Truyện ngắn - Lối uyên ương

13/01/2024 - 10:50

PNO - Vừa thấy chị về tới cổng, bác Bảy chủ xóm trọ đã kêu lại, biểu sáng mai ở nhà, có khách ghé thăm. Hỏi ai ghé, bác Bảy chỉ cười cười. Hiểu tính bà, chị dạ một tiếng rồi hướng mắt về phía căn phòng cuối dãy trọ. Giờ này hẳn chồng chị đang lúi húi bắc nồi cơm, lặt bó cải nấu canh cho bữa tối.

Vợ chồng chị lúc nào cũng trong tâm thế thắt lưng buộc bụng. Tiền trọ mỗi tháng hết 2 triệu rưỡi, chưa tính điện nước. Cu Bon lên lớp Bảy và Cà Na vô lớp mầm, đủ khoản phải chi. Chị may trong xí nghiệp, chồng chị kéo xe ở chợ đầu mối. Cái nghề đã lấy đêm làm ngày rồi mà sáng ra anh đâu chịu nghỉ ngơi, cứ tranh thủ nhận thêm vài cuốc xe ôm, mặc chị càm ràm cày kiểu đó sức nào chịu thấu.

Chị hiểu, rất hiểu, chồng chị đặt lên vai anh bao nhiêu sức nặng trách nhiệm làm chồng, làm cha và thăm thẳm nỗi niềm đứa con không thể kề cận cha già đau bệnh. Cho nên, chẳng cần chờ chồng lên tiếng, chị luôn tự dặn mình tằn tiện, chắt bóp, nhịn đói bữa nay bữa mai, nhất quyết cuối tháng đều đặn gửi phụ ba chồng đôi đồng. Ông đang chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần trong bệnh viện huyện ngoài quê, khi khỏe thì bứt mây đan dần, sàng đem ra chợ thị trấn bán. Cả một đời gà trống nuôi 3 đứa con, không biết có ngày nào ông thảnh thơi. Chị hay lấn cấn chuyện đó. Và vì hay lấn cấn, chị trách mình là đứa con dâu tệ, chưa chăm sóc được cha chồng ngày nào. Những nắng mưa trở trời, những sớm tối cơn đau thể xác hành hạ, những gió se sắt cuối Chạp, hẳn ông buồn biết mấy. Hồi mới quen anh, chị cứ nơm nớp sẽ bị nhà chồng xa lánh, cấm đoán nhưng chính ba chồng lại là người vun vào cho tụi chị. Ông cũng chính là người thuyết phục ba má chị rằng tụi nhỏ thương nhau thiệt dạ, là người lớn sao đành đoạn cắt lìa. 

***
Tốt nghiệp phổ thông, ngày 2 bữa chị ngồi đò lên chợ thị trấn, kê cái chõng tre bán xu xoa, mà ế quá. Món này phải gánh lòng vòng làng trên xóm dưới, khách ngồi ăn ngay trước cổng nhà mới ham. Đâu phải chị lười, mà vì hoàn cảnh nên đành vậy. Rốt cuộc, chị theo cô Lụa người làng vô Sài Gòn. Bữa chị xin đi, má nạt ngang: “Tau ăn rau bây ăn rau, tau ăn cháo bây có cháo, không nhảy xe đâu hết!”. 

Nhưng chị rất quyết tâm dù Sài Gòn đối với chị hồi đó là một nơi xa ngái, mênh mông không cách nào mường tượng nổi. Chỉ biết, qua lời cô Lụa, ở trỏng lủ khủ công ty, xí nghiệp, kiểu chi cũng có việc, dành dụm đôi ba đồng vốn rồi về thị trấn thuê mặt bằng mở tiệm quần áo hay xoong nồi cũng được. Chớ ở làng biết làm chi! Quanh năm trồng lúa, rải bắp, gieo mè, được mùa thì mất giá, được giá lại thất bát mùa màng. Đó là chưa kể hạn hán kéo dài, đồng khô cỏ cháy, đất đai nứt toác từng mảng, con người chỉ thở thôi đã mệt.

Và nước. Và gió. Bão qua, lũ tới, vòng luẩn quẩn dằng dặc từ cha ông sang cháu con. Đã bao nhiêu lần nhà chị trắng tay chơi vơi trên đỉnh lũ. Đã bao nhiêu lần chị chìm nghỉm giữa đám bùn nhão nhoẹt, cố quơ quào coi còn sót lại gì dưới khung xương xà ngang chỏng chơ. Mưa tạnh, gió tan thì dựng lại nhà, cuốc lại miếng đất, thấp thỏm không biết mùa bão năm sau nước có lần nữa trồi lên cuốn trôi bao công sức, của cải. Cho nên chị nhất quyết xa làng, làm một cuộc đi gập ghềnh thấy trước. Cô Lụa thiệt tình dặn đừng tưởng tượng bay bổng màu mè chi rồi hụt lòng, Sài Gòn nhà rộng lầu cao nhưng mấy chốn phồn hoa đó không có chỗ cho lao động tha phương chân ướt chân ráo như cô cháu mình. 

Vô tới nơi, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần mà chị vẫn ngạc nhiên hết sức. Đứa con gái quê mùa quen sống cảnh quê, nghèo thiệt là nghèo, được cái đất đai ruộng vườn mênh mông, đi bước nào khoáng đãng bước đó giờ đây hụt hẫng trước cảnh tấc đất tấc vàng đúng nghĩa đen. Chỗ trọ ban đầu của 2 cô cháu là căn phòng chưa tới chục mét vuông, nền gạch nứt nẻ, tường xi măng đen xì bong tróc, nhà vệ sinh xài chung, giá thuê 500.000 đồng mỗi tháng. Sáng sớm luôn là cuộc chờ mòn mỏi với mấy chục con người lục tục xếp hàng trước cửa nhà vệ sinh, chộn rộn những cái tặc lưỡi, những gương mặt nhăn nhó bực bội, những hối hả sợ trễ giờ vô ca. Tắm táp giặt giũ ban đêm cũng vậy, lại chờ, lại nghe trong gió tiếng ai đó càu nhàu biết chừng nào mới tới lượt. Và nữa, chị đâu ngờ Sài Gòn cũng có những ngày mưa dầm dề, xóm trọ ngập lênh láng, nước tràn cống, chai nhựa, hộp xốp bồng bềnh bắt sợ. “Như ri khỏe hung rồi. Hồi chưa có bây, cô mướn chỗ ngủ đêm, ngả lưng chừng mấy tiếng đồng hồ bật dậy trả tiền là đi, lang thang cùng khắp với gánh bánh tráng trộn. Ăn thì chỉ 2 món trường kỳ: mì tôm sống và rải muối mì tôm lên bịch cơm trắng mua chỗ ga, “bữa cơm” nào cũng không được quá 3.000 đồng” - cô Lụa an ủi chị bằng hành trình trần trụi của chính mình, nghe tới đâu tan nát giấc mơ thị thành tới đó. 

Nhìn lại, chị thấy mình thiệt hay lo. Đợt mới tới Sài Gòn, chị hồi hộp suốt từ lúc khập khiễng bám gót cô Lụa coi bảng tin tuyển dụng bên ngoài khu công nghiệp tới mua hồ sơ nộp, chờ phỏng vấn, băn khoăn liệu người ta có nhanh chóng lắc đầu bỏ qua mình hay sẽ hỏi thăm, động viên đôi ba câu lấy lệ rồi kết luận: “Thiệt tiếc quá, tạm thời xí nghiệp chưa có phần việc nào phù hợp với em”. Đâu phải chị vụng về, biếng nhác mà bởi chân cẳng chị đi đứng không mau lẹ. Mỗi lần ngó xuống đôi chân một bên teo tóp của con gái sau đợt sốt bại liệt hồi chị 3 tuổi, má chị lại rớt nước mắt. Má sợ chị bị ăn hiếp, chọc ghẹo, chê bai giữa phố lạ sẽ thêm tủi thân tủi phận. Vậy mà vô công ty chị lại được hướng dẫn tận tình. Từ một cô công nhân lơ ngơ chỉ được giao đạp lai, giờ chị lên tay, đã thành thạo nhiều công đoạn khó. Chị vẫn nhớ như in ngày nhận tháng lương đầu. Kể sao cho hết nỗi mừng! Đứa con gái quê lần đầu cầm tiền triệu trên tay thấy to khủng khiếp. Khúc khích cười hoài nên trên đoạn đường về xóm trọ, chị lập bập đâm đầu vô một người - mà sau này để lại cho chị một vết thương tưởng không bao giờ lành.
***

Khi cu Bon ra đời, xóm trọ thở dài thườn thượt, râm ran với nhau sao thấy tội nghiệp quá chừng, đàn bà vượt cạn một mình đã trần ai, huống chi chân cẳng con nhỏ như vậy. Chị nài xin cô Lụa giấu ba má giùm chị. Cô cũng thở ra nặng nhọc như bà con xóm trọ: “Chuyện tới nước này, cách nào bây nuôi thằng nhỏ?”. Chị hít một hơi dài chắc nịch. Mình làm mình chịu, chừng con cứng cáp chút, chị sẽ tạ lỗi trước ba má. Tuổi 20 bồng bột, chị tự xô bản thân mắc kẹt trong một mối quan hệ tạm bợ mà cứ ngỡ sống chết có nhau trọn đời. Cái dự tính năm nay, trễ hung thì năm sau, về ăn tết bên ba má cứ vậy mà dài ra tận 10 năm. Mà, trong cái đoạn trường 10 năm đó, có tới 7 năm, chị còm cõi ôm con một mình. Cô Lụa rời phố, ngược về Đà Nẵng thuê trọ sống với thằng út mới đậu đại học. Bữa chia tay, cô không nói gì, chỉ ôm chị thiệt chặt và nhìn cu Bon qua làn nước mắt. Không ruột thịt chi mà cô thương mẹ con chị đến thắt lòng.

Chị chuyển tới xóm trọ bác Bảy sau một trời đắn đo. Đồng lương khá hơn ban đầu nên chị muốn con có không gian thoải mái hơn. Dù vậy, chị vẫn phải tằn tiện co kéo, chu toàn trong này, phụ chút ít ngoài mình. Má chị thường trách khan qua những cuộc điện thoại: “Trong đó có gì mà bây không thèm về? Tau nghèo rớt mồng tơi nhưng tiền bây gửi tau không thèm đụng tới”. Lần nào cũng vậy, chị đáp bằng giọng cà rỡn: “Tiền con gái cho mà má nói kỳ thiệt nghe! Mai mốt giàu bao la con về luôn một thể”. Biết kiểu cà rỡn vậy sẽ khiến má lẫy một chút và buồn rất nhiều ngày sau đó mà chị không cách chi làm khác được. 

Giấu một đứa trẻ nghĩa là luôn canh cánh, trong niềm vui có nỗi phiền lo ăm ắp. Từ đợt sắm được điện thoại cho má, cho mình, lần nào gọi chị cũng tập trước cả buổi trời, cân nhắc chuyện nào sẽ nói và chuyện nào không. Giả dụ má gọi đột ngột giữa bữa cơm tối, chị sẽ quáng quàng dòm trước ngó sau, thon thót sợ cu Bon thình lình bật ra tiếng khóc khiến đầu bên kia hỏi: “Con nhà ai đó bây?”. Bác Bảy hay quở: “Xấu tốt chi cũng là con là cháu, con cho ba má biết đi. Hoặc muốn giấu thì trả lời đó là đứa nhỏ nhà hàng xóm.

Có điều con phải nhớ, câu đó sẽ cắt tim người nghe một vết rất dài khi sự tình vỡ lở”. Hình như chính những lúc vậy mà chồng chị bây giờ để ý tới 2 má con, dần dà thành “chú tài xế” thân thuộc của cu Bon. Anh cũng dân miền Trung nắng gió như chị, thuê trọ ở đây lâu rồi, phụ hồ, chạy chợ bán la ghim, bốc vác, việc nặng việc khó đều kinh qua. Là anh lớn, sau còn 2 đứa em gái, anh chọn phía mình thiệt thòi nhiều nhất có thể bởi má anh đã vĩnh viễn nằm lại trên nghĩa địa làng sau một mùa bão quét qua. Chị bắt đầu dè chừng mỗi bận anh mua cho cu Bon cục kẹo, cây súng nước. Năm con rời mẫu giáo lên lớp Một, anh sắm luôn 2 bộ đồng phục và chiếc cặp in hình siêu nhân khiến chị đổ quạu, hỏi mắc mớ chi can dự không biết. Cái người bình thường trầm ngâm lặng lẽ bỗng nhìn thẳng vô mắt chị, nói rõ từng tiếng: “Tại vì tui thương má con em”. Chị nghe mà đứt ruột. 

Lần đầu chị về thăm ba má sau chục năm xa cách là cùng anh và cu Bon. 2 đứa quỳ bên hàng rào chè tàu trước ngõ. Ba má xô ra thảng thốt rồi đổ gục. Sực tỉnh, má không nói không rằng cầm chổi chà quất anh túi bụi. Những đánh, những rầy la, anh chịu hết dù lỗi lầm nào phải do anh. Chị rất muốn giải thích kỹ càng mà trong thời khắc xúc cảm nhớ thương dồn nén bục ra, chị ríu lưỡi, câu được câu mất càng khiến ba má giận dữ với anh hơn. Phải sau mấy ngày, tình hình mới bớt căng thẳng và khi hiểu mọi sự, má chị nấc nghẹn, biểu anh: “Con Dao của má đã thiệt thòi khiếm khuyết thì chớ, còn dại khờ thành ra lỡ dở. Con còn trẻ, còn bay nhảy khắp nơi, rồi sẽ tìm được người con gái tốt”. Má nói thì anh nghe thôi, chớ sức mấy chịu. Bây giờ lâu lâu nhớ lại, chị còn tủm tỉm cười. Đợt đó, anh ở lì cả tháng trời, mỗi ngày đều ra ruộng xới đất với ba, xuống nà chở bắp cho má. Rồi anh nhờ ba mình bươn bả tới. Má lắc đầu, kêu: “Trời đất ơi, tau chịu thua nó luôn rồi!”. 
***
Sáng Chủ nhật, bác Bảy xăng xái dẫn đường cho một nhóm người vô xóm trọ. Không rào trước đón sau, chị cán bộ báo quận sắp tổ chức đám cưới tập thể cho anh chị em lao động khó khăn. Bác Bảy đã giới thiệu vợ chồng chị nên bữa nay quận xuống thăm, trước là để gặp mặt, sau là bàn kỹ chuyện hệ trọng. Chồng chị cúi mặt run run. Đám cưới có đầy đủ bàn tiệc đãi 2 họ, có cặp nhẫn giao ước trăm năm, có xe đưa đón, có đội quay phim, chụp hình, có thợ trang điểm chuyên nghiệp, có chút tiền mừng coi như vốn liếng cho các cặp đôi mần ăn. Khúc này mới khiến lòng chị rộn lên lạ kỳ: có áo cưới, tới 2 bộ, 1 đầm trắng, 1 áo dài tơ tằm đỏ và mấn đội đầu cho cô dâu.

Lâu rồi, từ tuổi 20, chị đã tha thiết mơ về ngày được mặc áo cưới, được xúng xính bước lên xe hoa như mọi phụ nữ trên đời. Vợ chồng chị đến với nhau cũng đã dự tính làm bữa tiệc nho nhỏ. Nhưng, tai ương là điểm mù khó lường. Ba chồng phát bệnh, lại thêm một mùa bão nữa ập xuống làng chị. Khoản tiền tiết kiệm ít ỏi vợ chồng chị dành dụm được đâu bõ bèn trước đắng cay, mất mát nơi quê nghèo. Rồi thì dịch giã, công ty mất đơn hàng, làm được bữa nay phải nghỉ bữa mai.

Nên chị và anh đành an ủi nhau, rằng sống với nhau hạnh phúc được rồi, cưới hỏi cũng chỉ là thủ tục thôi mà. Nhưng, lại nhưng, thiệt lòng chị cũng tủi, nhất là mấy lần đi dự cưới bạn bè, đồng nghiệp, cứ có cảm giác hụt đâu đó trong lòng. Mới rồi trên lối dẫn về xóm trọ, người ta mở tiệm áo cưới to lắm. Không ai biết, chị đã dừng lại đó vài lần, tần ngần trước bộ váy trắng tinh lộng lẫy trong tủ kính. Nhớ đợt COVID-19 bùng phát dữ dội, xóm trọ phong tỏa, cả nhà nhiễm vi rút, chồng chị nặng nhất. Đợt đó, anh nằm thở khò khè, gồng từng hơi bật ra 1 câu thiệt ngắn mà khiến chị đau lòng thiệt lâu: “Anh còn nợ em ngày mặc áo cưới”. 

Thảo Nguyên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI