Trẻ em và quyền được hiến tạng

16/05/2015 - 07:48

PNO - PN - Teddy trút hơi thở cuối cùng chỉ chưa đầy hai giờ sau khi được sinh ra. Nhưng, 100 phút ngắn ngủi hiện diện trên cõi đời này đủ để cậu bé trở thành người hùng trong lòng bao người. Teddy là người hiến tặng nội tạng nhỏ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi chị Jess Evans, mẹ của Teddy mang song thai, bác sĩ đã chẩn đoán một thai nhi có thể chào đời thiếu một phần não, một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, khiến phần não và hộp sọ không phát triển. Bác sĩ khuyên Jess phải chuẩn bị tinh thần vì em bé sinh ra không thể sống lâu. Jess và chồng, Mike Houlston quyết định giữ con, dù chỉ được ở bên con trong tích tắc. Chuyện xảy ra đã một năm nay nhưng mới đây, gia đình Jess mới công khai chia sẻ niềm tự hào của một người mẹ được nhìn thấy đứa con bé bỏng “tái sinh” trong cơ thể của những người xa lạ.

Tre em va quyen duoc hien tang

Jess và con trai Teddy - ẢNH: Daily Mirror

Ngay sau khi Teddy qua đời, Jess nghĩ ngay đến việc liệu một số bộ phận hoàn chỉnh của bé có thể mang đến hi vọng cho ai đó. Cô muốn Teddy dành lại một phần tốt đẹp cho cuộc đời này. May mắn là thận và van tim của cậu bé đủ tiêu chuẩn để cấy ghép cho bệnh nhân khác. Trong đó, thận của Teddy được ghép vào cơ thể người lớn. Cả Jess và Mike đều hạnh phúc khi nhắc đến Teddy, “người hùng” không chỉ trong mắt họ mà với cả gia đình của những người may mắn được hiến tạng.

Tre em va quyen duoc hien tang

Bố mẹ và anh chị của Teddy - Ảnh: Daily Mirror

Nghĩ rằng con vẫn sống thông qua việc hiến tạng, chị Ilse Fieldsend lấy đó làm động lực để vượt qua cú sốc mất con hai năm về trước. Georgia Fieldsend (ba tuổi) mắc chứng bệnh kỳ lạ chảy máu não khiến cô bé ngất xỉu và tử vong trong lúc du lịch cùng gia đình ở Ai Cập năm 2013. Khi Georgia được chăm sóc ở bệnh viện, Ilse và James, bố bé, không rời con nửa bước. Ilse đã nghĩ đến chuyện hiến tặng các bộ phận của Georgia. Không ngờ, Georgia đã được sinh ra lần nữa trong cơ thể của sáu người khác. Lá gan của cô bé được ghép vào cơ thể một bé trai trong khi giác mạc của em giúp hai người đàn ông thấy được ánh sáng. Điều an ủi lớn nhất với Ilse chính là nhớ lại khoảnh khắc họ ẵm con trên tay và nói lời chào tạm biệt: “Đến lúc con phải ra đi và cứu sống nhiều người khác, con gái ạ”.

Trao tặng một phần cơ thể, mang lại cuộc sống cho ai đó là nghĩa cử vô cùng cao quý nhưng mặt trái của câu chuyện cấy ghép nội tạng là có những kẻ rắp tâm đánh cắp nội tạng, bộ phận cơ thể của người khác để mua bán với giá “cắt cổ”. Ở Mỹ hiện có khoảng 100.000 người chờ cấy ghép nội tạng. Nhiều “con buôn” nhẫn tâm bắt cóc trẻ ở những quốc gia lân cận rồi bán sang Mỹ với giá 20.000 - 30.000 USD để tước đoạt nội tạng của các em. Đây là một lát cắt rất nhỏ về vấn nạn buôn bán nội tạng trẻ. Thực tế, vẫn có những “lò” cung cấp nội tạng ở Trung Quốc, Anh, Thái Lan hay bất cứ đâu còn tồn tại sự quản lý lỏng lẻo giữa khâu “cho và nhận”.

Bất ổn chính trị ở Syria kéo dài đã đẩy trẻ em nước này rơi vào thảm họa nhân đạo, trong đó, việc bắt cóc trẻ lấy nội tạng là nỗi ám ảnh của biết bao gia đình. Hành vi vô nhân tính này xảy ra nhan nhản ở thủ đô Damascus. Chị Nadia Kamal, mẹ của một bé gái tám tuổi, ở quận al-Qadam kể, con gái của chị bị bắt cóc suốt 10 ngày. Sau đó, chị nhận được điện thoại đến nhận con. Nadia chưa kịp vui mừng khi gặp lại con gái thì đau xót nhìn thấy có dấu vết phẫu thuật trên cơ thể đứa con gái tám tuổi. Theo bác sĩ, bé gái này đã bị đánh cắp một quả thận.

Tre em va quyen duoc hien tang

Ilse Fieldsend và con gái Georgia Fieldsend - ẢNH: DAILY MAIL

Khi nhu cầu quá lớn mà nguồn cung không được quản lý chặt chẽ, tất yếu dẫn đến tiêu cực. Nhật Bản từng cấm việc sử dụng nội tạng được hiến tặng từ trẻ để đề phòng trường hợp “biến tướng” hoặc việc người dân phải tìm đến nguồn cung từ “chợ đen” nội tạng ở nước ngoài. Thế nhưng, năm 2010, Nhật Bản đã điều chỉnh luật, cho phép trẻ em dưới 15 tuổi được hiến các bộ phận trên cơ thể với những quy định nghiêm ngặt, đơn cử chỉ những trẻ có xác nhận chết não mới được cho nội tạng. Từ năm 1997 đến thời điểm luật trên có hiệu lực, ở Nhật Bản có 2.100 trường hợp cấy ghép nội tạng. Trong khi đó, con số này ở Mỹ là hàng ngàn mỗi năm.

Ở Anh có hẳn Luật Cấy ghép nội tạng, quy định rất rõ ràng về điều kiện cho và nhận các bộ phận cơ thể. Bất cứ ai từ 12 tuổi trở lên cũng có quyền đưa ra quyết định về việc hiến một hay nhiều bộ phận trên cơ thể mình. Người này phải đăng ký với Trung tâm Y tế quốc gia (NHS). Những trẻ dưới 12 tuổi muốn cho đi bộ phận cơ thể phải được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người bảo hộ. Quy trình nhận bộ phận, cơ quan nội tạng để chuyển đến người cần là quy trình khép kín dưới sự kiểm soát của NHS. Ở Pháp, đối với trẻ em dưới 13 tuổi, bố mẹ sẽ là người quyết định về việc cho mô, bộ phận cơ thể của con bằng văn bản.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao những quốc gia có quy định chặt chẽ trong việc hiến tặng các bộ phận cơ thể mà đối tượng cho-nhận bao gồm cả người trưởng thành và trẻ em. Đây là biện pháp bắt kịp với xu hướng của toàn cầu trong việc quản lý lĩnh vực quá nhạy cảm này trong bối cảnh cung luôn không đáp ứng được cầu.

ANH THÔNG (Theo BuzzFeed, Daily Mail, NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI