Trình Bộ Chính trị ký Hiệp định TPP vào 4/2/2016

01/01/2016 - 07:35

PNO - "Chính phủ đã trình BCT chủ trương sẽ ký Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 4/2/2016 tới", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.

Trinh Bo Chinh tri ky Hiep dinh TPP vao 4/2/2016
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương. Ảnh: Vietnamnet.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015-2016 của Bộ Công Thương sáng 31/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 4/2/2016.

Đánh giá cao công tác đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là Hiệp định TPP, Thủ tướng cho biết chúng ta đã đấu tranh để đạt được mục tiêu cao nhất. Nếu điều kiện đưa ra khó, chúng ta đấu tranh để bạn cũng phải nhân nhượng.

Trước đó, vào ngày 5/10, 12 nước thành viên (Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, NewZealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ) đã hoàn tất quá trình đàm phán và bước vào quá trình rà soát pháp lý tại mỗi nước.

Thủ tướng cho rằng năm qua, một trong những điểm sáng của Việt Nam mà ngành Công Thương đã góp công lớn là vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Nổi bật trong số này là kết thúc đàm phán 2 hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý rằng việc tận dụng cơ hội mở rộng thị trường để nâng cao xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế và điều này đã được Chính phủ kiểm điểm trong báo cáo tổng kết điều hành.

Như vậy, sau hơn 5 năm thương lượng, TPP  được lãnh đạo các nước tham gia tuyên bố kết thúc đàm phán hồi đầu tháng 10. Đây được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới gồm 12 quốc gia. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Những vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh,... Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế.

Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI.

Hoàng Dương (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI