Giảm áp lực học hành, cần hành động ngay - Bài 2:

Trẻ tiểu học thức khuya dậy sớm "cày" bài

09/05/2024 - 06:22

PNO - Rất nhiều học sinh tiểu học hiện nay sau khi học cả ngày ở trường, tối còn phải đi học thêm đủ thứ môn. Học xong về nghỉ ngơi một chút rồi quay ra học bài,làm bài tập ở trường cho đến tận khuya…

LTS: Trong những ngày tháng Năm này, học sinh cả nước đang căng mình với kỳ thi cuối năm học. Các em học sinh cuối cấp còn tiếp tục bước vào kỳ thi căng thẳng hơn. Nhiều em đã học suốt từ hè đến cả năm học, học từ 7g sáng ở trường đến 21g ở lớp học thêm... để chuẩn bị cho các kỳ thi này. “Học nhiều” dường như đã trở thành đặc sản của giáo dục và để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe tinh thần của học sinh. Trả lại tuổi học trò thần tiên cho các em là việc làm cấp bách vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh, năng động, sáng tạo...

Bài 1: Trẻ mầm non ngày ở trường, tối ở lớp học thêm

Choáng với bài tập về nhà

Mỗi lần bạn bè gặp nhau là chị Hồng Trang (quận Bình Thạnh, TPHCM) lại than phiền về bài vở của 2 đứa con đang học tiểu học. Chị còn mang cả báo bài của cô giáo cho mọi người cùng xem. Cụ thể, báo bài ngày thứ Ba của con trai học lớp Năm của chị như sau: 1. Âm nhạc: học thuộc bài…; 2. Hoạt động trải nghiệm: viết bài đã thảo luận nhóm; 3. Tiếng Việt: chuẩn bị bài trang…; 4. Tin học: ôn 3 link cô gửi trên Zalo; 5. Ismart: học thuộc bài trên Ismart pro 2; 6. Ngoại ngữ: học từ vựng, làm bài tập sách workbook (trang 63, 64, 65); 7. Khoa học tự nhiên: học thuộc bài 8.

“Nói thiệt, đi làm về, thấy báo bài của con là mẹ choáng luôn. Tối nào 2 đứa con tôi cũng học bài tới khuya. Cha mẹ rủ đi chơi, đi ăn con không bao giờ dám đi vì sợ không học kịp bài thì hôm sau lên lớp sẽ bị cô giáo phạt. Học áp lực quá nên con trai tôi ngày nào cũng xin cha mẹ cho học tới lớp Chín rồi chuyển qua học nghề. Mỗi ngày đến trường với con rất nặng nề. Thấy con học mệt quá cũng thương mà không biết phải làm sao” - chị Hồng Trang chia sẻ.

Sau khi học cả ngày ở trường, các học sinh tiểu học này còn phải đi học thêm buổi tối, về nhà phải tiếp tục học bài trên lớp - ẢNH: ĐOAN TRÚC
Sau khi học cả ngày ở trường, các học sinh tiểu học này còn phải đi học thêm buổi tối, về nhà phải tiếp tục học bài trên lớp - Ảnh: Đoan Trúc

Từ đầu năm học, em Đ.P.Anh (học lớp Ba, quận Bình Thạnh) đã thông báo với gia đình: “Năm nay, 1 tuần con chỉ nghỉ được buổi tối thứ Hai thôi. Cả nhà muốn rủ con ra ngoài chơi thì cũng phải chờ coi cô giáo có cho bài tập về nhà không đã nha”. Chiều nào cha đến trường đón, bé cũng đòi cha vô gặp ban giám hiệu để xin chuyển lớp vì cô giáo cho quá nhiều bài tập. Bé nhăn nhó: “Ngày nào cũng làm mấy chục bài toán, viết mấy chục từ khó. Rồi còn phải học thuộc bài tập làm văn nữa. Con không muốn học với cô H. chút nào hết. Con ước gì ngủ một giấc, sáng hôm sau con được chuyển lớp”.

Chị P.Linh - mẹ của bé - cho biết: “Mới lớp Ba mà tối nào cũng phải làm bài tới tận khuya. Nhiều bữa bé phải dậy từ 5g30 sáng để nhờ mẹ khảo bài tập làm văn. Bé phải thuộc từng dấu chấm, dấu phẩy thì mới yên tâm đi học, không sợ bị cô la”.

Từ học kỳ I năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TPHCM đã yêu cầu các trường tiểu học ôn tập kiểm tra cho học sinh ngay trên lớp, không giao bài tập về nhà đối với học sinh học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập… Nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều giáo viên giao nhiều bài tập về nhà cho học sinh.

"Chạy sô" học thêm

21g đêm một ngày cuối tháng Tư, hàng trăm học sinh túa ra từ một trung tâm tiếng Anh trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12, TPHCM), trong đó có rất nhiều học sinh tiểu học. Các em vừa kết thúc ca học cuối cùng ở đây. Ra khỏi trung tâm, thấy cha, Mỹ Linh - học sinh lớp Ba, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12) - vừa ngáp vừa năn nỉ: “Cha ơi hôm nay con thi xong cuối khóa rồi, cha cho con nghỉ ít bữa nha?”. Tuy nhiên, người cha không đáp lại, chỉ giục con về cho kịp giờ đi ngủ.

Thực sự, đây là ca học thêm thứ hai trong ngày của em. Trước đó, sau khi tan học ở trường em được giáo viên đón về nhà để kèm toán, tiếng Việt. Sau đó, cha mẹ đón em về, ăn vội bữa tối rồi tiếp tục đi học ở trung tâm tiếng Anh. Đều đặn như vậy, em học thêm kín lịch tất cả ngày trong tuần. Anh Đỗ Quân - cha của em - cho biết: “Giỏi tiếng Anh là lợi thế lớn khi con muốn xét tuyển vào lớp Sáu trường THCS chất lượng cao nên tôi đã cho con học thêm tiếng Anh hơn 2 năm nay. Tại trung tâm này, học phí mỗi khóa khoảng 15 triệu đồng, mỗi năm bé học 3-4 khóa nên tốn khoảng 60 triệu đồng/năm”.

Bé Phương Trang - học lớp Bốn trường tiểu học tại quận Bình Thạnh - đã có “thâm niên” đi học thêm từ bậc mầm non. Lịch học hiện nay của bé rất “kinh khủng”: tối thứ Hai, Tư học thêm ở nhà cô chủ nhiệm từ 17 - 19g. Tối thứ Tư, Sáu học đàn từ 19 - 21g. Tối thứ Ba, Năm học thêm tiếng Anh ở nhà cô giáo từ 17 - 19g. Tối thứ Bảy, Chủ nhật học tiếng Anh ở trung tâm từ 19 - 21g. Phương Trang nói: “Học cả ngày ở trường là con mệt lắm rồi. Cứ tới buổi chiều là con nhức đầu. Nhưng cha mẹ bắt phải đi học thêm, năm nào cũng học thêm, hè con cũng không được nghỉ”.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa rồi, gia đình chị N.N.Ánh ở quận Gò Vấp dự tính về quê 5 ngày nhưng con gái đang học lớp Bốn xin lên sớm 1 ngày để ôn bài. Theo chị Ánh, trước khi nghỉ lễ, cô giáo giao 10 đề toán, 3 đề tiếng Việt để học sinh ôn lại kiến thức. Ngoài ra, bé còn phải ôn thêm môn công nghệ, tiếng Anh nữa. Mấy ngày nghỉ về quê, bé vừa chơi vừa tranh thủ học bài. Hôm thứ Tư, bé đóng cửa phòng suốt ngày để học thuộc bài công nghệ. Chị chia sẻ: “May là tuần này bé được nghỉ học thêm tiếng Việt, toán và tiếng Anh buổi tối nên có thời gian ôn bài để tuần sau đi thi. Thấy con học thêm nhiều cũng thương nhưng vì trong lớp bạn nào cũng học thêm nên mình cho con học luôn để yên tâm”.

Về việc nhiều phụ huynh đầu tư cho con học tiếng Anh ở trung tâm, ông Lê Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị (quận 1, TPHCM) - nhận định: so với trước đây, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đổi mới rất nhiều nhưng vẫn khó đáp ứng được yêu cầu đầu vào lớp Sáu ở nhiều trường. Ông đánh giá đề thi của các chứng chỉ quốc tế khó hơn nhiều so với chuẩn năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, chưa kể thời lượng và chất lượng giáo viên ở nhiều trường chưa đồng đều nên phụ huynh vẫn cho con học thêm ở các trung tâm tiếng Anh.

Tuy nhiên, ngoài những lý do trên, ông Lê Hồng Thái cho rằng việc học sinh tiểu học đi học thêm quá nhiều một phần nữa là do phụ huynh. Nhiều người không có thời gian trông con hoặc không thể kèm con học vào buổi tối nên gửi con đi học thêm. Cũng có người thấy con người khác học nên cũng cho con mình học… Những lý do này khiến học sinh tiểu học ngày càng phải đi học thêm nhiều hơn, dù chương trình đã đổi mới, giảm tải.

Học sinh không còn thời gian để phát triển cá nhân

Về vấn đề học sinh học thêm, ông Lương Dũng Nhân - Giám đốc đào tạo Hệ thống giáo dục ATY - cho rằng cần phân việc học thêm ra 2 mảng, đó là học thêm những môn văn hóa đang học ở trường và học thêm kỹ năng bên ngoài (tiếng Anh, thể thao, nghệ thuật…). Khi đã phân định ra rạch ròi, chúng ta cần hướng tới nhu cầu thực sự của người học.

Hiện cha mẹ thường không xác định được nhu cầu phát triển của con mà áp các tiêu chuẩn chung phổ biến vào đứa trẻ khi buộc trẻ phải giỏi tất cả các môn, lại phải biết “cầm kỳ thi họa”, thể chất… Nhưng người lớn lại quên mất, liệu đây có phải là hình mẫu mà bạn nhỏ muốn hướng tới hay không. Do vậy, trước khi cho con học thêm, cha mẹ cần nói chuyện để biết được con muốn gì, muốn trở thành một người như thế nào. Nhiều khi mong muốn của con sẽ trái ngược với cha mẹ nhưng chúng ta cần ưu tiên lựa chọn của con.

Cha mẹ cần xác định con muốn phát triển ở lĩnh vực nào và phải đưa ra “hạn mức” với học thêm, không thể môn nào cũng giỏi tuyệt đối được. Để trả lời được câu hỏi nên học thêm hay không, học sinh phải biết chủ động định hướng bản thân, nếu cảm thấy có những môn mình vẫn còn yếu thì cần tới việc bổ trợ sau đó lựa chọn bổ trợ bằng cách tự học hay cần tới người hướng dẫn trong một khoảng thời gian nhất định chứ không thể học thêm suốt từ năm này qua năm khác.

Học sinh ngày nay quá khổ khi phải làm quá nhiều nhiệm vụ do giáo viên, cha mẹ, xã hội giao… Các con không còn thời gian cho bản thân, mỗi ngày trôi qua chỉ lo học hành, ăn ngủ và giải trí thụ động. Điều này rất nguy hiểm khi trẻ không còn thời gian tự do để phát triển cá nhân một cách chủ động. Các con cần có thời gian để làm việc riêng như viết tiểu thuyết, tìm hiểu công nghệ, chơi đàn, vẽ tranh… Chính những điều này mới giúp trẻ hình thành sở thích, sở trường, đam mê rồi mới định hướng được cuộc đời chứ không phải chạy theo các hoạt động do người lớn sắp xếp.

N.Loan

Kỳ tới: Học sinh lớp Chín “ám ảnh” với thi lớp Mười

Nguyễn Loan - Đoan Trúc

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc