Truyện Ngắn - Người đàn bà đọc tiểu thuyết

12/12/2022 - 20:09

PNO - Mùi cỏ sau mưa dường như thơm hơn, thứ cỏ sung sức trổ lá xanh rờn đất hoang, phủ lên những chỗ cằn khô mùa trước chưa ẩm kịp.

Mai nán lại trên cành, cố nhoi sắc vàng lên khỏi đám lá thẫm, màu vàng chẳng còn được săn đón như trước. Thời tiết kỳ quặc như đập các mùa vào nhau bỗng nhiên đẹp lạ lùng. Có lẽ vì thầy Trường đang vui.

Mong muốn mười mấy năm trời của thầy cuối cùng đã hoàn thành. Ấp ủ suốt trong đầu từ hồi mới bắt đầu đi dạy, ý tưởng như con cá nhỏ ngày càng lớn dần, vùng vẫy đòi thoát ra. Cho tới khi chuyển công tác về dạy ở đây, thầy mới thực hiện được. Ra một cuốn tiểu thuyết đâu phải chuyện dễ dàng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cuốn tiểu thuyết này thầy tự bỏ tiền in. Bìa, thầy nhờ bạn là giáo viên mỹ thuật làm, dàn trang nhờ bạn khác là giáo viên tin học… Qua một loạt bạn bè nó mới thành hình. Lúc chờ xin giấy phép in, thầy cứ hồi hộp, sợ không được. Giữa đêm, giấc mơ cầm cuốn tiểu thuyết bỗng nhiên bốc cháy làm thầy giật mình thức dậy, lưng áo ướt nhem, đầu đau như vừa tỉnh cơn rượu càng thôi thúc thầy phải làm cho bằng được.

Cầm cuốn tiểu thuyết đã thành hình, thầy cảm thấy như có một nguồn điện chạy qua mấy ngón tay, làm chúng tê rần đi vì sung sướng. Cuốn sách của thầy là cả một quá trình ấp ủ. Hệt như ngày ta gieo hạt, bỏ công chăm bón, nơm nớp lo bão giông sâu bọ, biết bao lâu mới cầm được trái chín đầu mùa. Thầy cầm sách như cầm đóa hoa thơm mà mỗi trang là mỗi cánh mỏng ngấm đầy hương.

Cuốn tiểu thuyết chín mươi phần trăm là sự thật, kể về chuyện tình ngày thầy Trường còn trẻ. 
***
Yến tính đi trả sách cho thư viện mà sực nhớ còn mấy cuốn má chưa đọc xong nên thôi. Thiệt tình, cô chưa thấy ai như má. Má Yến bán cá ngoài chợ, ăn nói bốp chát rổn rảng không chịu thua ai, áo quần chỉ ưa giản dị cho đỡ bám mùi cá tanh. Má thấp đậm, tướng tá đẫy đà, việc nặng trong nhà từ ngày cha Yến mất không việc chi má không làm nổi. Tóm lại, từ đầu tới chân, từ trong ra ngoài, không có chỗ nào liên quan tới sở thích đọc sách của má, nhất là tiểu thuyết tình cảm.

Chuyện đó là yếu tố di truyền khiến Yến tự hào nhất nhưng cũng có chút phiền bởi với má, đọc sách không phải bạ đâu đọc đó được. Sách là kiến thức, cần tôn trọng và bảo quản cẩn thận. Phải tránh mấy chỗ dễ làm dơ, ồn ào tạp nham. Tức là má không chịu đọc sách ở chợ, cũng không đọc khi gần những con cá từ tươi roi rói tới nằm chết cứng đơ chờ giảm giá chợ chiều. Tức là má đợi tan chợ, về nhà tắm rửa sạch sẽ cơm nước xong xuôi mới chui lên gác bật đèn ngồi đọc sách. Cũng tức là trong một ngày của má, thời gian đọc sách chỉ vỏn vẹn chút xíu cuối ngày, vì má phải đi ngủ sớm để còn dậy sớm cân cá cho tươi. Do đó, má đọc chậm kinh khủng, Yến luôn phải chờ.

Đã mấy lần Yến ngỏ lời để cô đọc xong rồi kể cho má nghe cho tiết kiệm thời gian nhưng má gạt phăng. Dù đôi lúc vẫn phải kêu Yến giải thích một số từ má không hiểu nghĩa, má vẫn muốn tự đọc. Má muốn một mình thưởng thức trọn vẹn từ con chữ đến trí tưởng tượng trong đầu mà không một ai xen ngang. Má nói đó là sự tôn trọng dành cho tác giả. Khi nghe câu đó, Yến bật cười. Điệu bộ má lạ lùng lắm: nghiêm túc hết mức, mặt mày căng cứng như sắp cự lộn với mấy chủ vựa ép giá cá. Vậy nhưng Yến cười vì thú vị và tự hào. Cô không ngờ má của cô lại dễ thương tới vậy. 

Hết sách để đọc, mở cặp tính lấy bài tập ra làm, Yến mới nhớ còn một cuốn tiểu thuyết cô chưa đọc - tiểu thuyết của thầy Trường. Thầy mới về dạy ở trường Yến được vài tháng. Thầy dạy hay lắm. Thầy hay trích dẫn sách này sách nọ, đúng kiểu dạy của một thầy giáo yêu nghề. Nghe nói sách này thầy tự in và chỉ dành tặng những người thầy quý. Thầy để một mớ tặng cho những trò học tốt môn văn, trong đó may mắn có Yến. 

Tò mò quá, Yến lấy ra đọc luôn. Đúng là thầy giáo dạy văn có khác, từ ngữ mượt mà cuốn hút quá chừng. Có điều sao nội dung này Yến thấy quen quen. Không phải cô từng đọc ở đâu mà chính xác là cô đã từng được nghe kể. Hình như là má kể. Yến không chắc. Thôi thì đợi đọc xong cô sẽ đưa cho má đọc, lúc đó má sẽ biết liền. 
Nghe đâu thầy Trường hồi xưa cũng là người xứ này, biết đâu thầy với má là người quen không chừng. 
***
Mất một tuần má mới đọc xong cuốn tiểu thuyết của thầy Trường. Ngay khi khép trang cuối lại, má kêu Yến lên hỏi mấy câu. Đại loại thầy bao nhiêu tuổi, người ở đâu, ngoại hình ra sao. Biết thầy trạc tuổi má, người từ thành phố về nhưng nghe đâu xưa ở xứ này, dáng thư sinh dong dỏng cao, má chỉ cười tủm tỉm. Má dặn Yến nhắn lại với thầy rằng sách viết hay lắm nhưng sai một ý rồi, không biết thầy nhớ nhầm hay cố tình thay đổi cho phù hợp. 
- Má từng kể cho con nghe chuyện giống với cuốn tiểu thuyết thầy viết đúng hông má? - Yến hỏi liền khi nghe giọng nửa úp nửa mở của má. Cô biết liền má có quen thầy. 
- Ừ, con nghe mà chắc cũng quên rồi vì nếu nhớ con đã biết thầy viết sai chỗ nào - má lại cười, đứng dậy tắt đèn bàn, sửa soạn đi ngủ - Muốn biết rõ hơn thì hỏi thầy con đi! 
***

Yến học văn tốt nhất nhì lớp, chuẩn bị được chọn vô đội tuyển của trường để thi học sinh giỏi văn cấp huyện. Trong mắt thầy Trường, Yến như đệ tử ruột, nhưng dù có cưng cô học trò nhỏ tới đâu, chuyện nghe cô bé nói má cô chê thầy viết sai là không thể chấp nhận. Cuốn tiểu thuyết đó là tâm huyết cả đời thầy, sai là sai làm sao. Thầy đã dốc hết công sức vô đó, chăm chút từng chữ một. Nói không phải kiêu ngạo, ai dám nói thầy viết sai chỉ có thể là không đủ khả năng hiểu hết những gì thầy viết. 

Vậy mà lúc nghe Yến thuật lại nguyên văn lời của má cô, thầy Trường bỗng nhiên chưng hửng. Thầy rà lại ký ức, đúng là hình như thầy có nhớ lầm một chi tiết. Cũng không hẳn là lầm. Chi tiết về màu của cái kẹp tóc thầy tặng bạn gái. Ký ức đó quá mờ mịt, thầy không thể nhớ ra nổi nên đành chọn đại một màu gắn vô. Có điều chuyện này chỉ thầy và cô ấy biết, làm sao má của cô học trò này lại biết?

Sự nghi hoặc bắt đầu nhen rễ trong lòng thầy Trường. Từ từ, thầy cố gắng nhớ lại mọi chuyện. Năm đó, người thầy yêu thương nhất quyết ở lại xứ này chứ không chịu đi cùng thầy. Nghe đâu sau đó cô ấy đã lập gia đình. Bấy nhiêu năm trôi qua, có thể con của cổ đã lớn bằng Yến. Có thể lắm chứ. Biết đâu má của Yến chính là người thầy yêu năm xưa. 

Ngỡ ngàng và xúc động, thầy Trường nắm lấy tay Yến, giọng vừa khẩn khoản vừa run rẩy:
- Bữa nào con đưa thầy tới gặp má con được không? 
***
Má Yến đang ngồi bán cá ngoài chợ. Trưa nắng khiến mùi cá bốc lên tanh rình. Bà phe phẩy quạt đuổi ruồi, lớn giọng rao. Bà ngồi chồm hổm trên ghế, tay cầm ca cà phê đá hút rồn rột, khà lên một cái đầy sảng khoái. Khách tới mua, má hồ hởi chào mời, làm cá cho khách. Máu cá bắn lên dính trên mặt, má đưa tay quệt nhưng chẳng những không sạch mà còn khiến nó tèm lem hơn. 

Những hình ảnh đó thầy Trường đã nhìn thấy hết. Thầy đứng im như tượng, mãi tới lúc Yến hối thúc lần thứ mười thầy mới ờ ờ bước tiếp. Thầy không thể tưởng tượng được người yêu cũ xinh đẹp ngày nào giờ đã trở thành một bà bán cá bặm trợn như vậy. Những nét đẹp đẽ ngày xưa đâu rồi? Chân mày cong cong giờ đã thay bằng chân mày phun xăm đậm đen ngang phè. Đôi môi hồng hồng đã biến thành đỏ lựng màu xăm. Những đường nét hài hòa đã chảy xệ và nhăn nheo. Dù cảm thấy bản thân hơi quá đáng, thầy Trường vẫn ước thầm người trước mặt không phải là cô gái thầy từng yêu…
- Má, con đưa thầy tới mua cá ủng hộ má nè! - do được thầy Trường dặn trước nên Yến nói theo lời thầy. 
- Ờ - má Yến ngừng tay, ngẩng đầu lên nhìn. Người đàn ông trước mặt làm bà giật mình cắt đứt phăng cái đầu cá thu. Lóng ngóng, bà chỉ tay quanh mấy mâm cá, xởi lởi mời - Thầy ăn cá gì lựa đi, tui lấy rẻ cho! 
- Em… cô có phải là Huệ không? - thầy Trường ấp úng vì không biết phải gọi người cũ thế nào.

Má Yến buông kéo, trầm tư như đang suy nghĩ gì, rồi má ngẩng lên nhìn thầy Trường và Yến.
- Con dẫn thầy về nhà chơi đi. Má làm xong mấy con cá rồi nhờ người coi hàng giùm, lát má về nói chuyện với thầy. 
Yến dạ ran, dẫn thầy băng qua dòng người đi chợ trưa. Không biết má với thầy tính nói gì. Cô thấy chuyện này bí ẩn quá chừng. 
***
Tắm rửa sạch sẽ xong, má Yến ngồi nhấm nháp ly trà gừng, nói giọng nhè nhẹ:
- Ừa, tui là Huệ, nhưng không phải Huệ mà thầy tìm. 
Thầy Trường nghe vậy dù mừng nhưng vẫn giấu kín chuyện đó trong lòng. Thầy đang thắc mắc một chuyện khác.
- Vậy sao cô biết trong cuốn tiểu thuyết của tôi có chỗ viết sai? Chuyện đó chỉ có Huệ của tôi biết.
- Huệ của tui… - má Yến lặp lại lời thầy - Biết chớ sao không, nó kể tui nghe hoài. Thầy không nhớ cũng phải. Thầy mê Huệ của thầy chớ đâu có quan tâm ai xung quanh nữa. Huệ của thầy có bà chị cũng tên Huệ, là tui đây!
- Tức là… - thầy Trường nhíu mày. 
- Nhà Huệ của thầy ở cuối xóm, lát tui kêu con Yến chỉ đường cho. Mà nó đi tỉnh có công chuyện chưa về, thủng thẳng vài ba bữa nữa thầy ghé.

Thầy Trường gật đầu, nói cảm ơn rồi xin phép ra về. Khi thầy gần ra tới cổng, má Yến đứng trong nhà nói vọng ra:
- Sách thầy viết hay lắm. Chắc em tui thích. 
Thầy Trường mỉm cười, gật đầu rồi bước đi. Tự nhiên lúc đó trời đổ mưa ngang xương khiến bóng thầy trở nên nhòe nhoẹt và buồn bã quá chừng. 
***
Thỉnh thoảng, thầy Trường hay ghé chỗ má Yến mua cá. Bà hay lựa những con cá ngon nhất cho thầy, nói để cảm ơn thầy đã chỉ dạy con bà nhiều thứ, lại còn cho mượn nhiều sách hay để bà đọc ké. Bà cũng khoái chọc thầy, lâu lâu bà cứ kêu Huệ của thầy nhắc sao không thấy thầy qua nữa. 
- Cổ có chồng con rồi, tôi cũng ngại thăm hỏi - thầy Trường cầm bọc cá má Yến đã làm sạch, buồn buồn nói - Với lại cổ nói chuyện xưa cổ cũng quên nhiều rồi, thôi đừng nhắc lại làm chi. 

Má Yến gật gù: “Cũng phải mà, chuyện gì đã qua rồi cho qua đi”. Đợi thầy Trường đi khuất, bà mới lấy cuốn tiểu thuyết thầy tặng Yến ra ngắm nghía. Cuốn sách được bà bọc trong túi ni lông để tránh làm dơ. Nhìn cuốn tiểu thuyết, tự nhiên mắt bà cay cay, dù đã kìm lại vẫn rớt một giọt nước mắt. 

Yến đã nhìn thấy hết. Cô đem cơm trưa ra cho má, thấy thầy Trường nên chưa tới vội. Ai ngờ cô thấy má khóc. Giọt nước mắt của má làm lay động thứ gì đó trong lòng Yến, khiến cô chợt nhớ ra. Hình như dì Huệ đâu có kể chuyện về thầy, chỉ có má kể. Trong đầu cô bỗng nghĩ ra một kế hoạch, không biết liệu có thành công hay không nhưng phải thử mới biết được sự thật. 
***
- Huệ của thầy hồi xưa đẹp như vầy phải không? - Yến đưa cho thầy Trường coi một bức ảnh đen trắng, dù giữ gìn rất kỹ vẫn bị mối mọt cắn lốm đốm vài chỗ. Giống như là ký ức, thời gian khiến chúng chẳng thể còn vẹn nguyên như cũ. 
- Đúng rồi, sao em có hình này? - thầy Trường bàng hoàng. Những ngón tay thầy vuốt ve khuôn mặt người con gái trong hình, đôi mắt đăm chiêu như đang cố nhìn về quá khứ - Hồi đó dì em đẹp ha, bây giờ vẫn đẹp.

Yến xin lại tấm hình rồi chào thầy ra về. Thấy thái độ khó chịu của cô, thầy Trường gặng hỏi nhưng cô chỉ lắc đầu. Bặm môi mấy lần, cuối cùng Yến mới quyết định nói một câu:
- Hóa ra chỉ có ký ức mới đẹp đẽ, còn sự thật không được như vậy, phải không thầy? Hèn chi có lần trong giờ học thầy từng nói, người ta thường chỉ nhớ những điều quý giá. 

Thầy chưa kịp hiểu gì, Yến đã chạy đi mất. Hình như cô học trò khóc. Thầy thấy vai cô bé run run. Có phải thầy đã bỏ lỡ điều gì đó, một điều mà thầy cảm giác rằng quan trọng?
***
Vừa thấy má, Yến đã nhào tới ôm chầm lấy, mặc kệ má cố đẩy cô ra. 
- Con nhỏ này, má chưa tắm rửa, tanh rình nè!
- Má nói xạo! - Yến nức nở - Sao má không nói người con gái thầy tìm là má? Sao má phải nhờ dì nói xạo với thầy?
Má Yến khựng lại. Bà lặng im như bầu trời trước cơn giông. Chầm chậm, bà hít một hơi thật sâu, đưa tay vuốt tóc con gái:
- Má xin lỗi. Má chỉ muốn thầy giữ được những ký ức đẹp đẽ nhất. Con hiểu không?

Yến gật đầu, cô hiểu chứ. Cô hiểu sự khác biệt giữa ký ức và thực tế nhưng cô không thể chấp nhận điều đó. Cô không thể chấp nhận việc thầy không muốn thừa nhận má là người trong chuyện tình đẹp đẽ đó chỉ vì má không giống như trước nữa. Thầy đâu biết má đã phải trải qua chuyện gì khi một mình cáng đáng gia đình. Thầy cũng đâu biết má nâng niu cuốn tiểu thuyết thầy viết ra sao. 

Trời bữa nay cũng mưa. Mưa dầm dề như cố phủ lên mọi thứ một màn hư ảo. Giữa màn mưa ấy, thầy Trường đã tới bên hiên từ lúc nào. Trong tiếng nước đổ xuống ầm ĩ, thầy nói như hét:
- Huệ, em cho tôi xin lỗi! 

Yến quay nhìn thầy rồi lại ngẩng lên nhìn má. Má cũng nhìn cô, nhìn vào tận trong lòng cô. Thấy cô gật đầu, má cũng gật đầu theo. Hai má con có cùng một suy nghĩ. Má Yến ngẩng lên, nói vọng ra ngoài:
- Anh vô nhà đi, đứng ngoài đó cảm lạnh bây giờ. 

Phát Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI