướt những ngón tay gầy xanh trên những dây đàn và rũ mái tóc xoăn nhẹ bồng bềnh trên vai, Diễm chợt nhớ tới tin nhắn của Hoàng từ trưa vẫn chưa hồi đáp. Hoàng báo đã giải quyết xong mọi việc, sẽ lên Đà Lạt chuyến xe đêm nay. Cô nhắn vội: “Anh lên nhanh nhé, em chờ…”. 

Khôi Nguyên Thảo

 
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI