Trẻ nhiễm COVID-19 nặng do người lớn chủ quan

10/12/2021 - 08:18

PNO - Nghĩ rằng nếu tất cả người lớn trong nhà không dương tính với SARS-CoV-2 thì trẻ không mắc COVID-19, nhiều cha mẹ hối hận không kịp khi bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm bệnh, nguy kịch.

Nhiều trẻ trở nặng do phát hiện trễ

Ôm bé N.V.M. (chín tuổi, ở TPHCM) đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cấp cứu, cha của bé thẫn thờ không hiểu chuyện gì xảy ra với con trai mình. Cách nhập viện vài ngày, M. còn khỏe mạnh, chạy chơi, chỉ ho, sổ mũi nhẹ. Vậy mà chỉ vừa than mệt, con trai anh đã rơi vào suy hô hấp, nguy kịch.

Tiếp nhận bé M. trong tình trạng thở hắt, da tím tái, độ bão hòa oxy thấp, huyết áp, mạch không ổn định… người nhà hoảng loạn, không khai thác được bệnh sử, các bác sĩ Khoa Cấp cứu buộc phải chuyển bé vào Khoa COVID-19 vừa hồi sức tích cực, vừa thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho bé.

Bé trai mắc COVID-19 trong tình trạng thừa cân, béo phì phải lọc máu - ẢNH: Phạm An
Bé trai mắc COVID-19 trong tình trạng thừa cân, béo phì phải lọc máu - Ảnh: Phạm An

Kết quả cho thấy, bé M. dương tính với SARS-CoV-2, bác sĩ lập tức cho bé thở máy, sử dụng thuốc kháng virus, kháng sinh… Tuy nhiên, bé M. bị thừa cân, béo phì, được đưa vào bệnh viện quá trễ nên diễn tiến rất phức tạp, tiên lượng nguy kịch. 

Ê-kíp bác sĩ chia nhau theo dõi sát, thực hiện các phương án điều trị tốt nhất cho bé M. Ngày thứ ba sau nhập viện, bất ngờ bé M. bị hội chứng cơn bão Cytokin, phải chạy ECMO mới qua nguy kịch, dần hồi phục, xuất viện.

Cha của bé M. cho biết: “Tôi cũng định test nhanh COVID-19 cho con nhưng bé không chịu. Thấy con còn nhỏ, tôi và những người trong nhà tự xét nghiệm. Kết quả tất cả mọi người đều âm tính nên tôi cũng nghĩ con trai mình chỉ cảm thông thường, bởi con tôi rất ít đi ra ngoài”.

Ngồi chăm con trai năm tuổi trong Khoa COVID-19, chị Nguyễn Thị K. (32 tuổi, ở quận 3) chốc chốc lại lay nhẹ bé xem con còn phản ứng không. Mấy ngày qua, chị thẫn thờ không ngủ được, không hiểu vì sao con trai mình bị nhiễm bệnh.

Có trẻ mắc COVID-19 nhẹ, không hoặc ít triệu chứng, chỉ cần điều trị vài ngày là âm tính, nhưng có trẻ thuộc nhóm nguy cơ nặng nằm trong khu hồi sức cấp cứu.
Có trẻ mắc COVID-19 nhẹ, không hoặc ít triệu chứng, chỉ cần điều trị vài ngày là âm tính, nhưng có trẻ thuộc nhóm nguy cơ nặng phải nằm ở khu hồi sức cấp cứu

Theo chị K., để vào chăm con, chị phải làm giấy cam kết có thể sẽ bị lây bệnh tại khoa. Hiện tại, chị được xem là F1 nguy cơ cao khi chăm bé. Tuy nhiên, hy vọng lớn nhất của chị lúc này là con trai hết bệnh về nhà.

Chị K. nói: “Con tôi được phát hiện bệnh vài ngày nay khi đi khám một bệnh khác. Lúc bác sĩ xét nghiệm sàng lọc, nói con tôi dương tính tôi không thể tin được. Nhà chỉ có hai mẹ con, tôi không bệnh thì con tôi lây từ đâu được”. Do con chị K. có bệnh nền về tim mạch, đang tiến triển nặng, bác sĩ thuyết phục chị và con nhập viện. Gọi điện thoại về cho người quen nhờ trông chừng phòng thuê, chị K. mới biết người hàng xóm chị hay nhờ giữ con đã mắc COVID-19, cũng đang cách ly chờ y tế địa phương tư vấn, hướng dẫn. 

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, thông tin số ca mắc COVID-19 ở trẻ em có xu hướng tăng do ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao. Biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhanh, người thân trong gia đình nhiễm bệnh nhưng không được phát hiện sớm và cách ly, điều trị, nên dễ lây cho  trẻ. Nhiều gia đình có tất cả thành viên nhiễm bệnh phải nhập viện. Tuy nhiên, không loại trừ trẻ bị COVID-19 từ các nguồn lây nhiễm khác.

Nhiều phụ huynh tại đây cũng nhận ra sai lầm khi nghĩ “nhốt kín” con trong nhà, bản thân không mắc bệnh thì trẻ sẽ không lây nhiễm. Thực tế, ngoài lây bệnh từ các thành viên trong gia đình, khi trẻ chạy chơi trong công viên, được cha mẹ chở trên xe, hay vô tình tiếp xúc với nguồn lây khác cũng có thể mắc COVID-19.

Trẻ mắc COVID-19 có xu hướng tăng

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa COVID-19 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, cho biết số lượng trẻ mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng nhanh so với tháng trước. Nếu tháng vừa qua, khoa có khoảng 60 - 70 bệnh nhi, thì đến nay đã có gần 200 bệnh nhi.

Hiện tại, Khoa COVID-19 có 218 trẻ và người lớn. Trong đó, có hơn 180 F0, gồm 113 ca trẻ em, 67 người lớn, còn lại là người thân F1 chăm sóc trẻ. Đáng lưu ý, những trẻ ở đây thuộc nhóm nguy cơ do có bệnh lý nền, nhóm thừa cân, béo phì. Đây là nhóm trẻ nặng phải điều trị ở khu Hồi sức cấp cứu. Riêng phòng cấp cứu của khoa có 17 trường hợp bệnh nhi đang chuyển nặng cần theo dõi sát, trong đó năm bé thở máy, một bé đang chạy ECMO.

Các bé đa số bị béo phì. Hầu hết trẻ mắc bệnh sống tại TPHCM, đa dạng mọi lứa tuổi. Tình trạng sức khỏe của các bé khác nhau, nguồn lây cũng rất đa dạng, khó xác định. Đa số các bé được phát hiện dương tính trong lúc sàng lọc khi đi khám một bệnh khác, những trẻ này có biểu hiện nhẹ, sớm khỏi bệnh. 

Trẻ mắc COVID-19 chuyển nặng cũng có dấu hiệu tăng do được đưa đi bệnh viện quá trễ, trẻ có bệnh nền trước đó, nhất là thừa cân, béo phì, tiểu đường, bại não… phải thở máy, thở oxy, thậm chí lọc máu, chạy ECMO cấp cứu.

“Bên cạnh đó, tuy bệnh viện chuyên về nhi nhưng các bé còn quá nhỏ, cần phải có người thân chăm sóc. Có cha hoặc mẹ đã dương tính, cũng có trường hợp người nhà chấp nhận là F1 vào với các bé. Vì vậy, khoa COVID-19 hiện điều trị cho cả người lớn và trẻ em”, bác sĩ Việt nói thêm.

Đơn vị điều trị COVID-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cũng thông tin, số lượng trẻ dương tính nhập viện gần như tăng gấp đôi so với trước đây. Hiện, đơn vị có hơn 100 trẻ đến điều trị. Do trẻ nhiễm bệnh tăng nên số lượng trẻ chuyển nặng cũng đang có xu hướng tăng. Trong đó, trẻ bị suy thận mạn tính, hội chứng thận hư, bại não... phải thở mask (thở oxy qua mặt nạ), thở máy. Cả hai bệnh viện nhi đã ghi nhận trường hợp trẻ tử vong do mắc bệnh nền và COVID-19, tỷ lệ tử vong dưới 1% số lượng trẻ nhiễm bệnh tại đây.

Các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 đa phần diễn tiến nhẹ nên người lớn đừng quá lo lắng, nhưng không vì thế mà chủ quan nếu trẻ có các dấu hiệu bệnh, hãy trang bị kỹ lưỡng khi đưa con em mình đi khám bệnh.

Trường hợp phát hiện trẻ dương tính qua các xét nghiệm test nhanh tại nhà, hãy khai báo y tế địa phương để được bác sĩ thăm khám, cấp thuốc và hướng dẫn cách ly, chăm sóc cho trẻ. Để ý các dấu hiệu diễn tiến nặng của bệnh như sốt cao 2 - 3 ngày liên tục, trẻ bỏ ăn, nôn ói, thở nhanh so với thường ngày, đo nồng độ oxy trong máu… và báo ngay với bác sĩ. 

“Riêng với trẻ có cơ địa bệnh lý đặc biệt, cha mẹ nên theo dõi sát các triệu chứng của trẻ, đưa bé đến cơ sở y tế thăm khám, phát hiện mắc COVID-19 càng sớm, trẻ càng giảm nguy cơ tiến triển nặng. Nhất là trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ chuyển nặng rất nhanh”, bác sĩ Việt lưu ý. 

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết dự kiến đầu năm 2022, Bộ Y tế sẽ cho phép triển khai tiêm ngừa cho trẻ từ 3 - 11 tuổi. Nếu bao phủ được vắc xin cho trẻ ở độ tuổi này, thành phố sẽ hoàn thành tiêm ngừa cho mọi lứa tuổi có chỉ định tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Tính đến ngày 7/12, TPHCM đang điều trị 13.492 bệnh nhân. Trong đó, có 479 trẻ em dưới 16 tuổi, 439 bệnh nhân nặng đang thở máy xâm lấn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI