Trẻ nhập viện vì ho sốt tăng vọt

14/10/2020 - 06:22

PNO - Thời điểm giao mùa, khoảng một tháng trở lại đây, bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng vọt.

Các bệnh nhi tới khám, điều trị là trẻ trong độ tuổi từ một tháng đến 15 tuổi, mắc các bệnh viêm mũi họng, cảm cúm và phổ biến nhất là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. 

Bệnh viện “căng mình” luân chuyển bệnh nhân

Sinh non khi mới 33 tuần, bé N.G.K. (Ba Vì, TP.Hà Nội) phải nằm ở khoa sơ sinh để chăm sóc tới khi đủ chín tháng tuổi. Thế nhưng, vừa về nhà được hai tuần, K. đã bị viêm phổi, nghi ngờ tăng men gan nên phải chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Bác sĩ cảnh báo nhiều bệnh nhân có bệnh nền mắc bệnh hô hấp khi giao mùa sẽ diễn biến nặng,  điều trị khó khăn và lâu dài
Bác sĩ cảnh báo nhiều bệnh nhân có bệnh nền mắc bệnh hô hấp khi giao mùa sẽ diễn biến nặng, điều trị khó khăn và lâu dài

Tại đây, trong tuần đầu, bé phải thở ô-xy và tiếp tục hỗ trợ thở máy trong ba tuần kế tiếp. Tới nay, tình trạng của bé vẫn nặng và phải tiếp tục theo dõi, điều trị. Nhìn đứa con trai nhỏ với đủ thứ dây nhợ, máy móc hỗ trợ xung quanh, chị N.T.P., mẹ bé, không cầm được nước mắt: “Các bác sĩ nói sau khi chữa được phổi, cai máy thở thì lại tiếp tục điều trị gan và tim của con. Chưa biết bao giờ con mới được về nhà”.

Cũng mới 11 tháng tuổi, giống bé K., bệnh nhi N.M.T. (Đông Anh, TP.Hà Nội) đã phải nằm viện hơn một tháng nay. Đầu tháng Chín, thấy con trai có biểu hiện ho sốt, mẹ cháu T. cho con đi khám và chữa trị gần nhà nhưng tình trạng của bé không đỡ, sốt cao kèm khó thở. Khi đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được chẩn đoán viêm phế quản phổi và điều trị liên tục tới nay.

Tương tự, cháu T.D.H. (9 tuổi, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) nhập viện vì căn bệnh viêm phổi. Trước khi nhập viện một tuần, H. ho nặng, sốt cao, khó thở. Trẻ chỉ cắt cơn sốt vài tiếng sau uống thuốc rồi sốt lại. “Không chỉ ho ốm mà cháu ăn uống rất kém. Nhiều khi chỉ ăn được vài thìa cháo rồi lại nôn hết nên lúc nào người cũng lả đi, sụt cân và xanh xao”, mẹ của H. chia sẻ.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết trước đây số bệnh nhi mắc bệnh lý hô hấp vẫn đông nhưng từ thời điểm giao mùa khoảng một tháng trở lại đây thì con số tăng vọt. Các bệnh nhân tới trung tâm thăm khám, điều trị là trẻ trong độ tuổi từ một tháng đến 15 tuổi, mắc các bệnh viêm mũi họng, cảm cúm và phổ biến nhất là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. 

Do lượng bệnh nhân quá đông nên mỗi ngày trung tâm phải luân chuyển 25-30 bệnh nhân về tuyến dưới hoặc cho ra viện để tiếp nhận bệnh nhân khác nặng hơn. “Trung tâm có 155 giường và hiện đã kín. Nhiều năm nay, trung tâm không còn tình trạng nằm ghép. Tuy nhiên, trường hợp có thêm bệnh nhân nặng sẽ kê thêm hai cũi di động vào một phòng để đảm bảo không trẻ nào phải nằm ghép, tránh lây chéo bệnh. Đồng thời, trung tâm buộc phải luân chuyển bệnh nhân thường xuyên để mỗi bệnh nhân nặng nằm một giường”, bác sĩ Hanh thông tin.

Đặc biệt, theo bác sĩ Hanh, hiện số ca bệnh nặng ở đây khá nhiều. Có 60 bệnh nhân phải thở ô-xy, chiếm gần 40% số bệnh nhân nội trú. Nhiều trẻ có bệnh nền nặng như tim bẩm sinh, loạn sản phổi, đẻ non, não bẩm sinh, suy dinh dưỡng… khiến bệnh càng nặng, thời gian điều trị lâu. Hầu hết bệnh nhân ở đây được chuyển từ tuyến dưới lên phần lớn từ Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hải Phòng và các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Cảnh giác với vi-rút hợp bào hô hấp

Theo bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh, có rất nhiều căn nguyên gây viêm đường hô hấp, do vi khuẩn hoặc vi-rút. Tuy nhiên, giai đoạn giao mùa là khoảng thời gian không khí chuyển lạnh, ẩm hơn, ánh sáng mặt trời ít hơn làm cho vi-rút sinh sôi, phát triển mạnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý về loại vi-rút hợp bào hô hấp (RSV). 

Đây là vi-rút thường gặp ở trẻ dưới hai tuổi, mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Tại Trung tâm Hô hấp hiện đang có khoảng 50 bệnh nhân mắc vi-rút RSV. Trong đó, nhiều trẻ kèm bệnh nền phải thở ô-xy. “Vi-rút hợp bào hô hấp rất dễ gây suy hô hấp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới sáu tháng tuổi. Nhiều bệnh nhân nhiễm vi-rút này kèm bệnh nền phải thở ô-xy”, bác sĩ Hanh cảnh báo. 

Theo các chuyên gia, khi nhiễm vi-rút hợp bào hô hấp RSV, trẻ thường có triệu chứng sổ mũi, thở khò khè, ho, sốt. Bệnh hay kéo dài và tái phát. Những biến chứng của viêm tiểu phế quản do RSV khiến 20% trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa và khoảng 30% trẻ bị hen suyễn sau khi bị viêm tiểu phế quản.

Để phòng bệnh hô hấp lúc chuyển mùa cho trẻ, bác sĩ Hanh khuyến cáo, gia đình cần lưu ý bảo vệ trẻ nhỏ bằng cách giữ ấm và đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng chế độ điều hòa phù hợp. Đặc biệt, chú trọng vệ sinh mũi, họng hằng ngày và bảo đảm vệ sinh thân thể cho trẻ, không để trẻ tiếp xúc với người đang hắt hơi, sổ mũi. 

Trong sinh hoạt hằng ngày, mỗi lần trẻ làm ướt quần áo cần được thay ngay và không cho trẻ nghịch nước trong thời điểm giao mùa. Trẻ được tắm nước ấm, trong phòng kín, sau khi tắm gội cần lau người và mặc quần áo thật nhanh. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ hay phòng trẻ chơi. 

Chế độ ăn của trẻ cũng cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, thành phần. Ngoài thịt, cá, cần bổ sung thêm rau quả để cung cấp vitamin và khoáng chất, nhằm tăng cường sức đề kháng. Bác sĩ Hanh cũng khuyên cha mẹ cho con tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cúm, phế cầu và những bệnh lý theo quy định của Bộ Y tế.

“Khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn cần đi khám để điều trị. Không nên vội vàng mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị”, bác sĩ Hanh nhấn mạnh. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI