Trẻ học ngôn ngữ từ trong bụng mẹ

08/03/2017 - 06:30

PNO - Các nhà khoa học kết luận rằng não bộ của trẻ đã có thể phân biệt được âm thanh từ lúc rất sớm và chúng áp dụng những điều này vào khả năng học tập, phát âm về sau.

Một nghiên cứu mới vừa làm rõ thêm quá trình học ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Và kết quả cho thấy, trẻ bắt đầu học nói sớm hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ.

Thông qua nghiên cứu những bé lớn lên trong môi trường ngôn ngữ khác với ngôn ngữ chúng nghe khi còn trong bụng mẹ - các nhà khoa học có thể hiểu hơn về cách cảm nhận âm thanh của em bé, trước và ngay sau chào đời.

Tre hoc ngon ngu tu trong bung me
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chúng thích tiếng nói của mẹ hơn so với người lạ

Theo GS Anne Cutler (Ðại học Wester Sydney, Australia), nhiều chuyên gia đã biết rằng các bé sơ sinh thích nghe âm thanh giống với ngôn ngữ chúng được nghe trong bụng mẹ. Chúng nhận biết được âm thanh trong ba tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt là lời nói của mẹ, chúng thích tiếng nói của mẹ hơn so với người lạ. Bé cũng thích những ngôn ngữ có âm điệu tương đồng hơn là những ngôn ngữ có âm điệu khác nhau.

GS Cutler cho biết, chúng ta từng nghĩ trẻ nhỏ không thể học được âm vị (đơn vị nhỏ nhất của âm thanh, tạo nên từ và ngôn ngữ để phân biệt từ này vời từ khác) cho đến khi được sáu tháng tuổi. Nhưng kết quả của các nghiên cứu mới lại thách thức quan điểm này.

Năm 2010, BS Patricia Kuhl, Ðại học Washington (Mỹ) đã mô tả thử nghiệm trên trẻ nhũ nhi. Kết quả cho thấy, trẻ có thể phân biệt được tất cả những âm thanh khác nhau của mọi ngôn ngữ trên thế giới. Nhưng trong khoảng 6 đến 12 tháng tuổi, trẻ phân biệt rõ hơn trong vùng ngôn ngữ của chúng nghe hàng ngày, và đánh mất khả năng phân biệt ngôn ngữ mà chúng không được tiếp xúc.

Vì vậy, một em bé lớn lên nghe tiếng Nhật sẽ không phân biệt được âm “la” và “ra”, trong khi em bé lớn lên ở Hàn Quốc vẫn có khả năng phân biệt được ba cách phát âm âm “tal”, mà âm này chỉ có một cách phát âm trong tiếng Ðức.

Tre hoc ngon ngu tu trong bung me
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi nhà nghiên cứu Jiyoun Choi và cộng sự tại Viện Nghiên cứu tâm lý ngôn ngữ Max Planck (Hà Lan) và công bố trong Hiệp hội khoa học mở Hoàng gia vào tháng 1/2017. Nghiên cứu cho thấy, người sinh ở Hà Quốc và được nuôi lớn lên tại các gia đình Ðức thì có thể học nói tiếng Hàn Quốc chuẩn xác hơn người Ðức lớn lên tại Ðức.

Ðiều thú vị là hiệu ứng này không chỉ xảy ra ở những bé được nhận nuôi sau 17 tháng (khi chúng đã nói được vài từ) mà còn đúng cho cả em bé được nhận nuôi trước sáu tháng tuổi. Nói cách khác, việc nghe một ngôn ngữ trước khi sinh hay sau sinh vài tháng có ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận và tạo ra âm thanh, bất kể sự thay đổi môi trường ngôn ngữ.

Học một cách tự động

Giáo sư tâm lý học Christine Moon, tại Ðại học Pacific Lutheran (Mỹ) đã tìm hiểu những điều thú vị này. Bà cho biết: “Con tôi được nhận nuôi ngay lúc mới sinh, và nó không hề được nghe tiếng mẹ đẻ cho đến khi chúng rất lớn”. Trong nghiên cứu của mình, GS Moon và cộng sự quan sát phản ứng não bộ của trẻ. Khi nghe tiếng mẹ đẻ với tiếng nói người lạ, trẻ có thể phân biệt được và chúng làm được điều này khi còn dưới sáu tháng tuổi. Trẻ chưa có những kiến thức trừu tượng về ngôn ngữ, nhưng chúng nhận ra được âm vị dù những âm này ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ từ nào.

Từ những nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng não bộ của trẻ đã có thể phân biệt được âm thanh từ lúc rất sớm và chúng áp dụng những điều này vào khả năng học tập, phát âm về sau. “Khả năng tổng hợp để phác họa ra những kết luận trừu tượng thông qua dữ liệu thu nhận được là một kỹ năng thiết yếu của tư duy. Chính điều này giúp chúng ta thành con người” - GS Cutler chia sẻ.

Trẻ nhỏ có thể học ngôn ngữ mới một cách hoàn hảo sau khi chào đời và quá trình học bắt đầu từ ngay trước khi sinh vẫn gây nhiều bất ngờ. Chúng ta có thể giúp sự phát triển não trẻ một cách tự nhiên, cùng với nhịp điệu quen thuộc từ sự tương tác với bố mẹ, lặp đi lặp lại, nói chuyện, hát ru và đọc truyện.

Lời khuyên căn bản cho các bậc cha mẹ là đừng quá gò bó trẻ khi giúp chúng tập nói những năm đầu đời. Hãy để mọi thứ thật tự nhiên và dễ dàng. Hãy cứ nói chuyện với con bạn, chúng đang thu gom những kiến thức hữu ích về ngôn ngữ, mặc dù chúng không thực sự học từ vựng. GS Cutler cho biết: “Ngôn ngữ là thứ gì đó trẻ thật sự yêu mến, là sự tương tác khi bạn nói chuyện với trẻ, nhưng chúng thực sự đang lưu trữ những kiến thức hữu ích bất cứ khi nào chúng nghe”.

Tuyên Trân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI